Rau Muống (Ipomcea reptans (L.) Poir.)
Tên khác: Phjăc boong (Tày).
Tên đồng nghĩa: Ipomoea aquatica Forsk.
Tên nước ngoài: Water cress, water morning glory, swamp cabbage (Anh); liseron d'eau, ipomée aquatique (Pháp).
Họ: Bìm bìm (Convolvulaceae).
Mô tả:
Cây thảo, sống ở nước, mọc bò, bén rễ ở những mấu. Thân hình trụ, rỗng giữa, nhẵn, có nhiều đốt, đôi khi hình chữ chi. Lá mọc so le, hình mũi tên, dài 7 - 9cm, rộng 3,5 - 7cm, hai tai nhỏ ở gốc choãi ra, đầu thuôn nhọn, hai mặt nhẵn gần như cùng màu, gân gốc 5 - 7; cuống lá dài 3 - 6cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm 1-2 hoa màu hồng; lá bắc 2; đài hình chén, 5 răng nhọn không đều; tràng hợp hình phễu, 5 cánh hoa hàn liền; nhị không bằng nhau dính ở gốc tràng; bầu nhẵn.
Quả nang, hình cầu; hạt có lông màu hung
Mùa hoa quả: tháng 9 -11.
Bộ phận dùng:
Toàn cây
Thành phần hoá học:
100g phần ăn được của rau muống chứa nước 90,2g, protein 3,0g, chất béo 0,3g. Carbonhydrat 5,0g, chất xơ 1,0g, tro 1,6g, Ca 81mg, Mg 52mg, Fe 3,3mg, provitamin A 4000 -10000 đơn vị quốc tế, vitamin C 30- 130mg.
Rau muống còn chứa lipid 11,4% tính theo trọng lượng khô kiệt. Hàm lượng này rất cao so với nhiều rau ăn khác. Phân đoạn phân cực so với tổng lipid chứa monogalactosyldiglycerid và digalactosyldiglycerid. Phân đoạn trung tính chứa sterol (CA 112:6.386 h). Ngoài ra, còn có các chất N- trans và N - cis feruloyltyramin.
Tác dụng dược lý
Cao rau muống ức chế sinh tổng hợp leucotrien và prostaglandin in vitro, do tác dụng của các hoạt chất N - trans và N — cis feruloyltyramin. Ngoài ra, cao phần trên không còn tươi, cho vào dạ dày chuột cống trắng với liều 3,4 g/kg thể trọng, có tác dụng chống tăng đường máu.
Tính vị, công năng:
Rau muống có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng giải độc, sinh da thịt, nhuận tràng, lợi tiểu.
Công dụng:
Rau muống được dùng trị táo bón, đái rắt, làm cho mụn nhọt chóng sinh da thịt liền miệng. Khi bị ngộ độc hoặc say nắng, giã rau muống vắt lấy nước cốt uống thật nhiều để giải độc, khỏi say.
Ở các nước Đông Nam Á, rễ rau muống được dùng dễ nhuận tràng. Lá rau muống vò nát đắp trị mụn lở, nhọt, loét, trĩ, bệnh áp tơ, sưng tấy và vết thương. Ở Indonesia, nước sắc rễ dùng làm thuốc nhuận tràng, để giải độc trong trường hợp ngộ độc thuốc phiện hoặc thạch tín, hoặc uống nước ô nhiễm và cũng dùng làm nước rửa trị trĩ. Ăn nhiều rau muống hoặc uống nước sắc toàn cây có tác dụng an thần trong các trường hợp mất ngủ, stress, nhức đầu, suy nhược cơ thể và chảy máu nhiều. Nước sắc lá dùng trị ho. Lá rau muống non cùng với ngọn non vòi voi giã nát đắp trị bệnh nấm da. Thân rau muống giã nát cùng với ít vôi bột, lá khoai lang và dền gai đắp trị nhọt. Ở Campuchia, cây được giã đắp trị sốt mê sảng, lá non trị nấm da. Ở Brunei, lá rau muống sao uống để hạ sốt.
Ở Ấn Độ, dịch ép rau muống cũng là thuốc giải độc thuốc phiện và thạch tín. Dịch ép khô để tẩy. Lá và thân có tác dụng làm mát. Rau muống cũng được dùng trị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể và trĩ. Uống dịch ép rau muống tươi mỗi lần 2- 5ml, ngày 4 lần, để trị bệnh gan.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam