Đông Trùng Hạ Thảo (Cordiceps sinensis (Berk.) Sacc.)
Tên khác: Trùng thảo.
Tên nước ngoài: Chinese carterpillar fungus (Anh).
Họ: Nang khuẩn (Ascomycetes).
Mô tả:
Loài nấm nhỏ, có thân hình trụ, mảnh, dài 3 - 6 cm, có thể đến 10-11 cm, đặc khi còn non sau trở nên rỗng giữa. Phần dưới thân nấm to, thuôn dần về phía ngọn, kết thúc bằng một phần rộng loe thành hình thoi, đầu nhọn, đường kính 2,5 - 6 mm, phần này có vỏ ngoài sần sùi, lấm tấm những hạt nhỏ mà khi soi kính hiển vi đó là tử nang xác (bộ phận sinh sản).
Tử nang xác hình trứng hay hơi tròn, trong chứa các nang hình sợi, có cuống ngắn. Trong nang có nhiều bào tử ngăn vách riêng biệt.
Thành phần hoá học:
Các polysaccharid:
Polysaccharid đặt tên là EPS - 1A trọng lượng phân tử trung bình khoảng 40 KDa được tách bằng trao đổi ion và lọc gel. Cấu trúc được xác định gồm glucose, manose, galactose theo tỷ lệ 15,2:3,6:1,0 M. Đó là một polysaccharid phân nhánh, bộ khung chính là ( I - 6) alpha d glucose 77% và (I - 6) K.d manose 23% và tận cùng là galactose [Jing - Kunyan - Lin Li - Zhao Mei Wang and Jon Yong Wu Carbohydrate polymer].
-
Từ một giống Cordycep sinensis tên là UST - 2000 người ta tách được một polysaccharid có phân tử lượng 82 KDa (2) [Jerry K.H Chcung.Jun Lì; Anna W.H.CIieung Journal of Ethnopharmacology vol 124:Issue 1.6 July 2009 p.61-68], đó là một exopolysaccharid tên là cordysinocan chứa glucose - manose, galactose với tỷ lệ 2,4-2-1, chất này có tác dụng kích thích miễn dịch - (2) [Jing - KunYan - LinLi-Zhao Mei Wang and Jan Yong Wu Carbohydrate polymer vol.70.issue 1.5 January 2010 p. 125-130],
-
Một manoglucan trung tính có trọng lượng phân tử 7,7 X 103 Da gồm các đơn vị manose và glucose với tỷ lệ 1:9, chất này có hoạt tính gây độc với tế bào ung thư (3) [Yalin Wu, Nan Hu, Yuanjiang Pan... Carbon hydrat research, vol 342, 6,7 May 2007 p.870-875].
-
Một d.glucan gồm bộ khung 1-4 d-glucosyl và 1,6 d. glucosyl và các giống nối beta.beta glucosid là một polysaccharid, chất tách được trong đông trùng hạ thảo (4) [Wu Yalin; Sun cuirong. Pan Yuanjiang - Carbonhydrat polymer vol 63; 2,3 February 2006.P 251 -256].
-
Một polysacchard khác có tính chống oxy hóa mạnh làm giảm gốc tự do, trong phân tử chứa glucose, manose và galacsose với tỷ lệ 1:0,6: 0,75 (5) [Shao P.Li; Kui j.Zao, Zhao N.Ji - Life sciences. Vol.73; 19, 26 September 2003 p.2501- 2513] cùng đã được phân lập.
Tác dụng dược lý:
- Tác dụng kích thích miễn dịch
Cả đông trùng hạ thảo thiên nhiên và thể sợi nấm của đông trùng hạ thảo nuôi cấy đều có tác dụng có ý nghĩa trên hệ miễn dịch của chuột nhắt trắng. Chúng có thể làm tăng kích thước của lách, làm giảm kích thước tuyến ức dự phòng sự teo lách, gan. phì đại tuyến ức ở chuột nhắt trắng gây bởi cyclophosphamid. Hàm lượng ADN, ARN và protein trong lách to tăng lên có ý nghĩa. Tác dụng trên tuyến ức mất đi do cắt bỏ tuyến thượng thận. Cao chiết làm tăng sự hợp nhất của thymidin vào ADN của lách in vivo và sự tăng sinh các tế bào đơn nhân lách in vitro. Đã phát hiện hoạt chất của đông trùng hạ thảo trong chất nền thay vì trong ấu trùng trong dược liệu này.
Cao chiết nước đông trùng hạ thảo thiên nhiên và thể sợi nấm đông trùng hạ thào nuôi cấy có thể làm tăng sự sản sinh các đại thực bào và hoạt hoá chức năng cùa hệ thực bào. Chúng không chỉ làm tăng hoạt tính thực bào của các đại thực bào, mà còn làm tăng hoạt tính của phosphatase kiềm của đại thực bào. Thêm nữa, hoạt tính của hemolysin huyết thanh và hoạt tính tan máu miễn dịch của tế bào đơn nhân lách tăng lên ở chuột nhắt trắng gây ức chế miễn dịch bằng hydrocortison. Tuy vậy, ở chuột nhắt trắng bình thường, không nhận xét thấy tác dụng điều hoà như vậy trên miễn dịch thể dịch.
Polysaccharid của đông trùng hạ thảo cũng thể hiện hoạt tính kích thích miễn dịch ở chuột nhắt trắng. Nó hoạt hoá chức năng thực bào của hệ lưới nội mô và của đại thực bào trong khoang bụng và làm tăng các nồng độ IgG huyết thanh và corticosteron huyết tương và trọng lượng lách. Polysaccharid cũng có tác dụng đối kháng với sự teo lách và sự giảm bạch cầu gây bởi cortison và cyclophosphamid, và sự giảm chức năng thực bào của đại thực bào trong khoang bụng, nhưng không ức chế chức năng chống viêm của cortison [Tang W.et al.1992:373-375].
Đông trùng hạ thảo thể hiện tác dụng tăng cường miễn dịch trong điều trị bệnh nhân ung thư và suy giảm miễn dịch. Nó làm tăng sản sinh interleukin - 1 (IL - I), interferon và TNF (yếu tố hoại tử u) ở tế bào Kupffer chuột nuôi cấy và làm tăng nồng độ huyết thanh của các chất này. Nó cũng kích thích sự tăng sinh các tế bào dòng hồng cầu gốc của tủy xương chuột nhắt trắng, và có thể làm tăng sự thực bào của bạch cầu đơn nhân to, điều chỉnh hoạt tính miễn dịch, làm tăng trọng lượng gan và đối kháng tác dụng chống miễn dịch gây bởi tiêm cortisol trên chuột nhắt trắng.
Thử nghiệm lâm sàng trên 36 bệnh nhân mắc bệnh ung thư giai đoạn muộn cho thấy đông trùng hạ thảo có thể phục hồi các chức năng miễn dịch tế bào và cải thiện chất lượng cuộc sống. Thử nghiệm in vitro cũng cho thấy cao chiết methanol của dược thảo này ức chế có ý nghĩa sự tăng trưởng tế bào u [Huang K.C., 1999: 263 —264],
Trong một nghiên cứu, thể sợi nấm của đông trùng hạ thảo được chiết xuất liên tiếp với ether dầu hoả, ethyl acetat, ethanol và đun cách thủy siêu âm (75°C), và cao chiết nước được phân lập tiếp bằng Sephadex G - 100 để được cao dầu hỏa, cao ethyl acetat, cao ethanol, glycoprotein, và một polysaccharid tinh chế. Đã nghiên cứu khả năng điều hoà miễn dịch của các chiết phẩm này trên các đáp ứng miễn dịch tế bào và thể dịch của chuột nhắt trắng đối với ovalbumin.
Chuột nhắt trắng được tạo miễn dịch bằng tiêm dưới da ovalbumin đơn độc hoặc ovalbumin hoà tan trong dung dịch NaCI đẳng trương chứa các mẫu chiết phẩm này vào các ngày 1 và 15. Hai tuần sau, kiểm tra sự tăng sinh tế bào đon nhân lách kích thích bởi concanavalin A và bởi ovalbumin và kháng thể đặc hiệu với ovalbumin trong huyết thanh. Các chiết phẩm này, trừ polysaccharid, làm tăng có ý nghĩa sự tăng sinh tế bào đơn nhân lách gây bởi concanavalin A và bởi ovalbumin ở chuột nhắt trắng được tạo miễn dịch bởi ovalbumin với liều thích hợp. Hàm lượng các IgG, IgGl và IgG2b trong huyết thanh tăng lên có ý nghĩa do tác dụng của các cao chiết và polysaccharid này (Wu Y., 2006).
Thành phần của chế phẩm Vigconic gồm đông trùng hạ thảo (10% trọng lượng dược liệu), nhân sâm (20%). sừng hươu nai (20%), đan sâm (12%), hạt hành (12%), quả ngô thù (8%), quả xà sàng (8%), và thân rễ địa liền (10%). Vigconic là một thuốc chống lão hoá trong y học cổ truyền Trung Quốc có hiệu lực miễn dịch, có khả năng làm giảm đột quỵ và sa sút trí tuệ ở 36 đối tượng nam giói, làm tăng có ý nghĩa tình trạng chống oxy hoá ở bạch cầu của 31 nam giới khoẻ mạnh, có thể do làm tăng hoạt độ của catalase và superoxyd dismutase.
Kết quả nghiên cứu này chứng minh (1) Vigconic có khả năng ức chế một cách phụ thuộc vào liều sự tăng sinh của tế bào đơn nhân máu ngoại vi người không bị kích thích và được hoạt hoá bởi lipopolysaccharid, nhưng làm tăng sự tăng sinh của tế bào đơn nhân máu ngoại vi được hoạt hoá bởi phytohem agglutinin ở nồng độ < 1 mg/ml, (2) làm tăng có ý nghĩa sự biểu hiện của thụ thể alpha của IL - 2 (CD25), trên tế bào lympho ở nồng độ 0,4 mg/ml hoặc hơn, (3) hoạt hoá một cách phụ thuộc vào liều (0,1 - 1,0 mg/ml) sự thực bào của đại thực bào và sự tổng hợp H2O2 ở bạch cầu đơn nhân to, và (4) làm tăng có ý nghĩa sự sản sinh các cytokin IL - 8, IL - 10, IL - 12 và IL - iβ ở các nồng độ khác nhau của Vigconic. Các kết quả gợi ý Vigconic là một thuốc điều hoà miễn dịch mạnh có thể tác động thông qua sự hoạt hóa các tế bào lympho và bạch cầu đơn nhân to (Lee. S.K.W. et al., 2006).
- Tác dụng trên chức năng sinh sản
Đã có báo cáo về kết quả nghiên cứu lâm sàng về tác dụng của đông trùng hạ thảo điều trị sự giảm chức năng sinh sản [Tang W et al-, 1992: 373 - 375]. Trong thử nghiệm cho chuột cống trắng đực non uống cao chiết dược thảo này đã nhận xét thấy sự tăng trọng lượng tinh hoàn và tăng số lượng tinh trùng [Huang K.C., 1999: 263 -264).
Đã nghiên cứu tác dụng của đông trùng và các phân đoạn chiết của nó trên sự tiết testosteron in vivo và in vitro ở chuột nhắt trắng. Đông trùng hạ thảo phân đoạn protein tan trong nước, và phân đoạn polysaccharid và protein ít tan trong nước kích thích sự sản sinh testosteron in vitro có ý nghĩa ở tế bào Leydig nuôi cấy của chuột. Phân đoạn protein tan trong nước và phân đoạn polysaccharid và protein ít tan trong nước kích thích sự sản sinh testosteron in vitro một cách phụ thuộc vào liều và thời gian.
Nghiên cứu in vivo chứng minh nồng độ testosteron trong huyết tương tăng lên có ý nghĩa dưới tác dụng của đông trùng hạ thảo, phân đoạn protein tan trong nước và phân đoạn polysaccharid và protein ít tan trong nước. Như vậy, đông trùng hạ thảo có thể là một thuốc thay thể trong điều trị các chứng bệnh về sinh sản do sự giảm tiết testosteron ở nam giới (Hsu c.c. et al., 2003).
- Tác dụng hạ đường huyết
Thử nghiệm trên động vật cho uống polysaccharid đông trùng hạ thảo gây hạ đường huyết có ý nghĩa mà không ảnh hưởng đến nồng độ insulin huyết tương [Huang K.C., 1999: 263 - 264]. Cao chiết nước nóng của đông trùng hạ thảo có hoạt tính hạ đường huyết nhẹ trên chuột cống trắng gây đái tháo đường bởi alloxan hoặc streptozotocin cho uống. Polysaccharid, es - F10, cs - F30 và CHWp thu được từ đông trùng hạ thảo nuôi cấy làm hạ có ý nghĩa nồng độ glucose huyết tương ở chuột nhắt trắng đái tháo đường di truyền, hoặc gây bởi alloxan, streptozotocin, hoặc epinephrin và được xác nhận là thành phần có hoạt tính (Li W.L. et al., 2004).
Trên chuột cống trắng được gây đái tháo đường với nicotinamid và streptozotocin, thể quả của nấm đông trùng hạ thảo làm giảm sự sụt trọng lượng cơ thể gây bởi đái tháo đường, chứng uống nhiều và mức độ tăng đường huyết. Những sự cải thiện này cho thấy đông trùng hạ thảo có khả năng là một thực phẩm chức năng để điều trị hỗ trợ bệnh đái tháo đường (Lo H.c. et al., 2004),
- Tác dụng chống oxy hóa
Phân đoạn polysaccharid chiết từ thể sợi nấm đông trùng hạ thảo có hoạt tính chống oxy hoá mạnh, có tác dụng bảo vệ tế bào, chống lại tác dụng độc hại tế bào gây ra bởi gốc tự do (Li s.p. et al., 2003).
Viên đạn thảo dược VI - 28 gồm nhân sâm (20% trọng lượng/trọng lượng dược liệu thô), sừng hươu (20%), đông trùng hạ thảo (10%), rễ đan sâm (10%), hạt hành hoa (12%), quả xà sàng (8%), quả ngô thù (8%), và thân rễ địa liền (10%). Một số dược liệu được xay thành bột thô, một số khác được chiết xuất thành cao khô.
Trong một thử nghiệm trong 16 tuần, chế phẩm viên đạn thảo dược VI - 28 được nghiên cứu về tác dụng trên tình trạng chống oxy hoá của hồng cầu trên 31 đối tượng nam giới khoẻ mạnh từ 41 - 66 tuổi. Việc điều trị với thuốc VI - 28 trong 12 tuần (1 viên đạn 0,3g mỗi ngày trong tuần 1 - 4; 1 viên đạn cách ngày 1 lần trong tuần 5-8; 1 viên cứ 3 ngày 1 lần trong tuần 9-12) gây sự thay đổi phụ thuộc vào thời gian, liều lượng trong tình trạng chống oxy hoá ở hồng cầu.
Sự thay đổi bởi VI - 28 được đặc trưng bởi sự giảm nhẹ hàm lượng glutathion khử ở tế bào và giảm độ nhạy cảm đối với peroxy hoá lipid gây bởi peroxyd cũng như sự tăng hoạt độ của catalase và Cu - Zn - superoxyd dismutase. Trong khi nhận xét thấy xu hướng đảo ngược sự thay đổi ở hàm lượng glutathion tế bào, độ nhạy cảm đối với peroxy hoá lipid cũng như hoạt độ của catalase sau khi ngừng điều trị trong 4 tuần, thì hoạt độ của superoxyd dismutase thể hiện sự tăng kéo dài.
Các kết quả cho thấy việc điều trị với VI - 28 làm tăng tình trạng chống oxy hoá ở hồng cầu của các đối tượng nam giới. Tác dụng tốt của việc điều trị với VI - 28 trên hồng cầu có thể phán ánh một sự thay đổi tương ứng trong tình trạng chống oxy hóa ở các mô ngoại biên (Mak D.H.F et al., 2004).
- Tác dụng bảo vệ gan và thận
Ở 33 bệnh nhân viêm gan B mạn tính được điều trị vói thể sợi nấm đông trùng hạ thảo nuôi cấy, đã nhận xét thấy tác dụng cải thiện chuyển hoá protein và tác dụng hiệu chỉnh sự đảo ngược của albumin và gamma globulin (Zhou L.M. et al., 1990). Đông trùng hạ thảo có tác đụng điều trị viêm thận mạn tính, làm giảm protein niệu ở bệnh nhân viêm thận mạn tính và làm giảm mạnh lượng hồng cầu trong nước tiểu của bệnh nhân tiểu tiện ra máu [Tang w. et al., 1992: 373 - 375].
Đông trùng hạ thảo có hiệu quả bảo vệ chống lại tác dụng độc hại thận gây bởi aminoglycosid ở bệnh nhân cao tuổi và bảo vệ đối với tác dụng độc hại thận gây bởi cyclosporin A ở chuột cống trắng. Việc điều trị 30 bệnh nhân suy thận cấp tính với đông trùng hạ thảo cho thấy có sự cải thiện các triệu chứng như tăng thanh thải creatinin, tăng hemoglobin và kích thích tạo hồng cầu lưới trong xét nghiệm đếm huyết cầu, và còn có tác dụng làm giảm nitơ urea máu [Huang K.C., 1999: 263 - 264].
- Các tác dụng khác
Đông trùng hạ thảo là một thuốc bổ dưỡng trong y học cổ truyền Trung Quốc, được chứng minh là có thể làm tăng số lượng bạch cầu ở bệnh nhân suy giảm chức năng tạo huyết, và cải thiện khả năng miễn dịch của bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp hoá học hoặc liệu pháp bức xạ (Han J. 1998). Kết quả nghiên cứu lâm sàng với đông trùng hạ thảo về điều trị chứng ù tai và loạn nhịp tim đã được báo cáo [Tang w. et al., 1992- 373-375].
Cao chiết nước đông trùng hạ thảo có tác dụng chống nhận cảm đau trong thử nghiệm quặn đau gây bởi acid acetic trên chuột nhắt trắng (Koyama et al., 1997). Dược thảo này có tác dụng chống hen, gây giãn cơ trơn và có thể làm tăng tác dụng của epinephrin [Huang K.C., 1999: 263 - 264],
Cho gà con uống cao chiết nước nóng từ thể sợi nấm đông trùng hạ thảo để đánh giá khả năng thay thế avilamycin, một kháng sinh kích thích tăng trưởng. Sự tăng trưởng (biểu thị bằng sự tăng trọng lượng cơ thể), khả năng sống được, chỉ số sức khoẻ (biểu thị bởi hệ vi khuẩn ở ruột non, chuẩn độ kháng thể đối với virus gây bệnh Newcastle) của gà đã được cải thiện đáng kể trong nhóm cho uống cao chiết đông trùng hạ thảo, giống như trong nhóm cho uống avilamycin (Koh J.H. et al-, 2003). Đông trùng hạ thảo có tác dụng làm thay đổi sự ổn định nội mô của sự chết tế bào theo chương trình (Bueng E.J. et al-, 2005).
Đã xác định tác dụng in vivo của đông trùng hạ thảo và các phân đoạn chiết xuất trên sự sản sinh corticosteron trong huyết tương ở chuột nhắt trắng. Những nồng độ khác nhau của cao chiết đông trùng hạ thảo và các phân đoạn được hoà trong nước và cho chuột nhắt trắng chưa trưởng thành và trưởng thành uống trong 1, 3 hoặc 7 ngày. Xác định nồng độ corticosteron trong huyết tương bằng xét nghiệm miễn dịch phóng xạ và cân trọng lượng tuyến thượng thận và thể trọng.
Kết quả cho thấy nồng độ corticosteron huyết tương tăng lên có ý nghĩa bởi F2 (phân đoạn 2) cho uống trong 7 ngày ờ chuột nhắt trắng chưa trưởng thành, bởi cao chiết đông trùng hạ thảo cho uống trong 3 ngày và bởi F3 cho uống trong 7 ngày ở chuột nhắt trắng trưởng thành. Không có sự khác nhau về trọng lượng tuyến thượng thận, trừ trường hợp có tác dụng kích thích có ý nghĩa bời cao chiết đông trùng hạ thảo cho uống trong 3 ngày ở chuột nhắt trắng trưởng thành, và đã có tác dụng ức chế có ý nghĩa bởi cả hai cách cho thuốc: F3 cho chuột nhắt trắng chưa trưởng thành uống trong 3 ngày, và F2 cho chuột nhắt trắng trưởng thành uống trong 7 ngày.
Về thể trọng, đã nhận xét thấy tác dụng kích thích với việc cho uống cao chiết đông trùng hạ thảo trong 7 ngày, và cho uống F3 trong 3 và 7 ngày ở chuột nhắt trắng chưa trưởng thành. Trong khi đó, đã nhận xét thấy tác dụng ức chế khi cho uống F2 trong 7 ngày ở chuột chưa trưởng thành và trong cả hai cách cho thuốc trong 7 ngày ở chuột nhắt trắng trưởng thành. Các kết quả nghiên cứu cho thấy đông trùng hạ thảo và các phân đoạn của nó kích thích in vivo sự sản sinh corticosteron; tuy nhiên, có tác dụng kích thích hoặc ức chế một cách hằng định trên trọng lượng cơ thể và tuyến thượng thận (Leu S.F. et al., 2005).
Tính vị, công năng:
Đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ôn vào hai kinh phế và thận. Có tác dụng ích phế, thận, bổ tinh tuỷ, cầm máu, hoá đờm.
Công dụng:
Đông trùng hạ thảo được dùng chữa hư lao sinh ho, ho ra máu, ra nhiều mồ hôi, liệt dương, lưng gối đau mỏi, di tinh. Ngày dùng 6 - 12g.
Đông trùng hạ thảo Việt Nam, mặc dù khác với đông trùng hạ thảo nhập từ Trung Quốc, nhưng cũng được dùng như đông trùng hạ thảo Trung Quốc. Ngoài ra, người ta còn xào nấu với trứng ăn cho bổ [Đỗ Tất Lợi. 1999: 882 - 884: Lê Trần Đức, 1997: 1373)
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, đông trùng hạ thảo được dùng làm thuốc bổ trong điều trị các bệnh về phổi, ho và viêm họng. Được các thầy thuốc y học cổ truyền kê đơn dùng trị tăng nhãn áp, gây co đồng tử.
Được dùng làm thuốc bồi bổ sức khoẻ trong bệnh tim và bệnh hiểm nghèo. Dùng dạng thuốc sắc uống, liều mỗi lần 1 - 3g [Ibraghimov F.I. et al-, I960 : 113]. Được dùng làm thuốc cầm máu, tiêu chất nhầy, chống hen và long đờm trong điều trị các bệnh đường hô hấp [Tang w. et al., 1992: 373 -375].
Đông trùng hạ thảo tương đối không độc, thường được kê đơn là một chất bổ sung dinh dưỡng để nấu với thịt, và làm thuốc tăng cường miễn dịch trong điều trị bệnh nhân ung thư [Huang K.C., 1999: 263 - 264]. Đó là một trong những dược liệu hiếm và có giá trị nhất trong y học cổ truyền Trung Quốc, được dùng để nâng cao sức khỏe và sức chịu đựng, để làm giảm bớt mệt mỏi, cải thiện chức năng đường hô hấp trên và phổi và để hỗ trợ khả năng giao hợp của nam giới làm cho sống lâu (Yu R. et al., 2004).
Ở Nepal, thể quả nấm đông trùng hạ thảo được dùng trong y học cổ truyền làm thuốc kích dục và thuốc bổ, ngày uống 1 hoặc 2 thể quả nấm với sữa. Trong thú y, toàn bộ thể quả nấm cũng được dùng làm thuốc kích dục đối với gia súc chăn nuôi, đặc biệt đối với bò Tây Tạng. Cho bò uống 1g thể quả, ngày một lần, cho tới khi nào có hiệu quả [Bhattarai N.K., 1992; 1993].
Đông trùng hạ thảo cũng được dùng trong y học dân gian Nepal để điều trị liệt dương ở nam giới và tình trạng không có ham muốn tình dục ở phụ nữ (Tharakan B. et al., 2005).
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam