
Đinh Lăng - Tieghemopanax fruticosus Vig.
Tên khoa học: Tieghemopanax fruticosus Vig.
Tên khác: Đinh lăng lá nhỏ, cây gỏi cá, nam dương lâm.
Tên nước ngoài: Ginseng trê (Anh), polyscias (Pháp).
Họ: Nhân sâm (Araliaceae)
Mô tả
Cây nhỏ, xanh tốt quanh năm, có thể cao đến 2m. Thân nhẵn không gai, ít phân nhánh, mang nhiều vết sẹo to, màu xám. Lá to, mọc so le, kép lông chim 2 - 3 lần, dài 20 - 40 cm; lá chét có răng cưa nhọn, đôi khi chia thuỳ, gốc và đầu thuôn nhọn, có mùi thơm khi vò nát; cuống lá dài, phát triển thành bẹ to ở phần cuối.
Cụm hoa mọc ở ngọn thành hình chuỳ ngắn mang nhiều tán; lá bắc rộng, sớm rụng; hoa nhỏ, màu lục nhạt hoặc màu trắng xám; đài 5 răng hàn liền, mép uốn lượn; tràng 5 cánh hình trái xoan; nhị 5, chỉ nhị ngăns; bầu hạ, 2 ô.
Quả dẹt, hình trứng rộng, màu trắng bạc.
Mùa hoa quả: tháng 4 - 7
Cây dễ nhầm lẫn:
Nhiều loài khác cũng mang tên đinh lăng, nhưng không được dùng làm thuốc:
-
Đinh lăng lá tròn (Polyscias balfouriana Baill.). Lá kép, thường chỉ có 3 lá chét trên một cuống dài, lá chét hình tròn, đầu tù.
-
Đinh lăng lá to hay đinh lăng lá ráng (Polyscias ilicifolia (Merr.) Baill.). Lá kép có 11 - 13 lá chét; lá chét hình mác có răng cưa to và sâu.
-
Đinh lăng trổ hoặc đinh lăng viền bạc (Polyscias guilfoylei Baill.). Lá kép có 7 lá chét thường có viền trắng. Loài này lại có 2 thứ là: Polyscias guilfoylei Baill. var. laciniata Baill.; Polyscias guilfoylei Bail. var victoriae Baill.
Bộ phận dùng
Rễ thu hái vào mùa thu, lúc này rễ mềm, nhiều hoạt chất, rửa sạch. Rễ nhỏ để nguyên, rễ to chỉ dùng vỏ rễ. Thái rẽ mòng, phơi khô ở chỗ mát, thoáng gió để đảm bảo mùi thơm và phẩm chất. Khi dùng, đẻ nguyên hoặc tẩm rượu gừng 5%. Sao qua, rồi tẩm 5%mật ong, sao thơm.
Dược lý
Đinh lăng có các tác dụng:
Tăng lực trên động vật thí nghiệm và trên người. Thân và lá cũng có tác dụng tăng lực nhưng yếu hơn so với rễ.
Bổ, làm tăng cân đối với động vật và người. Thân và lá cũng có tác dụng này, nhưng yếu hơn.
Làm tăng hiệu lực điều trị của cloroquin trong bệnh sốt rét thực nghiệm trên động vật.
Tăng co bóp tử cung và tăng tiết niệu.
Tác dụng an thần và ít độc
Đinh lăng đã được nghiên cứu và chứng minh có tác dụng nội tiết kiểu oestrogen.
Nước sắc đinh lăng có tác dụng kháng với trùng roi Euglena viridis, trùng tiêm mao Paramoecium caudatum và một số động vật nguyên sinh khác trong nước ngâm rơm và nước ao. Nước sắc đinh lăng còn có tác dụng chống choáng phản vệ ở mức độ vừa, bảo vệ được 60% chuột lang qua cơn choáng.
Dựa theo kinh nghiệm dân gian, đinh được áp dụng điều trị bệnh nhân lỵ amip cấp. Sau 10 ngày hết triệu chứng lâm sàng, và sau 16 ngày xét nghiệm lại, trong phân hết thể amip thực huyết, hết kén.
Đinh lăng có tác dụng kháng Entamoeba histolytica, làm đơn bào co thành kén và có tác dụng kích thích miễn dịch gây chuyển dạng lympho bào trong thí nghiệm nuôi cấy in vitro.
Đinh lăng đã được nghiên cưới tác dụng kích thích miễn dịch không đặc hiệu trong thí nghiệm gây mẫn cảm chuột nhắt bằng hồng cầu cừu. Sau đó 4 ngày, mổ tách tế bào lách và ủ với kháng nguyên trong môi trường. Đếm số tế bào tạo mảng dung huyết và thấy đinh lăng thể hiện tác dụng kích thích miễn dịch mạnh. Đã thử tác dụng chống trầm uất theo nghiệm pháp "trạng thái thất vọng" và thấy đinh lăng có tác dụng giảm "trạng thái thất vọng", chống trầm uất. Trong thí nghiệm trên động vật được uống đinh lăng cũng như trong thí nghiệm in vitro, ủ tổ chức não hoặc gan với dịch chiết đinh lăng và sau đó định lượng hoạt độ men MAO, thấy đinh lăng có tác dụng ức chết mạnh hoạt độ men MAO ở não và gan. Đinh lăng còn có tác dụng giảm chứng tăng cholesterol trong máu gây theo cơ chế nội sinh bằng Tween 80.
Dịch chiết đinh lăng còn được thử tác dụng đối với ATPase màng tế bào, và thấy K+ Na+ ATPase đều được kích thích bởi dịch chiết thân, rễ và lá của cây. Đối với ATPase dạng hoà tan, kết quả tương tự như ATPase của màng tế bào. Sự kích thích hoạt tính men của dịch chiết đinh lăng có khả năng đối kháng sự kìm hãm K+ Na+ ATPase của aminazin. Đinh lăng còn có tác dụng kích thích sinh dục ở động vật già và kích thích tăng sinh lực ở động vật gây mệt mỏi, tác dụng kéo dài và bền vững.
Công dụng
Rễ đinh lăng có vị ngọt, tính bình. Lá nhạt, hơi đắng, tính bình. Dược liệu có tác dụng bổ 5 tạng, tiêu thực, tiêu sưng viêm, giải độc, bổ huyết, tăng sữa.
Rễ đinh lăng được dùng làm thuốc bộ tăng lực, chữa cơ thể suy nhược, gầy yếu, mệt mỏi, tiêu hoá kém, phụ nữa sau sinh ít sữa. Có nơi còn dùng chữa ho, ho ra máu, đau tử cung, kiết lỵ và làm thuốc lợi tiểu, chống độc.
Lá chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú, dị ứng mẩn ngứa, vết thương (giã đắp). Thân và cành chữa thấp khớp, đau lưng. Ngày dùng 1- 6 g rễ hoặc 30 - 50 g thân cành dạng thuốc sắc. Có thể dùng rễ khô tán bột hoặc rẽ tươi ngâm rượu uống.
Ở Ấn Độ, đinh lăng được dùng làm thuốc làm săn và trị sốt. Rễ và lá sắc uống có tác dụng lợi tiêu chữa sỏi thận, sỏi bàng quang, chứng khó tiểu tiện. Bột lá được giã với muối và đắp vết thương.