Cốt Khí Củ (Reynoutria japonica Houtt.)

Tên đồng nghĩa: Polygonum cuspidatum Sieb. et Zucc., p.reynoutria Mak., Reynoutria elata Nak.
Tên khác: Điền thất, hổ trượng căn, phù linh, nam hoàng cầm, co hớ hườn (Thái), mèng kẻng (Tày), hồng liu (Dao).
Họ: Rau răm (Polygonaceae).

Mô tả:

Cây nhỏ, sống lâu năm, rễ phình thành củ cứng, mọc bò nghiêng dưới đất, vỏ ngoài màu nâu đen, ruột màu vàng. Thân hình trụ, nhẵn, mọc thẳng đứng, cao 0,5 - 1 m, thường có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le, cuống ngắn, hình trứng, đầu tù, hơi nhọn, mép nguyên, dài 5 -12 cm, rộng 3,5 - 8 cm, mặt trên màu lục sẫm, có khi nâu đen; bẹ chìa ngắn.

Cụm hoa ngắn hơn lá, mọc thành chùm ở kẽ lá; hoa nhỏ màu trắng, hoa đực và hoa cái riêng; bao hoa có 5 phiến; hoa đực có 8 nhị; hoa cái có bầu ba góc.

Quả 3 cạnh, màu nâu đỏ.

Mùa hoa quả: tháng 10 - 11.

Cây dễ nhầm lẫn

Nhiều cây cũng mang tên “cốt khí' như cốt khí muồng hay cốt khí hạt (Cassia occidentalis L.) thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae), cốt khí thân tím (T. purpurea Pers.), cốt khí thân trắng (Tephrosia Candida DC.) họ Đậu (Fabaceae) và cốt khí dây (Sabia olacifolia Stapf) họ Thanh phong (Sabiaceae).

Bộ phận dùng:

Rễ cốt khí củ thu hái quanh năm, tốt nhất vào thu - đông, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, thái thành miếng nhỏ dày chừng 1-2 cm, phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có mặt ngoài nâu xám, sần sùi nhăn nheo theo chiều dọc, có các mấu đốt và gióng, mặt cắt ngang màu vàng bẩn, lõi gần như rỗng, phần không rỗng có màu nâu sẫm. Chất nhẹ, hơi cứng, mùi không rõ, vị hơi đắng.

Y học cổ truyền dùng cốt khí củ thay hoàng cầm với tên hoàng cầm nam.

Thành phần hóa học:

Rễ chứa các chất thuộc nhóm

  • Anthranoid: physcion, emodin, emodin - 8 - O - P - glucosid, chrysaphanol, rhein, falacinol, citreorosein, questin, questinol.

  • Stilben: resveratrol, polydatin.

  • Quinon: 2 - methoxy - 6 - acetyl - 7 - methyljuglon.

  • Phenol: acid protocatechuic.

  • Các thành phần khác: catechin, 7 - hydroxy - 4 - methoxy - 5 - methyl - coumarin, torachrysin - 8 - o - D - glucosid.

Ngoài ra, còn có các nguyên tố Cu, Fe; Mn, Zn, K.

Tác dụng dược lý:

Cốt khí củ có tác dụng chống viêm trên các mô hình gây viêm thực nghiệm: gây phù chân chuột bằng kaolin và dextran, gây rỉ dịch màng phổi bằng tinh dầu thông, gây u hạt dưới da bằng amian, gây viêm dị ứng và viêm đa khớp bằng vacxin B.C.G. Liều giảm viêm 50% trên phù kaolin chân chuột của cốt khí củ là 32g/kg thể trọng chuột. Cốt khí củ có ảnh hưởng ức chế tác dụng gây co thắt cơ trơn ruột cô lập của histamin và acetylcholin. Thử tác đụng cốt khí củ trên chuyển hóa lipid ở chuột cống trắng đã được gây tăng lipid máu thực nghiệm thấy cây chỉ có tác dụng giảm mức cholesterol máu, và không ảnh hưởng tói mức β/beta lipoprotein và lipid toàn phần trong máu.

Tính vị, công năng:

Rễ cây cốt khí củ có vị ngọt đắng, tính mát, có tác dụng khu phong, trừ thấp, lợi tiểu, hoạt huyết, thông kinh, giảm đau, giảm dộc.

Công dụng:

Cốt khí củ được dùng chữa phong thấp tê bại đau nhức gân xương, chấn thương, ngã sưng đau ứ huyết, kinh nguyệt bế tắc, kinh nguyệt khó khăn đau đớn, sau khi đẻ huyết hôi bị tích trong tử cung, bụng chướng, đái rắt, buốt và đái ra máu. Còn dùng trị mụn nhọt, lở ngứa và làm thuốc cầm máu trong trường hợp vết thương chảy máu. Ngày dùng 8 - 20g dạng thuốc sắc, hoặc ngâm rượu uống. Thường dùng phối hợp với rễ lá lốt, dây đau xương, rễ cỏ xước, quế...

Bài thuốc có cốt khí củ:

  1. Chữa thương tích, ứ máu, đau bụng:

Cốt khí củ 20g, cây lá móng 16g, nước 300 ml. Sắc còn 150 ml, hòa thêm 20 ml rượu, chia 2 lần uống trong ngày.

  1. Chữa phong thấp, đau nhức xương:
  • Cốt khí củ 12g, dơn gối hạc 12g, rễ cỏ xước 8g, hy thiêm 8g, uy linh tiên 6g, hạt cau già 6g.

Tất cả, trừ hạt cau, đem phơi khô, thái nhỏ, sao vàng, hạ thổ. sắc với 600 ml nước còn 200 ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 7 -10 ngày. Nếu số lượng dược liệu nhiều, có thể nấu cao, rồi pha rượu hoặc sirô dùng dần.

  • Cốt khí củ, rễ tầm xoọng, đơn gối hạc, rễ cỏ xước, cam thảo dây, lá lốt, dây đau xương (mỗi vị 20g). sắc với nước, uống trong ngày.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post