Ca Cao (Theobroma cacao L.)
Tên khác: Cù lác.
Tên nước ngoài: Cacoyer (Pháp), cacao tree (Anh).
Họ: Trôm (Sterculiaceae).
Mô tả:
Cây nhỡ đến cây to, cao 8 - 10m (ở trạng thái tự nhiên) hoặc 5 - 6m (cây trồng). Lá mọc so le, hình bầu dục, dài 20 - 25 cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng.
Cụm hoa mọc ở thân cây hoặc cành to. chỗ lá đã rụng, thành tán giả; hoa nhiều màu trắng hoặc đỏ nhạt, 5 lá đài, 5 cánh hoa, 10 nhị gồm 5 bất thụ và 5 hữu thụ; bầu 5 ô.
Quả hình thoi, dài 15- 20 cm, rộng 10-12 cm, đáy tròn, đầu tù hơi nhọn, có những sống dọc rõ, khi chín màu vàng hay đỏ; hạt 20 - 40, hình trứng, bao bọc bởi lớp cơm màu trắng hay vàng nhạt.
Bộ phận dùng:
Hạt.
Thành phần hoá học:
Hạt chiếm 90% trọng lượng quả, chứa 5 - 8% nước. 50% lipid gọi là bơ ca cao, 5 - 10% hợp chất polyphenol gồm catechin, leucoanthocyan. anthocyan, 1 - 2% alcaloid có nhân purin, chủ yếu là theobromin và cafein với tỉ lệ thấp (0,05 - 0,3%).
Theobromin ca cao là vị thuốc có tác dụng tăng cường hoạt động tim, giãn tĩnh mạch tim. lợi tiểu.
Trong quá trình ủ hạt, có những biến đổi sinh hoá, các polyphenol bị oxy hoá và thủy phân, hạt giảm sự chát và có màu nâu đặc trưng, xuất hiện các chất có hương đặc biệt là hương sôcôla. Hạt càng ủ men tốt, hương sôcôla càng đậm. Chế phẩm sôcôla dùng trên thị trường gồm bơ ca cao là các glycerid của các acid Stearic 34%, palmitic 25%. oleic 43% với điểm chảy 31 - 35°c phù hợp vói yêu cầu làm thuốc đạn. Bơ ca cao còn có phospho và vitamin D [Từ điển Bách Khoa Dược, 1999].
Hạt chứa 3 procyanidin là epicatechin (2beta -> 5, 4beta -> 6) - epicatechin, 3- O - beta - D - galactosylentepicatechin (2alpha -> 7; 4alpha -> 8) - epicatechin và 3 - O - L - arabinosylentepicatechin (2alpha -> 7, 4alpha -> 8) - epicatechin (Phytochemistry 1991, 30, 1657) [Ram P.Rastogi et B.N.Mehrotra, Compendium of Indian Medicinal Plants, vol.5, 1998].
Có tài liệu nói đến sự có mặt của tyramin trong cây ca cao (Phytochemistry 1977, 16, 1602) [Ram P.Rastogi et B.N.Mehrotra, Compendium of Indian Medicinal Plants, vol 2, 1999].
Tác dụng dược lý:
- Tác dụng chống oxy hóa và chống gốc tự do của polyphenol chiết từ hạt ca cao
Các glycosid proanthocyanidin và các polyphenol phân lập được từ hạt ca cao có tác dụng ức chế sự peroxy hóa lipid phụ thuộc NADP (nicotinamid adenin dinucleotid phosphat trong tiểu thể (microsom) và sự tự oxy hoá acid linoleic. Các tác dụng này được cho là do hoạt tính dọn gốc tự do (radical - scavenging activity) dựa trên thực nghiệm là các polyphenol ca cao làm giảm gốc tự do 1. 1 - diphenyl - 2 - picrylhydrazyl [Hatano et al. 2002: 749].
- Tác dụng chống oxy hóa của cao polyphenol chiết từ lá ca cao
Cao polyphenol tổng số phân lập được từ chồi và lá non ca cao theo thứ tự là 19,0 và 28,4%, còn trong lá chè xanh là 17,3%. Đã nghiên cứu tác dụng chống oxy hoá của ba loại cao polyphenol! chiết được bằng cách khử sắt III clorid (FeCI3). có so sánh với một chất chống oxy hóa tổng hợp vẫn được dùng bảo quản thực phẩm là BHA. Kết quả cho thấy, các cao polyphenol có tác dụng chống oxy hoá tương tự nhau và cũng tương tự với BHA trong phạm vi nồng độ đã thí nghiệm từ 100 đến 2000 phần triệu (ppm). Trong môi trường dầu, ở nồng độ 200ppm, khả năng tác dụng chống oxy hoá của cả 3 cao polyphenol tương tự như BHA; nhưng ở nồng độ thấp hơn (50ppm) và cao hơn (400ppm), tác dụng chống oxy hoá lại mạnh hơn BHA. Như vậy cao polyphenol chiết từ lá non cây ca cao có thể được dùng để thay thế cho chất chống oxy hoá tổng hợp BHA để bảo quản thực phẩm trong môi trường nước cũng như môi trường dầu [Osman et al 2004: 41 - 46Ị.
- Tác dụng chống oxy hoá của phân đoạn hợp chất polyphenol chiết từ vỏ hạt ca cao
Vỏ hạt ca cao được dùng để chiết lấy phân đoạn phenolic dùng công nghệ CO2 siêu tới hạn (supercritical CO2 technology) ở 2 phân đoạn là áp suất 150bar, 50°c và 200bar, 50°c rồi hòa tan lại trong aceton. Các sắc tố phenolic của 2 phân đoạn đều có tác dụng chống oxy hoá và chống gốc tự do khi thử trên mô hình thực nghiệm in vitro [Arlorio et al. 2005: 1009].
- Tác dụng bảo vệ mạch, bảo vệ tim
Dùng hạt ca cao và sô cô la giàu fIavonoid bổ sung trong khẩu phần ăn có tác dụng bảo vệ mạch, bảo vệ tim là do fIavonoid can thiệp vào nhiều cơ chế sinh lý bệnh lý của vữa xơ động mạch. Lợi ích khi dùng sô cô la và ca cao giàu fIavonoid là do các tính chất chống oxy hoá, cải thiện chức năng của nội mô, làm hạ huyết áp, điều hòa chức năng miễn dịch và viêm [Engler et al, 2004:695-706].
- Tác dụng ức chế sản sinh nitric oxyd (NO) của đại thực bào
Trong môi trường nuôi cấy in vitro, đại thực bào có khả năng sản sinh ra nitric oxyd (NO), được xác định bằng phép đo phổ quang kế. Cao nước ca cao (có được bằng cách hòa ca cao trong nước nóng, rồi Iy tâm, lấy dịch trong) ở nồng độ 0,05% và 0,25% có tác dụng ức chế sự sản sinh NO của đại thực bào. Nếu thêm vào môi trường nuôi đại thực bào interferon - 8 với hàm lượng 100 Mg/ml, thì tác dụng ức chế sản sinh NO tăng lên. Tác dụng ức chế mạnh hơn nếu thêm lipopolysaccharid với nồng độ 1 mg/ml thay cho interferon - 8. Còn nếu thêm cả 2 chất, tác dụng ức chế là mạnh nhất [Ono et al., 2003: 681].
Trong cơ thể. NO có vai trò trong chuyển đạt thần kinh, làm giãn các mạch máu, làm giãn phế quản và một số tác dụng khác. Tuy nhiên, nếu nồng độ NO trong cơ thể quá cao từ 50ppm trở lên thì NO lại gây độc, đặc biệt là độc cho phổi, một phần là do NO bị oxy hoá thành NO2.
- Tác dụng trên hệ thần kinh của ca cao
Ca cao và sô cô la có chứa một alcaloid tetrahydroisoquinolin là salsolinol với hàm lượng trên 25Microg/g. Ca cao và sô cô la có vị đắng một phần là do alcaloid này. Salsolinol trong cơ thể, có thể liên kết với thụ thể D2 - dopaminergic. Đặc biệt là thụ thể D3 - dopamirnergic làm hoạt hoá hệ dopamin, ức chế sự tạo thành AMP vòng, nhưng lại làm giải phóng beta - endorphin và ACTH ở tuyến yên. Chính do tác dụng này mà salsolinol là một chất có tác dụng tâm thần, và người ta nghiện sô cô la chủ yếu là do salsolinol [Melzig et al 2000:153-159].
- Tác dụng chống nấm
Chất chiết bằng methanol từ chồi non của cây ca cao giàu procyanidin là một loại tanin ngưng tụ (condenses tannin) ức chế được sự nảy mầm các bào tử bầu (basidiospore) của Crinipellis perniciosa là một loại nấm hại cây trồng |Brownlee at al. 1990: 39 - 48.
- Tác dụng giãn cơ trơn và kích thích của theobromin
Theobromin là một alcaloid được chiết từ vỏ hạt hoặc mầm hạt ca cao với hàm lượng khoảng 1 - 2%. có tác dụng kích thích hoạt động tim, làm giãn mạch vành tim và mạch thận, làm giãn phế quản. Theobromin có tác dụng lợi tiểu do làm giảm tái hấp thu nước, ion natri và clo ở ống thận. Ngoài ra, theobromin còn có tác dụng gây hưng phấn nhẹ hệ thần kinh trung ương (Goodman. Gilman. 2001).
- Tác dụng kích thích thần kinh của cafein
Cafein là một alcaloid có trong hạt ca cao với hàm lượng thấp (0,05 - 0,3%) là chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương. Với liều điều trị, cafein làm tăng quá trình hưng phấn ở võ não. Do đó trí óc minh mẫn hơn, khả năng làm việc bằng trí tuệ tăng, giảm cảm giác mệt mỏi.
Cafein gây hưng phấn trung tâm hô hấp và vận mạch ở hành tủy, làm tăng trương lực và khả năng hoạt động của cơ vân, tăng sức co bóp của cơ tim.
Cafein còn có tác dụng làm giãn mạch da, mạch tim và mạch não, và cũng có tác dụng lợi niệu nhưng yếu. Tất cả những tác dụng trên đều cảm nhận được khi dùng sô cô la hoặc ca cao (Brody et al., 1994: 446). Hàm lượng cafein khá cao trong chồi, lá non của cây ca cao, theo thứ tự là 2.24% và 1,33% tính theo nguyên liệu khô [Osman et al., 2004: 41 - 46].
Tính vị, công năng:
Hạt ca cao đã lên men vị đắng, thơm, ngon, có công năng kích thần, dưỡng tâm, lợi tiểu. Hạt ca cao tươi không có mùi, vị rất chát và đắng, vì vậy phải cho lên men.
Công dụng:
Nhân hạt ca cao chưa lên men được dùng chữa phù thũng, cổ trướng.
Bột ca cao (nhân hạt đã ủ cho lên men, rồi phơi khô, tán thành bột) do thành phần bơ rất cao, lại có vitamin A, một ít vitamin D2, vitamin P, hàm lượng theobromin thấp (0,4%), hàm lượng cafein còn thấp hơn (0,10%), nên chỉ gây kích thích nhẹ nhàng, không như cà phê, chè, nên dùng tốt cho trẻ em. Các chất phospho, vitamin D trong bơ ca cao còn giúp phòng bệnh còi xương cho trẻ em. Bột ca cao cũng được dùng như tá dược, pha chế vào thuốc làm cho thuốc có vị thơm và dễ uống hơn, đặc biệt là loại thuốc khó uống và được dùng cho trẻ em.
Bơ ca cao là một chất béo đặc, gồm chủ yếu là các glycerid của acid Stearic, palmitic, oleic, có màu trắng vàng, mùi thơm, nhiệt độ nóng chảy ờ 33 - 35°c, rất thích hợp để làm tá dược thuốc đạn, thuốc mỡ, hương liệu, mỹ phẩm.
Trong công nghệ thực phẩm, ca cao được chế thành dạng kẹo sô cô la (chocolate), nước uống sô cô la. Nhiều loại sữa, kem, kẹo, nước giải khát cũng có thêm bột ca cao gọi là sữa sô cô la, kem sô cô la, kẹo sô cô la. Nguồn tiêu thụ lớn nhất của ca cao được dùng trong công nghiệp thực phẩm này.
Theobromin là alcaloid được chiết từ hạt ca cao được dùng trong bệnh co thắt mạch vành tim. thiếu máu cơ tim. Còn dùng khi bị phù do tim và do thận, vì theobromin có tác dụng lợi tiểu. Người lớn uống mỗi lần 0,25 - 0,50g (liều tối đa một lần là 0,50g), ngày 1 - 2 lần (liều tối đa 24 giờ là 2,0g).
Cafein cùng là một alcaloid có trong hạt ca cao (nhưng cafein lưu hành trên thị trường thường được chiết xuất từ lá chè Camellia sinensis) được dùng khi cơ thể ở trạng thái mỏi mệt về tâm thần và thể lực, khi hệ thần kinh trung ương bị ức chế do nhiễm độc thuốc mê; trụy tim mạch; trung tâm hô hấp bị suy cấp, nhức đầu do mạch não bị co thắt. Người lớn, mồi lần uống 0,05 - 0,1g (liều tối đa một lần 0,3g), ngày 2 - 3 lần (liều tối đa 24 giờ là 1g).
Theo Robbers [Robbers et al., 1999: 173 - 175], để chữa nhức đầu hoặc đau nửa đầu, có thể dùng đồ uống có cafein như cà phê, chè, cô la, nhưng dùng hạt ca cao đã ủ men và rang thơm, tán bột, chế thành nước uống là loại đồ uống ngon và hấp dẫn. Một cốc nước ca cao thường có 10mg cafein, trong khi một cốc chè thường có 30mg, còn một cốc cà phê có khoảng 100mg cafein. Liều bột ca cao thường dùng là 1 - 2 thìa cà phê hòa vào một cốc nước hoặc sữa, có thêm đường hoặc không, rồi uống [Duke. 2002: 134].
Ở Ấn Độ. người ta dùng chất bơ trong hạt ca cao, với tác dụng làm dịu, làm mềm, để bảo vệ da tay, chữa môi nẻ hoặc núm vú bị nứt, hoặc cũng làm tá dược thuốc đạn, thuốc mỡ [Chopra et al.. 2001: 243]. Hạt ca cao có thể được dùng để chiết theobromin và cafein, nhưng trong thực tế, do hạt ca cao là một nguồn dinh dưỡng rất tốt, giá đắt, nên ít khi được dùng để chiết theobromin và cafein. Các chất bột, chất đường, chất béo trong hạt ca cao là nguồn dinh dưỡng tốt, thơm, ngon. Trong các đồ uống có cafein như cà phê, ca cao, chè thì chỉ có ca cao mới được coi như thực phẩm [Nadkarni, 1999: 1215].
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam