Hẹ (Allium tuberosum Rottl. ex Spreng.)

Tên khác: Cửu thái, phjăc kẹp (Tày), phiéc cát ngàn (Thái), kìu sỏi (Dao).
Tên đồng nghĩa: A. uliginosum G. Don
Tên nước ngoài: Sweet leek, fragrant - flowered garlic, Chinese chives (Anh)
Họ: Hành (Alliaceae).

Mô tả:

Cây thảo, cao 20 - 50cm. Thân hành nhỏ, gầy, thường họp thành túm, hình nón - trụ. Lá dày, hẹp và dẹt, mọc ốp vào nhau thành hai dãy, đầu lá tù, dài 10 - 20cm, rộng 2 - 7mm; bẹ lá dài và mỏng.

Cụm hoa là tán giả, mọc trên một cán dài hơn lá, hình trụ hoặc hơi 3 cạnh, có vạch dọc; hoa nhiều có cuống dài; bao hoa màu trắng gồm 6 phiến thuôn - mũi mác, xếp thành hai vòng, nhị có gốc đính vào các mảnh của bao hoa.

Quả nang. hình trái xoan ngược hoặc hình cầu hơi dẹt, chia ra 3 mảnh; hạt nhỏ, màu đen.

Toàn cây có mùi hăng đặc biệt.

Mùa hoa: tháng 9; mùa quả: tháng 11.

Bộ phận dùng:

Toàn cây gồm là và rễ là cửu thái, thu hái quanh năm, dùng tươi.

Hạt hẹ là cửu tử.

Thành phần hoá học:

Theo Trung dược chí, 1993, thân hành hẹ chứa aliin, methylaliin; lá chứa hợp chất sulfid, linalol

Trong 100g phần ăn được của hẹ, có nước 93g protein 2,1g, chất béo 0,1g, carbohydrat 2,8g, chất xơ 0,9g, tro 1g, caroten 4mg và vitamin C 25mg. Tác dụng chống u có thể do hàm lượng caroten và vitamin C cao (Prosea 8, 1994).

Hẹ có 4 đường là fructose, glucose, galactose vi sucrose. Lá chứa 4 - 5% tính theo dược liệu khô. (Chung Hee - Don và cs; CA. 125,1996,326887x).

Phân đoạn bay hơi có 36 chất, trong đó có 20 hạp chất sulfid (Meng Zhengmu và cs, 1996). Hẹ còn chứa N - p. coumaroyl tyramin, bis (p. hydroxy phenyl) ether (Choi Jac Sue và cs, 1996; CA 124.226635b) và odorin.

Tác dụng dược lý:

Phòng Đông y thực nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã xác định nước ép lá hẹ tươi và thành phần bay hơi của cây đều có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn như Streptococcus hemolyticus, Salmonella tryphi, Shigella flexneri, Shigella shiga, Coli bethesda, Bacillus subtilis. Pételot cho biết hoạt chất odorin do Chi I Shen phát hiện trong hẹ có tác dụng ức chế mạnh Staphylococcus I aureus. Khác với tỏi, tính chất kháng khuẩn của hẹ khá bền vững, nhưng sẽ mất tác dụng khi đun sôi. Mặt khác, nước hẹ lại không có vị nóng, cay như nước tỏi nên sử dụng trên lâm sàng thuận tiện, trẻ em dễ uống. Lá hẹ tươi nghiền nhỏ, lọc lấy nước (1:4) thí nghiệm trên ống kính, có tác dụng diệt roi trùng âm đạo sau 30 phút tiếp xúc. Nước ép lá hẹ, lọc bỏ cặn, tiêm tĩnh mạch cho chuột nhắt trắng với liều 0,1 - 0,5ml/10g thân trọng xuất hiện triệu chứng choáng, vật vã, co giật và chuột chết sau nửa giờ. Đem dịch trên tiêm tĩnh mạch cho thỏ có hiện tượng hạ áp nhẹ; đối với tim ếch cô lập, lúc đầu ức chế sau đó lại có tác dụng kích thích, dùng với liều lớn làm tim ngàng đập ở thời kỳ tâm trương Trên tiêu bản mạch máu chi sau của ếch và tai thỏ cô lập, dịch ép lá hẹ có tác dụng làm giãn huyết quản với mức độ nhẹ. Trên tử cung cô lập thỏ, dịch pha loãng

1% có tác dụng kích thích tử cung co bóp. Nếu đem dịch ép xử lý bằng nhiệt 100oc trong vòng 60 phút thì hiệu lực giảm một nửa. Dịch cất kéo bằng hơi nước từ lá hẹ tiêm dưới da cho chuột nhắt trắng, cũng gây nên hiện tượng choáng, vật vã và sau cùng chết do ngừng hô hấp. Trên thỏ, dùng với liều thấp gây giảm hồng cầu và huyết sắc tố máu ngoại vi.

Tính vị, công năng:

Toàn cây hẹ có vị cay, tính ôn, có tác dụng ôn trung, kiện vị, hành khí, tán ứ, chỉ hãn. Hạt hẹ có vị cay, tính ôn, có tác dụng bổ gan thận, tráng dương, cố tinh.

Cây hẹ được dùng làm gia vị và làm thuốc. Theo kinh nghiệm nhân dân, lá và thân hành hẹ chữa ho trẻ em, hen suyễn, tiêu hoá kém, giun kim, lỵ amíp, mồ hôi trộm. Liều dùng hàng ngày: 20 - 30g. Đã dùng nước ép từ lá hẹ điều trị cho 40 bệnh nhân lỵ amíp, đạt kết quả tốt trên 38 trường hợp. Hạt hẹ chữa bệnh dương uỷ, di mộng tinh, đái són, đái dầm, đau lưng, mỏi gối, khí hư với liều 4 - 12g mỗi ngày. Người âm hư hoả vượng không nên dùng hẹ.

Bài thuốc có hẹ:

  1. Chữa ho trẻ em:

Lá hẹ 15g, hoa đu đủ đực 15g, hạt chanh 20 hạt. Tất cả dùng tươi, cho vào bát sạch, giã nát, thêm đường và 10ml nước. Đem hấp chín để nguội, cho trẻ em uống làm 3 lần trong ngày. Dùng 3-4 ngày liên tục. Hoặc lấy lá hẹ 15g phối hợp với lá dâu non 10g, cách làm và dùng như trên.

  1. Chữa hen suyễn nguy cấp:

Lá hẹ 50g, sắc vói 200ml nước còn 50ml. Uống trong ngày (Nam dược thần hiệu).

  1. Chữa chứng ợ chua:

Nước ép lá hẹ 60ml, sữa bò 250ml, uống nóng với 15ml nước gừng tươi.

  1. Chữa giun kim ở trẻ em, ra mồ hôi trộm:

Lá hẹ 30g, ép lấy nước uống hoặc làm rau ăn trong ngày.

  1. Chữa nam giới thận hư, di mộng tinh, phụ nữ bạch đới:

Hạt hẹ đem ngâm giấm, rang khô, tán bột, trộn với mật làm thành viên bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 3,5g - 5g vào lúc đói với rượu nóng.

  1. Rượu bổ thận tăng cường khả năng hoạt động sinh dục của nam giới:

Lá hẹ 200g, con ngài tằm đực khô 1000g, dâm dương hoắc 600g, khởi tử 200g, kim anh 500g, ngưu tất 300g, ba kích 500g, thục địa 400g, sơn thù 300g, đường kính 4kg. Tất cả ngâm trong rượu 40° (20 lít). Uống mỗi lần 10 - 15ml, ngày 2 lần.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post