
Chè Vằng - Jasminum subtriplinerve Blume
Tên khoa học: Jasminum subtriplinerve Blume
Tên khác: Vằng, vằng sẻ, vằng lá nhỏ, râm ri, râm leo, râm trắng, lài 3 gân.
Họ: Nhài (Oleaceae)
Mô tả
Cây nhỏ, mọc thành bụi. Cành nhỏ, vươn dài. Lá mọc đối, hình bầu dục - mũi mác, gốc tròn, đầu thuôn thành mũi nhọn, hai mặt nhẵn gần như cùng màu, mặt trên bóng, 3 gân toả ở gốc, những lá gần cụm hoa nhỏ dần trông như những lá bắc; cuống ngắn.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chuỳ, gồm 7 - 9 hoa màu trắng; lá bắc hình dùi; đài hoa có ống ngắn, 8 - 10 thuỳ rất hẹp và nhọn; tràng có ống dài phình lên ở đầu, 8 - 10 cánh hoa hẹp; nhị đính ở họng tràng, bầu tù.
Quả mọng, khi chín màu đen.
Mùa hoa: tháng 3 - 4, mùa quả: tháng 5 - 6.
Loài Jasminum anastomosans Wall, cụm hoa chỉ có 2 - 3 hoa cũng được dùng với công dụng tương tự.
Chú ý: Tránh dùng chè vằng với lá ngón vì chúng rất giống nhau ở dáng cây. Đã có trường hợp hái nhầm và dùng bị ngộ độc chết người.
Bộ phận dùng
Cành lá, thu hái quanh năm, phơi khô.
Dược lý
Chè vằng ức chế khá mạnh in vitro sự phát triển của các chủng vi khuẩn: tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan máu, Shigella dysenteriae, S.shigae, trực khuẩn thương hàn, Achromobacter và ức chế yếu hơn đối với trực khuẩn mủ xanh.
Chè vằng có tác dụng bảo vệ chuột nhắt trắng chống lại nhiễm khuẩn máu gây bởi trực khuẩn thương hàn, làm tăng có ý nghĩa tỷ lệ chuột sống sót. Trong nghiên cứu lâm sàng, chè vằng có tác dụng dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn sau khi đẻ và áp xe vú do tắc tia sữa.
Chè vằng cũng có tác dụng ức chế in vitro đối với sự phát triển của nhiều chủng vi khuẩn phân lập từ bệnh phẩm kháng với những thuốc kháng sinh thông dụng như: tụ cầu vàng, liên cầu tan máu, Staphylococcus albus, S.epidermidis.
Chè vằng có tác dụng chống viêm trên những mô hình gây phù cấp tính bàn chân với kaolin và gây u hạt mạn tính với amian ở chuột cống trắng. Dược liệu cũng làm giảm sốt gây bởi natri nucleinat ở thỏ, thúc đẩy nhanh quá trình lành của vết thương gây thực nghiệm ở chuột cống trắng, và dự phòng loét dạ dày trên mô hình thắt môn vị ở chuột cống trắng.
Chè vằng gây tác dụng lợi mật trên chuột lang, làm giảm co bóp tự nhiên của tử cung và giảm co thắt ruột gây bởi acetylcholin và bari clorid trên chuột cô lập. Dược liệu biểu hiện rất ít độc trong những thử nghiệm về độc tính, cấp tính và mạn tính.
Công dụng
Chè vằng có vị hơi đắng, chát, tính ấm, vào hai kinh: tâm, tỵ, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, khu phong, hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, trừ mủ.
Chè vằng được dùng trị kinh nguyệt không đều, bế kinh hoặc khi thấy kinh đau bụng, sau khi đẻ bị nhiễm khuẩn sốt cao, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung và tuyến vú, áp xe vú, khí hư bạch đới. Còn dùng trị phong thấp do huyết kém, đau nhức khớp xương, vàng da, ghẻ lở, chốc đầu, các bệnh ngứa ngoài da, rắn cắn.
Ngày dùng 40 - 100g cây tươi hoặc 20 - 30g dược liệu khô dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu nước tắm, liều lượng không giới hạn.