Bình Vôi (Stephania sinica Diels)

Tên khác: Củ một, dây mối trơn, củ bồng bềnh, cà tòm, cáy pầm (Tày), co cáy khẩu (Thái), tở lùng dòi (Dao), p' lồi (K' ho).
Tên nước ngoài: Moon - seed (Anh).
Họ: Tiết dê (Menispermaceae).

Mô tả:

Dây leo, thường xanh, sống lâu năm, dài 2 - 6 m. Thân nhẵn, hơi xoắn vặn. Rễ củ to, có thể nặng đến 50 kg, vỏ ngoài xù xì, màu nâu đen. Lá mọc so le, có cuống dài dính vào trong phiến khoảng 1/3, phiến lá mỏng, gần hình tròn có cạnh hoặc tam giác tròn, gân lá xuất phát từ chỗ dính của cuống lá, hình chân vịt, nổi rõ ở mặt dưới lá, hai mặt nhẵn, mép hơi lượn sóng.

Cụm hoa mọc thành xim tán ở kẽ lá hoặc những cành già đã rụng lá; hoa đực và hoa cái khác gốc; hoa đực có 5 - 6 lá đài; 3 - 4 cánh hoa màu vàng cam, nhị 3 - 6, thường là 4; hoa cái có 1 lá đài, 2 cánh hoa, bầu hình trứng

Quả hạch, hình cầu, hơi dẹt màu đỏ khi chín; hạt cứng, hình móng ngựa có những hàng vân ngang dạng gai, hai mặt bên lõm, ở giữa không có lổ thủng.

Mùa hoa; tháng 4 - 6; mùa quả: tháng 8-10.

Những loài khác cũng mang tên bình vôi và được dùng với công dụng tương tự là Stephania brachyandra Diels, s. cambodica Gagnep, s. cepharantha Hay, s. dielsiana Y. C. Wu, S. excentrica H S Lo, S. hainanensis H. S Lo et Y. Tsoong, S. kwangsiensis H. S. Lo, S. pierrei Diels

Bộ phận dùng:

Rễ cũ đã phơi hay sấy khô, mặt ngoài màu đen, hình dạng không nhất định.

Để đảm bảo chất lượng dược liệu và bảo vệ tái sinh cho cây, chỉ thu hoạch những củ có trọng lượng từ 800 đến 1000 g trở lên (Bùi thị Bằng và cs 1986).

Để củ có hàm lượng hoạt chất cao nhất, nên thu hoạch vào mùa thu - đông (Đổ Viết Trang và cs 1986).

Thành phần hóa học:

L. tetrahydropalmatin:

Năm 1941, ở Việt Nam, Bonnet và Bùi Đình Sang đã chiết xuất từ củ bình vôi Stephania. rotunda một alcaloid, đặt tên là rotundin. Năm 1965, chất này được xác định là L. tetrahydropalmatin.

Cuốn Trung thảo dược học tập II (1976) có nói đến S. rotunda chứa L. tetrahydropalmatin, stepharin, stepharotin, kuduranin.

Năm 1986, Bùi thị Bằng và cs xác định hàm lượng L. tetrahydropalmatin trong củ bình vôi (S. sinica) mọc ở Hà Nam Ninh là 1,31%.

Chú thích:

  1. Nguyễn Tiến Vững (1999) đã tổng kết các loài trong chi Stephania trên thế giới gồm 164 hợp chất thuộc 8 nhóm hóa học khác nhau (benzylisoquinolin, bis - benzylisoquinolin, protoberberin, aporphin, proaporphin, hasubanan, morphinan, dibenzazonin).

  2. Sau đây là một số loài thuộc chi Stephania ở Việt Nam.

S. kwangsiensis: chứa L. tetrahydropalmatin, palmatin, dihydropalmatin, stephanin.

Loài mọc ở Hà Sơn Bình cũ có hàm lượng L tetrahydropalmatin 1,30% (Bùi Thị Bằng và cs. 1986)

S brachyandra chứa L. tetrahydropalmatin, cepharantin, cycleanin, dehydrodicentrin, dicentrin, stephanin. sinoacutin

Loài mọc ở Hoàng Liên Sơn cũ có hàm lượng L tetrahydropalmatin 3,55% (Bùi Thị Bằng và cs, 1986). s hainanensis chứa L- tetrahydropalmatin, crebanin, oxocrebanin.

Loài mọc ở Thanh Hóa có hàm lượng L tetrahydropalmatin 0,72% (Bùi Thị Hằng và cs, 1986)

S. cambodica mọc ở lâm Đồng có hàm lượng L tetrahydropalmatin là 0,62 %.

  1. S. cepharantha chứa cepharantin, isotetrandrin, cycleanin, cepharanolin, berbamin, cepharamin, homoaromolin, L. tetrahydropalmatin, aknadinin, aknadicin, aknadilactam, cepharamin, cephatonin, cephakicin, cephamonin, cephamorphinamin, cephamonin, cephasamin, cephasugin, 14 episinomenin, sinoacutin, aromolin, palmatin, sepharadion β, dehydrocrebanin, dehydrostephanin, nor - nuciferin.

S. pierrei chứa anonain, assimilobin, assimilobin - 2 - 0 - β - D - glucosid, nor - dicentrin, phanostenin, xylopin, cepharantin, L. tetrahydropalmatin.

Từ loài mọc ở Nghĩa Bình, Ngô Thị Tâm (1992) đã chiết xuất được cepharamin với hiệu suất 0,60 -1,00 %.

S. glabra, chứa cycleanin, tuduranin, Stephana, palmatin. L. tetrahydropalmatin. D - tetrahydropalmatin. DL - tetra - hydropalmatin Stepharoun. sinacutin, hindaricin (Fadeeva, 1969).

Loài mọc ở Ninh Bình chứa alcalocid (thành phần chính), tinh bột, đường khử; Hàm lượng alcalocid toàn phần là 2,96% (tính theo dược liệu khô) trong đó có 0.59% L tetrahydropalmatin 3 alcaloid dược nhận dạng bằng điểm chảy, các phổ UV, IR, MS. cosy 1H - NMR, Dc - NMR là L. tetrahydropalmatin, roemerin. palamatin (Nguyễn Tiến Vững và cs 1998).

  1. Ngoài ra, từ một số loài Stephania chưa xác định được tên khoa học, Ngô Vân Thu (1964) đã chiết xuất được roemerin có tính chất gây tê và Nguyễn Thị Hoài Anh (1999) đã phân lập được 3 chất 9, 10 - dihydroxy - 2,3 - dimethoxytetrahydroprotoberberin; 2,10 - dihydroxy * 3, 9 - dimethoxytetrahydroprotoberberin, 2 hydroxy - 3, 9, 10 - trimethoxytetrahydroprotoberberin

Tác dụng dược lý:

Nhiều hoạt chất chiết từ các loài bình vôi đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu.

  • L tetrahydropalmatin (rotundin): Trên chuột cống trắng đã được chứng minh có tác dụng an thần, gây ngủ, với liều 25 - 50 mg/kg làm giảm hoạt động tự nhiên của chuột thí nghiệm. Dùng với liều cao xuất hiện loạn vận động và triệu chứng giữ nguyên thể (catalepsy). Với liều 2,5 mg/kg L - tetrahydropalmatin đối kháng với tác dụng kích thích làm tăng hoạt động của chuột do phenamin gây nên. Trên chuột nhắt trắng bằng đường uống với liều 30 mg/kg L - tetrahydropalmatin kéo dài thời gian gây ngủ của thiopentan gấp 1,5 lần. Đối với hoạt động của hệ thần kinh trung ương, quan sát trên điện não đồ của thỏ có cắm điện cực trường diễn ở các vùng cảm giác, vận động trước sau phải trái và vùng thị giác của 2 bán cầu não thấy rằng L. tetrahydropalmatin với liều 20 mg/kg làm xuất hiện các cụm sóng chậm có biên độ cao. Ngoài ra, thành phần các sóng chậm delta ở các vùng cảm giác vận động tăng và thành phần các sóng nhanh beta giảm.

  • Trên mô hình gây co giật bằng corazol hoặc bằng strychnin hoặc sốc điện L - tetrahydropalmatin với liều cao (>= 100 mg/kg) có tác dụng kháng co giật và bảo vệ được một phần súc vật thí nghiệm khỏi bị tử vong.

Trên mèo gây mê, L - tetrahydropalmatin bằng đường tiêm tĩnh mạch với liều 5 - 20 mg/kg có tác dụng làm hạ huyết áp.

Thí nghiệm trên ruột thỏ tại chỗ (in situ) với liều 0,5 - 1 mg/kg làm giảm trương lực cơ trơn ruột. Bằng đường uống trên thỏ thí nghiệm với liều 15 mg/kg L - tetrahydropalmatin có tác dụng giảm đau.

Trên chuột cống trắng bình thường và chuột bị cắt tuyến giáp trạng, L - tetrahydropalmatin đều có tác dụng hạ nhiệt và giảm chuyển hóa cơ bản. Tác dụng hạ nhiệt có thể là do ức chế trung khu điều nhiệt và làm giãn các mạch máu ngoại vi.

Hỗn hợp alcaloid toàn phần chiết từ một số loài bình vôi mọc ở Quảng Ninh và Nam Hà trên súc vật thí nghiệm đã được chứng minh là có tác dụng an thần, gây ngủ và chống co giật. Về độc tính cấp, trên chuột nhắt trắng bằng đường uống, L tetrahydropalmatin clorhydrat có LD50 = 1000 mg/kg. Trên thỏ tiêm tĩnh mạch với liều 30 mg/kg súc vật tỏ ra mệt mỏi trong 1 - 2 ngày sau đó hồi phục bình thường.

Về độc tính bán mãn, trên chuột cống trắng cho uống với liều 10-30 mg/kg trong 60 ngày liên tiếp không thấy xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc trên các lô thí nghiệm.

Thí nghiệm trên chuột cống trắng đực, dùng với liều 8 mg/mỗi chuột, không gây đột biến nhiễm sắc thể ở tế bào tuỷ xương và tế bào tinh hoàn.

  • Cepharanthin: được chiết tách từ S. cepharanthu và S. pierrei.

Trên súc vật bị chiếu xạ tia X, cepharanthin với liều 1 mg/kg làm giảm nhẹ hiện tượng giảm bạch cầu máu ngoại vi và rút ngắn thời gian hồi phục về mức bình thường số lượng bạch cầu sau khi bị giảm. Cepharanthin cũng được chứng minh có tác dụng giảm nhẹ hiện tượng giảm bạch cầu do sử dụng các thuốc chống ung thư gây nên, còn có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu máu do collagen gây nên và có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của bệnh bụi phổi thực nghiệm. Cepharanthin được coi là một chất có tác dụng kích thích miễn dịch và làm giảm nhẹ một cách hữu hiệu những tác dụng phụ của các thuốc chống ung thư. Cepharanthin ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao. Thí nghiệm trên ống kính (in vitro) cepharanthin ức chế sự tăng sinh của các tế bào ung thư Hela và Hela S3.

Cepharanthin đã được chứng minh có tác dụng ức chế mạnh quá trình sao chép (replication) của HIV-1.

  • Tetrandrin: s, s tetrandrin là thành phần chủ yếu có trong S. tetrandra và S. cepharantha. Tetrandrin gây hạ huyết áp, có tác dụng chẹn giòng calci. Còn có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch. Tetrandrin ức chế viruts Herpes simplex týp I, có tác dụng điều trị viêm kết mạc.

  • Isotetrandim: có tác dụng chống viêm thực nghiệm do carragenin gây nên, trên chuột cống có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, có thể đối kháng với tác dụng gây co bóp hồi trường của histamin và acetylcholin.

  • Roemenin: có tác dụng gây tê niêm mạc, dung dịch 0,5% có tác dụng gây tê tương đương với dung dịch 1,8% clorhydrat cocain. Đối với tim ếch cô lặp roemerin gây ức chế, giảm biên độ và tần số co bóp của tim, với liều cao tim ngừng đập ở thời kỳ tâm trương. Roemerin đối kháng với tác dụng tăng co bóp ruột của acetylcholin. Roemerin có tác dụng giãn mạch gây hạ huyết áp. Trên chuột nhắt trắng Roemerin có LD50 = 0,125 g/kg, tương đương với độ độc của clorhydrat cocain.

  • Cycleanin: có tác dụng chống viêm, còn được chứng minh là có tác dụng chống ký sinh trùng sốt rét một cách đặc hiệu. Có hoạt tính độc tế bào rất cao đối với tế bào ung thư Hela.

  • Chất assimilobin, một alcaloid có cấu trúc aporphine được chiết tách từ S. pierrei cũng được chứng minh là có tác dụng chống sốt rét đồng thời lại không có tác dụng độc tế bào.

  • Stepharin: có tác dụng ức chế men cholinesteraza, trên tiêu bản cơ ếch và ruột thỏ cô lập, sau khi dùng stepharin thì tác dụng của acetylicholin được tăng cường. Trên mèo thí nghiệm stepharin với các liều 5,10 và 20 mg/kg có tác dụng hạ huyết áp kéo dài.

Tính vị, công năng:

Bình vôi có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu ứ, chỉ thống, khu phong.

Công dụng:

Theo kinh nghiệm của nhân dân ta, bình vôi chữa mất ngủ, ho hen, kiết lỵ, sốt, đau bụng, được dùng dưới dạng củ thái nhỏ phơi khô sắc nước uống hoặc dạng bột, ngâm rượu hay chè thuốc.

Liều dùng : 3 - 6 g/ngày.

Thuốc ngâm rượu gồm bột bình vôi (1 phần) với rượu 40° (5 phần) ; mỗi ngày uống 5 - 15 ml, có thể thêm đường cho dễ uống.

Trong y học hiện đại, L - tetrahydropalmatin được dùng làm thuốc an thần, gây ngủ, giảm đau, điều trị một số trường hợp rối loạn tâm thần chức năng, trạng thái căng thẳng thần kinh, mất ngủ dai dẳng nguyên nhân tâm thần.

Liều dùng: 0,05 - 0,10g/ngày, dưới dạng viên L - tetrahydropalmatin clorhydrat, mỗi viên 0,05g.

Trung Quốc dùng dạng thuốc tiêm sulfat 3% mỗi ống 2ml để giảm đau, an thần, gây ngủ, điều trị loét dạ dày tá tràng, đau dây thần kinh, đau bụng khi có kinh, mất ngủ, căng thẳng thần kinh, hen co thắt khí phế quản.

Liều dùng: mỗi lần một ống 2 ml, tiêm bắp thịt ngày 1 - 2 lần;

Ngoài ra, củ bình vôi còn được dùng chữa đau dạ dày, đau răng, viêm ruột, viêm họng, mụn nhọt. Dùng ngoài, củ tươi giã nát đắp tại chỗ chữa vết thương

Củ Stephania cepharantha được dùng chữa phong thấp, đau lưng, phù thận, chảy máu dạ dày, cháy máu cam, ho, nôn ra máu, lỵ trực tràng. Đối với mụn nhọt sưng tấy rắn độc cắn dùng củ tươi giã nát đắp ngoài

Củ Stephania kwangsiensis chữa đau bụng, đầy hơi, đau dạ dày và sốt rét

Bài thuốc có bình vôi:

  1. Chữa phong thấp tê đau, phù thận, ho hoặc nôn ra máu:

Bình vôi (S. cepharantha) 6-9 g. Sắc nước uống

  1. Chữa đau bụng đầy hơi, sốt rét:

Bình vôi (S. kwangsiensis) 1,5 g. Sắc nước uống hoặc dạng bột

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post