Cam Thảo Dây Abrus precatorius L.
Tên khác: Dây cườm cườm, dây chi chi, cườm thảo, tương tư đằng, cảm sảo (Tày).
Tên nước ngoài: Jequirity, wild liquorice, crab's eyevine, prayer beads, weather plant, coral pea, lucky bean, love bean, rosary pea (Anh); liane réglisse, réglisse sauvage, réglissier, oeil de paon (Pháp).
Họ: Đậu (Fabaceae).
Mô tả:
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành chùm, dài 3 - 6cm; hoa màu hồng, xếp rất sít nhau.
Quả đậu, hơi dày, có lông nhỏ, hai đầu hơi vát, hạt 3-7, hình trứng có vỏ cứng, màu đỏ chói, trơn bóng, một đốm đen ở quanh rốn hạt.
Rễ, thân, lá nếm có vị ngọt, nhưng không đậm và thơm như cam thảo bắc.
Mùa hoa : tháng 7-8; mùa quả : tháng 9 - 10.
Dây leo dài, thường xanh. Thân cành mỏng, có lông rất nhỏ. Lá kép lông chim chẵn, mọc so le, dài 5 - 10cm, mang 8-15 đôi lá chét to dần về phía ngọn, hình bầu dục, thuôn, đầu tù có mũi nhọn ngắn, gốc tròn, mặt trên xanh lục, mặt dưới xám nhạt, hai mặt đều có lông.
Bộ phận dùng
Thân rễ và lá cam thảo dây thu hái tốt nhất vào lúc mới ra hoa, thái ngắn, phơi khô.
Hạt chín, phơi khô, đôi khi cũng được dùng.
Thành phần hóa học
Thân và lá cam thảo dây có L - abrin, precatorin, hypaphorin, trigonelin, cholin. Lá có glycyrizin, abrusosid A, B, C, D. Ngoài ra, lá có flavonoid 5,7,4' - trihydroxyflavan glycosid (có thể là vitexin) , 7,4' - dihydroxyflavonol diglycosid và taxifolin - 3 - glucosid.
Hạt chứa abrus aglutinin và những chất lectin như abrin A, B, L - abrine, precatorin, hypaphorin, N, N - dimethyltryptophan methyl ester, trigonelin, cholin... Ngoài ra, còn có ß - sitosterol, stigmasterol, campesterol, cholesterol, cycloartenol, abricin, abridin, ß - amyrin, squalen, acid 5 - ß - cholanic, demethoxycentaureidin - 7 - 0 - rutocid, abrectorin, abrusin, 2' - apiosid của abrusin, nhiều acid hữu cơ nhiều acid amin, các polysaccharid 7, 9, 15 - trimethylheneicosan và acid pentocosanoic carbohydrat 19,92%.
Rễ chứa abrin, hypaphorin, precatorin, cholin precol, abrol, abrasin, precasin, glycyrrhizin 1,25% (Dongen) và abruquinon.
Tác dụng dược lý
Abrin là một toxalbumin chứa trong hạt cam thảo dây. Nó tỏ ra rất độc khi tiêm dưới da động vật với liều 0,005 - 0,01 mg/kg thể trọng. Nước sắc hạt nghiền nát hoặc dung dịch abrin khi nhỏ vào kết mạc mắt sẽ gây phù tấy và hư hại giác mạc một cách vĩnh viễn và có thể gây tử vong do bị hấp thu abrin. Nó có tính chất kích ứng mạnh, gây phù và bầm máu ở nơi thuốc vào qua da. Nó có ít hoặc không tác dụng ở miệng và họng và trở nên không độc trong dạ dày.
Abrin kém độc hơn so với ricin là một protid có ở hạt thầu dầu, tuy nhiên tác dụng của chúng cũng gần giống nhau. Abrin có tính chất của một kháng nguyên, vào cơ thể có thể gây nên kháng thể. Khi cho formol tác dụng lên abrin, ta có một chất anatoxin, chất này cũng tạo nên trong cơ thể chất kháng thể. Abrin chịu được tác dụng của men pepsin của dạ dày mạnh hơn ricin. Abrin gây vón hồng cầu một cách dễ dàng. Một số dân tộc ở vùng Tây Ấn Độ dùng hạt cam thảo dây để đầu độc. Abrin có thể bị nhiệt làm giảm độc.
Hạt có tác dụng rõ rệt ngăn ngừa sự thụ thai và gây sẩy thai trên thỏ và chuột trắng thí nghiệm. Cơ chế của tác dụng này là do sự ngăn cản hình thành, tồn tại và phát triển của màng rụng của tử cung, do đó phá vỡ điều kiện làm tổ của trứng, gây sẩy trứng đã thụ tinh và sẩy thai.
Phần trên mặt đất của cây cam thảo dây có tác dụng trên huyết áp mèo và chó. Sự tạo miễn dịch với những tế bào ung thư đã được xử lý với ngưng kết tố của Abrus (Abrus agglutinin), những tế bào này tỏ ra có khả năng gây hoạt tính miễn dịch ở chuột nhắt BALB/C sinh ra do giao phối thân thuộc, chống lại các tế bào ung thư. Cao cồn lá cam thảo dây ức chế co thắt gây nên do acetylcholin trên cơ thẳng bụng cóc và tiêu bản dây thần kinh hoành - cơ hoành của chuột. Tác dụng tỷ lệ thuận với nồng độ và có tính chất hồi phục. Cao này cũng gây liệt mềm khi tiêm tĩnh mạch cho gà con. Cao cồn không có tác dụng trên kích thích điện trực tiếp cơ hoành. Nó có tác dụng tương tự d - tubocurarin với kiểu phong bế thần kinh - cơ. Những cao chiết với dầu hoả, ether và nước (lạnh và nóng) đều không có tác dụng trên cơ xương trong thí nghiệm này. Có vẻ như thành phần độc đối với tế bào thần kinh có ở trong cao cồn. Chuột nhắt được uống cao chiết với dầu béo hạt cam thảo dây, đã bị hiện tượng vô sinh và sự rối loạn chu kỳ động dục. Tác dụng chống thụ thai của một chế phẩm bán tinh khiết và chế phẩm abridin kết tinh từ hạt cam thảo dây đã được chứng minh. Abridin gây vô sinh 100% chuột khi tiêm một ngày trước hoặc sau khi giao hợp.
Tính vị, công năng
Rễ, dây và lá cam thảo dây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát. Hạt độc, có tác dụng thông cửu khiếu, sát trùng, tiêu viêm.
Công dụng
Cây và lá cam thảo dây được dùng chữa ho, giải cảm giải độc, điều hòa các vị thuốc khác và trị hoàng đản do viêm gan siêu vi trùng. Ngày dùng 8 - 16g sắc uống. Có thể dùng thay cam thảo bắc. Hạt chỉ dùng ngoài sát trùng, tiêu viêm, làm mụn nhọt chóng vỡ mủ (giã nhỏ hạt đắp). Tốt nhất là trị vú sưng đau do tắc tia sữa. Có độc cần chú ý. Tại đông châu Phi, một số dân tộc dùng lá chữa rắn độc cắn.
Theo tài liệu nước ngoài, lá cam thảo dây có vị ngọt nhiều hơn rễ. Nước sắc của lá và rễ được dùng chữa ho, cảm sốt và đau bụng. Lá, rễ nhai nuốt nước để chữa khản tiếng, dùng ngoài chữa bệnh ngoài da.
Hạt làm thuốc tẩy, gây nôn, kích dục, trị rối loạn thần kinh và ngộ độc dùng trong thú y cho động vật.
Bài thuốc có cam thảo dây
- Chữa cảm nắng, sốt nóng, ho khan, viêm họng:
Lá cam thảo dây 15g, sắc uống, hoặc phối hợp với cam thảo sống để thanh nhiệt giải độc.
- Thuốc giải độc:
Cam thảo dây 50 - 60g, sắc uống, hoặc hòa thêm bột đậu xanh nghiền sống, uống nhiều càng tốt.
- Chữa cảm cúm:
Cam thảo dây 12g, lá lức 60g, cây lức 12g, lá bạc hà 12g, vỏ quít 12g, phèn chua 12 g, củ xương bồ 10g.
Cây lức rửa sạch thái nhỏ sao qua, lá lức đồ chín, xương bồ thái mỏng phơi sấy khô, phèn phi hết nước.
Các vị tán dập, sắc và chia uống hai lần trong ngày.
- Chữa hen suyễn có phong hàn biểu chứng:
Cam thảo dây 12g, hành hương 20g, gừng sống 12g, quế chi 12g, tía tô 12g. sắc uống.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam