Mãnh Cộng Clinacanthus nutans (Burm.f.) Lindau

Tên đồng nghĩa: Justitia nutans Burm.f. Clinacanthus burmanni Nees
Tên khác: Lá cẩm, bìm bịp, cây xương khỉ.
Họ: Ô rô (Acanthceae).

Mô tả:

Cây nhỡ, hơi mọc trườn. Lá mọc đối, có cuống ngắn, hình mác thuôn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên màu sẫm bóng, mặt dưới nhạt.

Cụm hoa mọc ở ngọn thành bông rủ xuống; lá bắc hình chỉ, có lông; hoa màu đỏ hay hồng; đài có ba răng nhỏ hình chỉ, có lông tuyến; tràng có ống dài chia 2 môi; nhị 2, bao phấn tù có một ô; bầu 2 ô, mỗi ô chứa hai noãn.

Quả nang dài, có cuống ngắn; hạt 4.

Mùa hoa: tháng 2-3.

Bộ phận dùng

Toàn bộ phần trên mặt đất.

Thành phần hoá học

Cành, rễ chứa β - sitosterol, lupeol.

Tác dụng dược lý

Cao chiết mãnh cộng có nồng độ tối thiểu ức chế (MIC) đối với vi khuẩn gây bệnh trứng cá Propionibacterium acnes là > 5 mg/ml và nồng độ thấp nhất diệt vi khuẩn (MBC) đối với Propionibacterium acnes là > 5 mg/mi. Nồng độ MIC và nồng độ MBC đối với Staphylococcus epidermidis cũng là > 5 mg/ml. Hai loài vi khuẩn này là những vi khuẩn tạo mủ gây viêm và phát triển trứng cá. Như vậy, hoạt tính của mảnh cộng đối với hai loài vi khuẩn này là rất yếu (Chomnawang M.T et al., 2005).

Cao nước mãnh cộng được liệt kê là một thuốc giải độc trong bài thuốc cổ truyền ở Thái Lan trị nọc độc ở vết cắn của động vật hoặc côn trùng, đã được sàng lọc về hoạt tính chống sự tiêu nguyên bào sợi sau khi xử lí nọc độc của bọ cạp Heterometrus laoticus. Nọc độc được ủ trước với cao chiết mảnh cộng trong 30 phút và sau đó đem xử lí các nguyên bào sợi hợp lại trong 30 phút. Đã đạt được hiệu quả trên 40% (mẫu thử so với mẫu đối chứng), do việc xử lí tế bào với nọc độc được ủ trước với cao chiết mảnh cộng, cho thấy mảnh cộng có thể là thuốc giải độc đối với nọc độc của bọ cạp (Uawonggul et al., 2006).

Tính vị, công năng

Lá khô mảnh cộng có mùi thơm. Cây có tác dụng điều kinh, tiêu thũng, khử ứ, giảm đau và làm liền xương [Võ Văn Chi, 1997: 717]

Công dụng

Cây mãnh cộng được Lãn Ông dùng chữa vết thương do trâu bò húc. Ở một số địa phương, nhân dân dùng chữa dị ứng (mày đay), uống trong và bôi ngoài [Lê Trần Đức, 1997: 1038]. Lá non có thể dùng nấu canh ăn. Lá khô thường dùng để. ướp bánh (bánh mảnh cộng). Lá tươi giã đắp chữa đau sưng mắt và đem xào nóng dùng bó trị bong gân, sưng khớp, gẫy xương. Thường dùng phối hợp với mò hoa trắng giã và lọc lấy nước uống để chữa bệnh lưỡi tưa trắng của trẻ em. Cành lá đắp chữa vết thương trâu bò húc.

Nhân dân ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) dũng cây mảnh cộng làm thuốc chữa vết thương do dao chém và chữa thiếu máu, vàng da, phong thấp. Thường dùng cành lá khô sắc uống. Dùng ngoài, lấy lá tươi giã đắp. Ở Thái Lan, lá tươi được dùng trị bỏng, sâu bọ đốt, eczema và mụn rộp [Võ Văn Chi 1997: 717], Ở Lào và Campuchia, lá mãnh cộng được dùng đắp vào mí mắt để chữa viêm mắt. Ở Indonesia, lá được dùng trị lỵ [Perry L.M et al., 1980: 6].

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Previous Post