Cà Gai Leo (Solanum procumbens Lour.)

Tên khác: Cà gai dây, cà vạnh, cà quýnh, cà lù, gai cườm, chẻ nam (Tày), b'rongoon (Ba Na)
Tên đồng nghĩa: Solanum hainanense Hance
Họ: Cà (Solanaceae)

Mô tả:

Cây nhỏ leo, sống nhiều năm, dài khoảng 1m hay hơn. Thân hoá gỗ ở gốc, nhẵn, phân cành nhiều; cành non toả rộng, phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng. Lá mọc so le, hình bầu dục hay thuôn, gốc tròn hoặc hình nêm, đầu tù; phiến lá có thuỳ nông không đều, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông tơ màu trắng; hai mặt đều có gai ở gân chính nhất là mặt trên; cuống lá cũng có gai.

Hoa màu tím mọc thành xim 2 - 5 hoa ở kẽ lá, ít khi 7 - 9; đài có lông, xẻ thành 4 thuỳ tam giác nhọn, không gai; tràng có 4 thuỳ hình trái xoan nhọn; nhị 4 màu vàng, chỉ nhị phình ở gốc.

Quả mọng, hình cầu nhẵn, có cuống dài, màu vàng sau đỏ, đường kính 5 - 7mm; hạt hình thận màu vàng.

Mùa hoa: tháng 4 - 6; mùa quả: tháng 7 - 9

Cây dễ nhầm lẫn:

Solanum thorelii Bonati, cùng họ. Cây này rất giống cà gai leo, chỉ khác là cụm hoa đơn độc, hoa mẫu 5, đài có gai, tràng màu trắng. Quả màu lục điểm trắng, khi chín vàng hay đỏ, đường kính 1,2 - 1,5cm.

Bộ phận dùng:

Rễ và cành lá cà gai leo, thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô. Có khi dùng tươi.

Thành phần hoá học:

Rễ và lá cà gai leo mọc ở Việt Nam có cholesterol, b - sitosterol, lanosterol, dihydrolanosterol. Ngoài ra, rễ chứa 3b - hydroxy - 5a - pregnan - 16 - on, rễ và lá có solasodenon. Hai chất solasodin và neoclorogenin còn thu được sau khi thuỷ phân dịch chiết rễ (Hoàng Thanh Hương, 1980).

Viện dược liệu đã phân tích thành phần hoá học thấy có alcaloid, glycoalcaloid, saponin, flavonoid, acid amin và sterol, trong đó nhân glycoalcaloid cso tỷ lệ nhiều hơn cả (Âu Văn Yên - Phạm Kim Mãn).

Tác dụng dược lý:

  1. Trong mô hình gây phù thực nghiệm chân chuột bằng kaolin tạo nên giai đoạn cấp tính của phản ứng viêm tương ứng với những biến đổi về mạch máu gây thoát huyết tương ở khoảng ngoài tế bào, rễ và thân lá cà gai leo có tác dụng ức chế phù rõ rệt (rễ với liều 13,5g/kg và thân lá với liều 22,5g/kg trở lên).

  2. Đối với giai đoạn bán cấp của phản ứng viêm tương ứng với sự tạo thành tổ chức hạt, trong mô hình gây u hạt thực nghiệm với amian, rễ và thân lá cà gai leo có tác dụng ức chế rõ rệt (rễ với liều từ 5g/kg và thân lá từ 10g/kg chuột trở lên).

  3. Tuyến ức có vai trò quan trọng trong sự hình thành hệ thống miễn dịch của cơ thể, rễ và thân lá cà gai leo có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột cống non rõ rệt (rễ với liều 7,5g/kg và thân lá với liều 15g/kg chuột trở lên).

  4. Chỉ số tán huyết của rễ cà gai leo xác định bằng phương pháp Brunel là : 13. Cà gai leo tỏ ra không độc trong thí nghiệm về độc tính cấp và bán tính.

  5. Sơ bộ nghiên cứu định lượng sinh học hoạt lực chống viêm thấy 1g rễ cà gai leo khô tương ứng với 2,5mg hydrocortison, và 1g thân lá cà gai leo tương ứng với 1,3mg hydrocortison.

Đã nghiên cứu tác dụng bảo vệ của rễ cà gai leo chống độc lực của nọc rắn cobra trên chuột nhắt trắng và thấy cà gai leo có tác dụng bảo vệ chuột thí nghiệm chống độc lực của liều cao nọc rắn, làm tăng một cách có ý nghĩa tỷ lệ chuột sống sót so với chuột đối chứng không uống cà gai leo.

Đã nghiên cứu thăm dò khả năng chống co thắt phế quản của một số thuốc chữa hen cổ truyền bằng phương pháp khí dung histamin của Armitage và thấy cà gai leo có tác dụng kéo dài thời gian chịu đựng của chuột được uống thuốc và đặt trong buồng khí dung, làm thời gian triệu chứng khó thở xuất hiện chậm hơn so với chuột đối chứng không uống cà gai leo.

Việc nghiên cứu thăm dò khả năng ngăn chặn tiến triển xơ của cà gai leo trên mô hình gây xơ gan thực nghiệm của Maros cho thấy sau 3 tháng gây xơ gan trên chuột cống trắng, xơ gan hình thành rõ rệt, thể hiện trên các chỉ tiêu hoá sinh và tổ chức học. Ở thời điểm 5 tuần, quá trình bệnh lý mới tiến triển tới giai đoạn thoái hoá mô gan, chưa có sự gia tăng rõ rệt của colagen. Nhưng khi xơ đã ở giai đoạn hoàn chỉnh, song song với các biến đổi về tổ chức học, hàm lượng colagen ở gan xơ cũng tăng cao gấp 2,5 lần so với bình thường. Cà gai leo với liều cho uống hàng ngày là 6g/kg thể trọng chuột, tuy không ngăn chặn được hoàn toàn quá trình xơ hoá, nhưng có tác dụng làm chậm sự tiến triển của xơ. Hàm lượng colagen trong gan ở lô chuột dùng cà gai leo chỉ bằng 71% so với lô chuột chứng gây xơ không dùng thuốc. Về mặt tổ chức học, thí nghiệm cho thấy toàn bộ chuột ở lô chứng gây xơ đều bị xơ nặng hoặc vừa, con ở lô dùng cà gai leo hầu hết chỉ xơ nhẹ hoặc không xơ.

Tính vị, công năng:

Cà gai leo có vị hơi the, đắng, tính ấm, hơi có độc với tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, trừ ho, giảm đau, cầm máu.

Công dụng:

Cà gai leo được dùng trị rắn cắn, phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, ho, ho gà, dị ứng. Ngày dùng 16 - 20g dạng thuốc sắc uống.

  1. Chữa rắn cắn:

Theo kinh nghiệm dân gian Lào, khi bị rắn cắn mà vết thương sưng tấy, nhức nhối, để cấp cúu kịp thời, có thể lấy 30 - 50g rễ cà gai leo tươi, rửa sạch, giã nhỏ, hoà với khoảng 200ml nước đun sôi để nguội, chắt nước cho người bị nạn uống tức thì. Ngày uống 2 lần. Người bị nạn sẽ cảm thấy dễ chịu ngay, bớt đau nhức, ngủ được. Sang ngày sau, tiếp tục cho uống nước sắc rễ cà gai leo phơi khô (10 - 30g, rễ khô, chặt nhỏ, sao vàng, nấu với 600ml nước còn 200ml). Mỗi ngày uống 2 lần, dùng 3 - 5 ngày là khỏi hẳn.

Với bài thuốc trên, bệnh viện Hưng Nguyên ở Nghệ An đã chữa khỏi hoàn toàn cho 14 trường hợp bị rắn cắn, trong đó có vài trường hợp bị nặng.

  1. Chữa tê thấp:

Rễ cà gai leo, rễ thổ phục linh, rễ xích đồng nam, dây chiều, dây gắm, dây mặt quỷ, dây tơ xanh, vỏ thân ngũ gia bì (mỗi thứ 1kg), dây đau xương, cành hoặc lá vông nem (mỗi thứ 1/2kg). Tất cả chặt nhỏ, nấu với nước nhiều lần để được 1 lít cao. Thêm 500g đường cô còn 700ml. Để nguội, đổ rượu 30° vào cao cho đủ thành 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml.

  1. Chữa ho, ho gà:

Rễ cà gai leo 10g, lá chanh 30g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày.

Ngoài công dụng trên, cà gai leo còn được nhân dân ở một số nơi dùng chữa say rượu. Người ta cho rằng trong khi uống rượu, thỉnh thoảng xát răng bằng rễ cà gai leo thì tránh được say. Nễu đã bị say, uốn nước sắc của rễ.

Bài thuốc có cà gai leo:

  1. Chữa phong thấp:
  • Cà gai leo, rễ xấu hổ, thổ phục linh, rễ cỏ xước, kê huyết đằng, rễ cỏ tranh, mỗi vị 16g. Sắc uống.

Rễ cà gai leo, vỏ chân chim, rễ cỏ xước, dây đau xương, kê huyết đằng, rễ tầm xuân, mỗi vị 20g. Sắc uống.

  1. Chữa tê thấp, bàn chân tê buốt, sợ nước, sợ lạnh, khớp xương đau buốt:

Rễ cà gai leo, rễ lá lốt, quýt rừng, rễ gấc, rễ xuyên tiêu, cốt khí củ, mỗi vị 20 - 30g. Sắc uống.

  1. Chữa sưng mộng răng:

Hạt cà gai leo 4g tán nhỏ, cho vào nồi đồng với một ít sáp ong, đốt lấy khói xông vào chân răng (Bách gia trân tàng)

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post