
Mạch Môn Đông - Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker. – Gawl
Tên khoa học: Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker. – Gawl
Tên khác: Tóc tiên, lan tiên, xà thảo, duyen giới thảo, mạch môn đông, phiéc kép phạ (Tày)
Tên nước ngoài: Dwarf lily - turf, japanese snake's beard (Anh); ophiopogon (Pháp)
Họ: Thiên môn (Asparagaceae)
Mô tả
Thân thảo, sống nhiều năm, có thân ngắn mang nhiều rễ củ mập. Lá hình dải hẹp, dài 15 - 30 cm, rộng 2 - 4 cm, nhẵn, gốc có bẹ to hình màng, đầu nhọn, 5 - 7 gân lá song song, nổi rất rõ, mặt trên xanh lục sẫm, mặt dưới trắng nhạt.
Cụm hoa là một chùm dài 10 - 20 cm, cuống có cạnh; hoa màu lục nhạt hoặc lơ sáng; lá bắc không màu hoặc trắng nhạt; bao hoa gồm 6 phiến thuôn; nhị 6, chỉ nhị rất ngắn, bao phấn hình mác.
Quả mọng, màu tím, đường kính 6mm, chứa 1 - 2 hạt.
Mùa hoa quả: tháng 8 - 10
Bộ phận dùng
Rễ củ của cây 2 - 3 năm tuổi, thu hái vào tháng 6, cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi, phơi khô. Khi dùng cắt bỏ lõi.
Dược lý
Đã nghiên cứu và chứng minh rễ củ mạch môn có những tác dụng dược lý như sau:
Tác dụng chống viêm rõ rệt đối với cả hai giai đoạn cấp tính và bán mạn tính của phản ứng viêm thực nghiệm.
Tác dụng gây thu teo tuyến ức với mức độ yếu.
Tác dụng ức chế tương đối khá trên phế cầu và yếu hơn trên sự phát triển của các chủng vi khuẩn: tụ cầu vàng, Shigella dysenteriae, Bacillus subtilis.
Liều cao 200g/kg cho uống không gây biểu hiện độc tính trên chuột thí nghiệm. Trong nghiên cứu về khả năng thích nghi đối với những yếu tố bất lợi của môi trường trên thực nghiệm, đã cho chuột uống thuốc sinh mạch tán gồm 3 vị: mạch môn, nhân sâm, ngũ vị và nhận thấy thời gian cầm cự đối với nhiệt độ cao 42° ở lô thử nghiệm đã kéo dài hơn rõ rệt so với lô đối chứng. Về giải phẫu bệnh lý, có hình ảnh sung huyết nhẹ ở các phủ tạng, nhưng không có sự khác biệt rõ rệt giữa lô thử nghiệm và lô chứng. Đã nghiên cứu tác dụng chống ho trên thực nghiệm của rễ mạch môn và thấy có tác dụng giảm rõ rệt khi gây ho nhẹ bằng khí dung với amoniac hoặc acid citric. Đồng thời cũng chứng minh tác dụng long đờm, tăng tiết dịch ở niêm mạc khí phế quản của mạch môn.
Mạch môn còn được chứng minh có những tác dụng dược lý như sau:
Tác dụng hạ đường huyết: Dịch chiết với nước của mạch môn áp dụng trên thỏ bình thường và thỏ gây đái tháo đường bằng alloxan đều có tác dụng hạ đường huyết kéo dài.
Tác dụng chống viêm: Dịch chiết với ethanol của mạch môn thí nghiệm trên chuột cống trắng gây phù chân bằng carragenin có tác dụng ức chế phù.
Bài thuốc gồm mạch môn 10g, bách bộ 10g, rễ dâu 10g, vỏ quýt 5g, xạ can 5g, cam thảo dây 5g, áp dụng để chữa ho với dạng cao lỏng, đã đạt kết quả tốt 21,8%, trung bình 58,33%, không kết quả 19,43% trong các ca điều trị, và bệnh nặng lên 0,44% trong số bệnh nhân điều trị.
Công dụng
Rễ củ mạch môn được dùng để chữa ho khan, viêm họng, lao phổi nóng âm ỉ về chiều, sốt cao, tâm phiền khát nước, thổ huyết, chảy máu cam, hen phế quản, khó ngủ. Còn dùng để lợi tiểu và chữa thiếu sữa, điều hoà nhịp tim khỏi hồi hộp, chữa táo bón, lở ngứa. Ngày dùng 6 - 20g dạng thuốc sắc.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, rễ củ mạch môn thường được dùng trị các bệnh tim mạch, cao huyết áp, vữa xơ động mạch, loạn thần kinh mạch máu, loạn thần kinh thực vật, khí hư và mất ngủ. Phối hợp với các dược liệu khác trị viêm dây thần kinh.
Dạng dùng là nước sắc uống hoặc tán bột thành viên hoàn với liều mỗi lần 3 - 10g. Ở Ấn Độ, những rễ củ có hoạt chất nhầy của mạch môn có thể ăn được và được dùng thay thế nhân sâm; Ở các nước Campuchia, Lào, rễ được dùng làm thuốc chữa sốt và lợi sữa, trị viêm phổi và một số bệnh về gan, thận và ruột.