Bụp Dấm (Hibiscus sabdariffa L.)

Tên khác: Cây giấm, đay Nhật.
Họ: Bông (Malvaceae)

Mô tả:

Cây bụi, cao 1 - 2 m. Thân màu lục hay đỏ tía, phân cành ở gốc. Cành nhẵn hoặc hơi có lông. Lá mọc so le, lá ở gốc nguyên, lá phía trên chia 3 - 5 thuỳ, hình chân vịt, mép có răng cưa.

Hoa to mọc riêng lẻ ở kẽ lá, màu vàng, ở giữa màu đỏ tím sẫm; đài phụ (tiểu đài) gồm 8 - 12 cánh hẹp, phần dưới dính liền, có lông nhỏ, nở xoè ra và gập xuống; đài chính to, các lá đài dày, nhọn đầu, mọng nước màu đỏ tía.

Quả nang, hình trứng, nhọn đầu, có lông mịn, mang đài tồn tại; hạt nhiều, màu đen.

Mùa hoa quả: tháng 7 - 10

Theo tài liệu nước ngoài, tuỳ theo mục đích sử dụng, người ta phân loại bụp giấm thành hai thứ: Hibiscus sabdariffa L. var. sabdariffa (trồng để lấy đài ăn và làm thuốc) và Hibiscus sabdariffa L. var. altissima (chủ yếu để lấy sợi bện thừng).

Bộ phận dùng:

Đài hoa bụp giấm đã phơi hoặc sấy khô.

Lá và quả đôi khi cũng được dùng.

Thành phần hoá học:

Bụp giấm chứa anthocyan 1,5%, acid hữu cơ, nhựa, đường, alcaloid và một số thành phần khác. Anthocyan bao gồm chủ yếu là delphinidin - 3 - sambubiosid (hibiscin hay daphniphylin) và cyanidin - 3 - sambubiosid. Ngoài ra, còn có cyanidin - 3 - glucosid, delphinidin - 3 - glucosid, delphinidin và một số ít sắc tố khác.

Acid hữu cơ bao gồm acid hibiscic 23%. Các acid từ quả chứ chủ yếu là acid citric 12 - 17%, acid malic, acid tartric.

Tác dụng dược lý:

Nước sắc, dịch chiết bằng cồn từ đài hoa bụp giấm, tiêm tĩnh mạch với liều 200mg/kg trên chó gây mê có tác dụng hạ huyết áp với mức hạ tối đa đạt khoảng 50%. Trên chó gây cao huyết áp thực nghiệm, nước sắc từ đài hoa cho uống qua dạ dày với liều 4g/kg dùng liên tục trong 10 ngày, huyết áp hạ rõ rệt.

Bụp giấm được xem như có độc đối với loài ốc là ký chủ của ký sinh trùng sán máng (schistosoma mansoni).

Nước hãm của đài hoa có tác dụng lợi mật, lợi tiểu, hạ huyết áp, nhuận tràng, kích thích nhu động ruột và sát trùng đường ruột.

Chất hibiscin có trong đài hoa được xác định có tác dụng kháng sinh. Lá có tác dụng lợi tiểu, an thần, làm mát dịu.

Tính vị, công năng:

Bụp giấm có vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, liễm phế, chỉ khái.

Công dụng:

Lá bụp giấm có vị chua, dùng làm rau ăn. Đài hoa cũng được dùng làm gia vị thay giấm, chế nước giả khát, mứt kẹo, siro hoặc đem phơi khô và nấu lấy nước uống. Nước hãm đài hoa uống giúp tiêu hoá, chữa các bệnh gan mật, cao huyết áp, thần kinh.

Lá, đài hoa và quả còn chữa bệnh scorbut. Ở một số nước như Mianma, Đài Loan, hạt bụp giấm được dùng làm thuốc bổ, nhuận tràng, lợi tiểu. Ở Philippin, rễ bụp giấm là thuốc bổ đắng và kích thích ăn uống, còn có hiệu quả đối với bệnh xơ cứng động mạch và các bệnh nhiễm trùng đường ruột.

Liều dùng: 9 - 12g đài hoa sắc hoặc hãm nước uống.

Bài thuốc có bụp giấm:

  1. Chữa cao huyết áp:

Cao chiết của đài hoa bụp giấm trộn với hydroxyd nhôm, bào chế thành viên, mỗi viên tương đương 0,64g dược liệu. Mỗi lần uống 3 - 5 viên. Ngày 2 - 3 lần.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post