Chuối Tiêu (Musa sapientum L.)
Tên khác: chuối, hương tiêu
Tên đồng nghĩa: Musa paradisiaca L.
Tên nước ngoài: Edible banana, cooking banana, Adam's fig (Anh); bananier nain, pissang (Pháp)
Họ: Chuối (Musaceae)
Mô tả:
Thân giả hình trụ do các bẹ lá rất to úp vào nhau tạo thành, cao 3 - 4 m. Thân rễ to thường gọi là củ. Lá có phiến mỏng và dài đến 1,5m, gân giữa rất to, lõm ở mặt trên, nổi rõ ở mặt dưới, gân phụ, song song rất sít nhau, mép thường bị rách, hai mặt cùng màu.
Cụm hoa là một bông mang bởi một thân thật mọc xuyên qua thân giả, vượt qua tán lá rồi buôn thõng; bông gồm những lá bắc màu đỏ tía xếp úp lên nhau thành hình nón dài; ở kẽ mỗi lá bắc có khoảng 20 hoa xếp thành 2 hàng; Hoa ở gốc là hoa cái, ở giữa là lưỡng tính, ở ngọn là hoa đực; hoa bao gồm 3 lá đài và 2 cánh hoa dính liền nhau, ở đầu có 5 răng; cánh hoa thứ 3 tạo thành cánh môi màu hồng nhạt; nhị 5; bầu hạ, 3 ô.
Quả mọng dài và cong, có vết tích của vòi nhuỵ, khi chín màu vàng.
Một số chủng loại chuối khác cũng được dùng làm thuốc như chuối hột, quả to và thẳng, có 5 cạnh, có hạt; chuối tây quả to và vỏ mỏng; chuối rừng (Musa uranoscopus Lour.), redflower banana, scarlet banana, quả không ăn được...
Bộ phận dùng:
Quả chuối tiêu còn xanh hay đã chín.
Củ chuối
Thành phần hoá học:
Quả chuối tiêu chứa nhiều thành phần thuộc những nhóm hoá học khác nhau, thành phần chính là carbohydrat.
Quả xanh chứa nhiều tinh bột. Khi quả chín, tinh bột chuyển thành đường. Hàm lượng đường (sucrose, glucose, fructose) ở quả xanh là 1 - 2% và 15 - 20% ở quả chín.
Các protein (2,71%) chính là albumin, globulin. Các acid amin cấu tạo protein là arginin, histidin, isoleucin, leucin, lysin, methionin, phenylalanin, threonin, tryptophan, valin.
Các acid amin tự do là arginin, acid aspartic, glutamin, acid g - aminobutyric, acid pipecolic, leucin.
Dầu béo ít, hàm lượng thay đổi không đáng kể khi quả chín.
Các nguyên tố gồm Ca, Fe, K, Mg, Na, P. Ngoài ra, còn có ít I, Al, Zn, Co, As.
Các vitamin gồm caroten, thiamin, riboflavin, niacin, acid ascorbic, acid pantothenic, pyridoxin, biotin, inositol, acid folic. Một phần trong các acid nói trên bị mất đi trong các quá trình nấu và quả chín.
Hương và vị của chuối tiêu phát triển trong quá trình quả chín. Thành phần của hương bao gồm amyl acetat (thành phần chính), amyl butyrat, acetaldehyd và nhiều ester khác.
Các acid hữu cơ là acid malic (thành phần chính), acid citric, acid oxalic.
Các enzym gồm amylase, invertase, protease, catalase, peroxidase, lipase, oxygenase, phosphatase, acid ascorbic axidase, quả còn có musarin C25 H60O14N2.
Ngoài ra còn có serotonin và norepinephrin, 2 chất này có hàm lượng cao, dopamin, 3,4 - dihydroxyphenyl alanin, một chất catecholamon chưa được xác định.
Phần trong của thân chứa 0,5% protein, 0,1% chất béo, 9,7% carbohydrat 0,6%các chất vô cơ.
Tác dụng dược lý:
- Tác dụng chống loét dạ dày thực nghiệm do phenylbutazon
Thử ở chuột lang, dùng thịt quả chuối tiêu xanh, còn non, thái lát mỏng, phơi khô ở nhiệt độ thấp dưới 50°C, tán nhỏ, uống.
-
Thử tác dụng điều trị: dùng phenylbutazon để gây loét trong 15 ngày, sau đó dùng bột chuối.
-
Thử tác dụng phòng ngừa: dùng bột chuối tiêu đồng thời với dùng phenylbutazon.
Kết quả: bột chuối xanh có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày ở cả 2 mô hình.
Thử trên chuột cống trắng, gây viêm dạ dày bằng cách bất động chuột, cũng có tác dụng.
Tác dụng bảo vệ dạ dày có thể là do bột chuối xanh làm giảm tiết dịch vị và ức chế kích thích do phenylbutazon.
- Thử trên người chữa bệnh viêm loét dạ dày (tài liệu Ấn Độ)
Chuối tiêu xanh phơi sấy khô ở nhiệt độ thấp dưới 50°C, tán bột, ăn hàng ngày, có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của màn nhầy lót bên trong dạ dày bằng cách tạo thêm những tế bào sản xuất chất nhầy, làm cho màng nhầy dày lên chống lại khả năng gây loét và hàn gắn các vết loét đã có. Các loại chuối tiêu chín và xanh phơi khô ở nhiệt độ cao không kích thích tăng trưởng màn nhầy có ý nghĩa.
- Tác dụng trên nấm và vi khuẩn
Dạng chiết bằng cồn methanol từ quả chuối tiêu có tác dụng ức chế nấm và vi khuẩn. Hoạt chất kháng nấm có khả năng là musarin.
- Không thấy có tác dụng kháng cholin trên hệ thần kinh trung ương.
Tính vị, công năng:
Quả chuối tiêu có vị ngọt, tính rất lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khát, nhuận tràng, giải độc.
Vỏ quả chuối tiêu chín, vị ngọt, chát, tính ôn, sát trùng, chỉ tả.
Củ chuối tiêu vị ngọt, lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Dịch nhựa chảy ra từ thân và rễ chuối tiêu, vị ngọt, chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, trị nhiệt suyễn, đái ra máu, mụn nhọt.
Công dụng:
Quả chuối tiêu xanh được dùng để chữa tiêu chảy và kiết lỵ
Quả chuối tiêu chín nhuận tràng, làm dịu, thúc đẩy sự lên da non ở các vết thương tổn của ruột trong viêm ruột kết có loét, chống các rối loạn ruột và dạ dày, đặc biệt là chống các bệnh tiêu chảy cấp tính và mạn tính, bệnh viêm ruột, táo bón, thiếu vitamin C.
Quả chuối tiêu chín rất tốt cho trẻ thơ, trẻ đang độ lớn, người dưỡng sức, người gìa, người lao động trí óc và chân tay. Chuối giúp cho hệ xương, sự sinh trưởng và cân bằng thần kinh. Người suy nhược nên ăn chuối hàng ngày. Chuối giàu hydrat carbon không được dùng cho người đái tháo đường nếu không có ý kiến của thầy thuốc.
Vỏ quả chuối tiêu chữa lỵ, đau bụng, thổ tả. Ngày 15 - 30g sắc uống. Dùng ngoài, sắc lấy nước rửa những chỗ mẩn ngứa, lở loét.
Bột quả chuối tiêu xanh để phòng và chữa loét dạ dày. Vỏ quả chuối xanh có tác dụng làm se, diệt nấm. Nhựa của quả xanh chữa hắc lào.
Lá chuối tiêu non còn ở trong thân giả, giã nát, đắp là thuốc cầm máu vết thương, làm dịu vết bỏng.
Củ và rễ chuối tiêu giã lấy nước cốt hoặc dịch thân cây uống chữa sưng tấy, nhọt sưng đau, nóng quá phát cuồng, mê sảng, co giật, kiết lỵ, tiêu chảy.
Bài thuốc có chuối tiêu:
- Chữa trúng độc do ăn uống:
Củ chuối tiêu, thái miếng, cho đầy nồi, đổ ngập nước, sắc đặc, lấy một bát cho uống để làm nôn mửa (Bách gia trân tàng).
- Chữa nhọt sưng ở sống lưng, sưng tấy, mụn nhọt:
Củ hoặc rễ chuối tiêu giã nát đắp (Nam dược thần hiệu)
- Chữa phế nhiệt, đàm suyễn:
Rễ chuối tiêu tươi 60g, rau sam 30g, giã nát, ép lấy nước, đun âm ấm, bỏ bã uống nước.
- Chữa đái ra máu:
Rễ chuối tiêu tươi 120g, cỏ nhọ nồi 30g. Sắc nước uống.
- Chữa sốt cao phát cuồng, phiền khát, mê sảng, co giật:
Dùng một lóng trúc, hay nữa, vót nhọn đầu, chọc vào giữa thân cây (chuối) cho nước chảy ra. Hứng lấy một bát, uống (Nam dược thần hiệu). Có thể dùng củ và rễ, giã nát vắt lấy nước cốt uống.
- Chữa hắc lào:
Rửa sạch chỗ hắc lào bằng nước nóng, gãi cho trượt da ra, lau khô. Lấy một quả chuối xanh còn non trên cây, bẻ hoặc cắt cho nhựa chảy ra, chấm bôi vào chỗ có mấm. Làm 4 - 5 lần.
- Phòng và chữa viêm loét dạ dày:
Thịt quả chuối tiêu xanh, phơi sấy khô ở nhiệt độ dưới 50°C, tán bột, ăn hàng ngày với liều 20 - 30g.
- Chữa đại tiện táo bón:
Ăn quả chuối tiêu chín, mỗi lần 3 - 4 quả.
- Chữa trĩ ra máu:
Chuối 2 quả, để cả vỏ, nấu chín ăn. Dùng nhiều lần.
- Chữa cao huyết áp:
Vỏ và cuống quả chuối tiêu, 30 - 60g, sắc uống,dùng nhiều lần.
- Chữa phụ nữ ít sữa và người già táo bón:
Hoa chuối thái nhỏ, luộc chín, trộn với muối vừng hoặc muối lạc rang, ăn 2 - 3 bữa liền.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam