
Thiên Môn Đông - Asparagus Cochinchinensis (Lour.) Merr.
Tên khoa học: Asparagus Cochinchinensis (Lour.) Merr.
Tên khác: Thiên môn đông, tóc tiên leo, dây tóc tiên, mè nằm, nằm săm (Tày), co sin sương (Thái), sùa tú tùng (H’ Mông), dù mào siam (Dao).
Tên nước ngoài: Cochinchinense asparegus, Shiny asparagus (Anh)
Họ: Thiên môn (Asparagaceae)
Mô tả
Cây bụi leo, sống lâu năm, dài 1-1,5m, có khi hơn. Rễ củ mẫm, hình thoi, có cuống dài, mọc thành chùm. Cành rất nhiều, hình trụ, mọc xoắn suýt vào nhau thành bụi dày, nhắn và có gai cong, những cành nhỏ biến đổi thành lá gọi là diệp chi hình lưỡi liềm, có mặt cắt 3 góc, dài 2-3cm, đầu nhọn. Lá tiêu giảm thành những vảy nhỏ.
Cụm hoa mọc ở kẽ các diệp chi gồm 1-2 hoa màu trắng, hoa đực có bao hoa gồm 6 mảnh, 6 nhị và nhụy lép, hoa cái có bao hoa như hoa đực, nhị ngắn hơn, bao phấn tiêu giảm, bầu thuôn có vài ngăn.
Quả mọng, hình cầu, đường kính 5-6mm, màu lục nhạt sau chuyển vàng ngà rồi màu trắng, hạt màu đen.
Mùa hoa: tháng 3-5; mùa quả: tháng 6-9
Cây có công dụng tương tự: Thiên môn ráng cùng họ, khác với thiên môn ở chổ thân cành không gai, lá nhỏ và mảnh hơn, quả khi chín màu tím đen.
Bộ phận sử dụng
Rễ củ, thu hái vào mùa khô ở những cây hai năm tuổi, loại bỏ rễ con, tẩm nước cho mềm rồi đồ qua. Lúc rễ còn nóng, bóc lấy vỏ hoặc rút bỏ lõi, thái mỏng, phơi hay sấy khô.
Dược lý
Tác dụng kháng khuẩn: thí nghiệm trên ống kính, nước sắc thiên môn có tác dụng ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn như: bacillus anthracis, streptococcus hemolyticus A và B, B. diphtheriea, diplococcus pneumoniae, staphylococcus aureus, staphylococcus citreus và B. subtulis.
Ảnh hưởng đối với tế bào ung thư: thú nghiệm ngoài cơ thể, thiên môn có tác dụng ức chế men dihydrogenase của tế bào bệnh bạch cầu lympho cấp tính, tế bào bệnh bạch cầu hạt mạn tính và tế bào bệnh bạch cầu đơn nhân. Thuốc còn có tác dụng ức chế sự hô hấp của tế bào bệnh bạch cầu lympho cấp tính. Dịch chiết nước thiên môn có tác dụng kích phát sự hoạt động của interferon.
Tác dụng diệt ấu trùng ruồi và muỗi: rễ thiên môn băm nhỏ ngâm vào nước chế thành dung dịch 0,5-1% có tác dụng diệt bọ gậy sau 72-96 giờ tiếp xúc, còn với nồng độ 2-5% có tác dụng diệt giòi bọ đạt tỷ lệ 70-100% sau 3-4 ngày dùng thuốc.
Các tác dụng khác: hoạt chất asparagin trong thiên môn có tác dụng lợi tiểu. Theo tài liệu nước ngoài (Perry, M. Lily) thiên môn còn có tác dụng lợi đờm, giảm ho, hạ nhiệt, lợi tiểu và bổ.
Công dụng
Thiên môn có vị ngọt, đắng, tính đại hàn. Vào các kinh phế, thận, có tác dụng tư âm, nhuận tóa, thanh phế, hóa đờm, sinh tân.
Theo y học cổ truyền, thiên môn được dùng chữa phế ung, hư lao, thổ huyết, nhiệt bệnh, tiêu khát (đái đường), tân dịch hao tổn, táo bón. Nhân dân thường dùng thiên môn làm thuốc bổ chữa ho, sốt.
Liều dùng: 6-12g/ngày dưới dạng thuốc sắc, cao hay hoàn tán.
Ở Trung Quốc, một số tác giả đã dùng thiên môn phối hợp với các vị thuốc khác chữa ho gà cho trẻ em đạt kết quả khả quan. Có tác giả đã điều trị cho 77 bệnh nhi, đạt kết quả 88,6%, trong đó tỷ lệ bệnh khỏi hẳn đạt 38%. Ở đa số bệnh nhân sau khi dùng thuốc 1-4 ngày, các triệu chứng ho gà giảm rõ rệt. Ngoài ra, do thiên môn mềm, dẻo và nở to sau khi hút nước, nên một số thầy thuốc đã dùng để nong cổ tử cung bằng cách chọn đoạn rễ củ dài 5-7cm, đường kính 3-6mm, bề ngoài trơn tru, đem ngâm trong cồn 95 độ, rồi đặt vào cổ tử cung. Dược liệu làm cổ tử cung mềm mở rộng, và giảm đau.