Dưa Bở (Cucumis melo L.)
Tên khác: Dưa ếch, điền qua, dưa mít, hương qua.
Tên đồng nghĩa: Cucumis melo L. var. agrostis Naudin
Tên nước ngoài: Sweet melon (Anh), melon (Pháp).
Họ: Bí (Cucurbitaceae).
Mô tả:
Dây leo, sống hằng năm. Thân hình trụ, dài 4 - 7m, phủ đầy lông ngắn, có tua cuốn đơn. Lá to, có cuống dài, hình tim, hơi tròn, khía thùy nông không đều và răng cưa nhỏ, gân lá hình chân vịt; cuống và hai mặt lá có lông mềm.
Hoa màu vàng, mọc ở kẽ lá gồm hoa đực và hoa cái riêng lẻ.
Quả có nhiều hình dạng khác nhau, vỏ ngoài màu lục nhạt hoặc hơi vàng, có những sọc xanh đậm, thịt màu vàng nhạt, khi chín bở mềm, thơm; hạt nhỏ màu trắng.
Thành phần hoá học:
Lá chứa cao flavon glucosid như melonid A (6c. diglucosyl apigenin), melonid L (6c digluconyl luteolin và các dẫn chất caffeoyl của chúng [Phytochemistry 1976, 15, 1053].
-
Các carotenoid: alpha caroten, beta caroten, caroten [CK. 1978, 8a, 193854 a].
-
Dưa bở còn chứa tinh dầu thành phần gồm: n hexanol, 1 octenzoI eis 3 nonen - 1 ol, n butylacetat, isobutyl acetat, 2 methyl butyl acetat, n hexyl acetat, ethyl n butyrat, ethyl - 2 - methyl butyrat, benzylacetat, beta phenethyl acetat, y phenyl propyl acetat, trans 2 - nonenal, n nonanol cis - 3 - nonen - I ol, cis 6 nonen 1 ol, các methyl este của acid linoleic và linolenic (Phytochemistry vol 12 issue 12 december 1973 pages 2921 - 2924).
-
Dầu hạt bao gồm các lipid trung tính (91,5%). glucolipid (6,4%), phospholipid (2.1%). Các lipid trung tính gồm phần lớn là triacetyl glycerol (90,7%), mono và digalactosyl diacyl - glycerol [CA. 1992, 117,6569 g].
-
Các phenolic glycosid cũng được tách từ hạt là (E) 4 hydroxycinnamyl alcohol, 4-0 - (2' - o - beta - d apio furanosyl) (1' -> 2') - beta - d. glucopyranosid cùng với benzyl - o - beta - d. glucopyranosid, 3.29 - o - dibenzoyl multiflor - 8 en - 3a, 7 beta, 29 triol và 3 - o - p - amino benzoyl - 29 - o - benzoyl multiflor - 8 en - 3a, 7 beta, 29 triol [Phytochemistry letters vol.2 issue 3. 24 August 2009 pages 130 - 133].
Người ta đã phân tích trong quả dưa có các thành phần sau: Nước 95%, protid 0,60%, lipid 0,11%, glucid 3,72%, cellulose 0,33%, tro 0,1%, đường 1,05 - 6% và các vitamin A (25 - 30000 đơn vị), vitamin B 0,03 mg, vitamin C 1,5 - 2mg, các chất khoáng p 30 mg, Ca 20 mg, Fe 0,4mg. Hạt chứa globulin, glutein, đường galactose và nhiều chất béo [Võ Văn Chi - TDCTVN, NXB Y học, 1997, tr.421].
Tác dụng dược lý:
- Tác dụng chống giun
Hạt dưa bở có tác dụng chống giun (Zinchenko et al., 1955). Tuy nhiên, hiện nay ít dùng vì đã có nhiều thuốc tẩy giun có tác dụng mạnh và lại ít độc.
- Tác dụng lợi tiểu
Cao của hạt dưa bở chiết bằng ether có tác dụng lợi tiểu (Singh et al., 1970). Cũng đã xác định được trong hạt có một chất có tác dụng ức chế enzym urease (Malhotra et al., 1978).
- Tác dụng trên RNA ribosom và trên protein
Melonin là một protein có trong hạt dưa bở có tác dụng ức chế mạnh ribosom thuộc các nguồn khác nhau, kể cả ribosom ở tế bào có nhân rải rác (prokarotic), cả ribosom ở tế bào có nhân điển hình (eukaryotic). Có thể coi melonin như một enzym thuỷ phân RNA (RNase) gây thoái biến RNA một cách phụ thuộc liều, nhưng lại không ảnh hưởng đến DNA (Rojo et al., 1995). Trong dưa bở còn có chất cucumisin là một serin - protease kiềm (alkalin serine protease), bền với nhiệt độ và có thể thủy phân protein thành peptid và aminoacid [Kee, 1999: 245]. Enzym thủy phân protein này (proteinase) có khối lượng phân tử khoảng 50000. Hoạt tính thủy phân protein tối đa ở pH kiềm. Nhiệt độ thủy phân casein tối ưu là ở 70°c và pH 7,1. Enzym này bị ức chế mạnh bởi diisopropyl fluorophosphat, bị ức chế một phần do HgCI2, nhưng không bị ức chế bởi EDTA. acid p - cloromercuribenzoic, N - tosyl - L - lysin cloromethyl ceton, N - tosyl - L - phenylalanin cloromethyl ceton và cả chất ức chế trypsin có trong hạt đậu tương (Kaneda et al.. 1975).
- Tác dụng gây nôn
Uống bột của cuống khô quả dưa bở sẽ bị nôn là do kích ứng niêm mạc dạ dày. Nếu tiêm dịch cao chiết từ bột khô hoặc dịch ép tươi của cuống quả dưa bở lại không bị nôn [Kee, 1999: 245].
- Tác dụng chống oxy hoá và chống viêm
Trong thí nghiệm in vitro, môi trường có đại thực bào phân lập từ màng bụng chuột nhắt trắng, được hoạt hóa từ trước bằng 300 IU interferon gamma (1FN - y), rồi kích thích bạch cầu sản sinh ra các gốc tự do oxy hoá và cytokin với các nồng độ khác nhau của dịch chiết dưa bở. Kết quả cho thấy dịch chiết ức chế sự sản sinh ra anion superoxyd, và tác dụng ức chế tối đa đạt được ở nồng độ 100 Microg/ml. Tác dụng chống oxy hoá này cần phải có mặt của enzym superoxyd dismutase (SOD) vì nếu để dịch chiết ở nhiệt độ cao nhằm diệt SOD thì tác dụng không còn. Trong thí nghiệm in vivo ở chuột nhất trắng, cho dùng dịch chiết 28 ngày. Vào cuối ngày dùng thuốc, tiêm phúc mạc cytokin gây viêm là IFN - y. Sau 24 giờ, phân lập lấy đại thực bào ở phúc mạc chuột nhắt trắng, rồi xác định khả năng sinh ra các gốc tự do, yếu tố hoại tử U (TNF - alpha: tumor necrosis factor - alpha) và IL - 10 (interleukin - 10). Kết quả cho thấy tác dụng chống oxy hoá và tác dụng chống viêm chỉ xảy ra ở lô uống dịch chiết phối hợp với gliadin là một protein chức năng cho SOD có trong hạt ngũ cốc (Vouldoukis et al., 2004).
- Tác dụng cải thiện chức năng gan
Cuống quả dưa bở có tác dụng làm tăng tạo glucose (glucogenesis), có tác dụng bảo vệ gan đối với nhiễm độc do carbon tetraclorid, làm giảm vàng da và có hiệu quả trong điều trị gan bị nhiễm một số chất độc [Kee, 1999: 245].
- Tác dụng trên dị ứng và phản vệ
Phản ứng phản vệ do uống rượu, đồ uống hoặc thực phẩm có rượu sau khi ăn loại quả dưa bở quả chín có thể xảy ra ở một số ít người. Tuy nhiên, nếu lả loại dưa bở mới thu hái, lại không thấy xảy ra phản vệ (Mallon et al., 1997).
Quả dưa bở cũng có thể gây ra dị ứng. Khảo sát 66 bệnh nhân bị di ứng do ăn dưa bở và 95 dị ứng do phấn hoa thấy dị ứng do ăn dưa bở chủ yếu xuất hiện ở miệng, số xuất hiện ngoài miệng là 13 (19,7%) và không thấy mày đay và phản vệ toàn thân. Dị ứng dưa bở có liên quan với dị ứng phấn hoa, vì tất cả các bệnh nhân dị ứng với dưa bở đều dị ứng với phấn hoa. Tỷ lệ người bị hen do dị ứng với phấn hoa cao hơn dị ứng với dưa bở (Figueredo et al., 2003).
Đã xác định được thành phần chính gây dị ứng ở quả dưa bở là cucumisin, một endopeptidase giống như subtilisin. Để xác định, đã lấy huyết thanh của 35 người dị ứng với dưa bở, phân tích bằng phương pháp điện di (dùng gel natri dodecyl sulphat polyacrylamid) và phương pháp miễn dịch. Kết quả đã thu được 10 băng (band) liên kết với IgE, có khối lượng phân tử 10 - 80kDa; trong đó có bốn chất chính gây dị ứng là 14 kDa, 36 kDa, 54 kDa và 67 kDa. Chất gây dị ứng có phân tử lượng 67 kDa là cucumisin. Những chất có phân tử lượng nhỏ hơn là do trong quá trình tiến triển và chuyển hoá đã bị cắt đi một số đoạn acid amin (Cuesta - Herranz, 2003).
- Tác dụng chống kết tụ tiểu cầu người
Một phân đoạn có hoạt tính được phân lập từ cao nước của dưa bở có tác dụng ức chế sự kết tụ tiểu cầu người do nhiều chất khác nhau như epinephrin, ADP, collagen, thrombin, natri arachidonat, endoperoxyd của prostaglandin. Bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng, phổ tử ngoại, phổ khối và vì tác dụng ức chế sự kết tụ tiểu cầu mất đi, nếu thêm vào đó adenosin - deaminase; do đó, có thể kết luận chất có tác dụng ức chế sự kết tụ tiểu cầu là adenosin (Altman et al., 1985).
- Tác dụng làm tăng hấp thu sắt trong bữa cơm
Uống dịch quả và ăn quả dưa bở sẽ làm tăng sự hấp thu sắt trong bữa ăn cơm. Dùng phương pháp Fe phóng xạ ở hồng cầu, nghiên cứu trên 234 phụ nữ Ấn Độ đã sinh đẻ, thấy các loại quả làm tăng hấp thu sắt từ mức vừa đến khá là quả dâu tây, quả mận, quả chuối, quả xoài, quả lê, quả dưa bở, quả dứa. Quả ổi và quả đu đủ làm tăng hấp thu sắt rất mạnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại quả không có ảnh hưởng đến hấp thu sắt như nho, đào, táo và quả bơ (Ballot et al., i 987).
- Tác dụng làm giảm Stress oxy hoá thận do đái tháo đường
Cơ chế quan trọng của đái tháo đường gây ra bệnh thận là do Stress oxy hóa thận. Oxykin là cao chiết từ quả dưa bở rất giàu superoxyd dismutase thực vật có tác dụng làm giảm Stress oxy hóa thận do đái tháo đường. Thí nghiệm được tiến hành trên ba lô chuột nhắt trắng: lô chuột bình thường không bị đái tháo đường db/m; lô chuột đái tháo đường di truyền db/db và lô chuột đái tháo đường db/db có dùng oxykin. Sau 12 tuần, nồng độ glucose huyết và thể trọng không khác nhau giữa lô chuột đái tháo đường dùng thuốc và đái tháo đường không dùng thuốc. Tuy nhiên, diện tích màng nâng cuộn mao mạch tính theo tỷ số cuộn mao mạch/cuộn tiểu cầu được cải thiện rõ ở lô dùng oxykin so với lô chuột đái tháo đường không dùng oxykin. Việc tăng albumin niệu và 8 - OHdG (8 - hydroxy deoxyguanosin) niệu vào tuần điều trị thứ 12 bị ức chế có ý nghĩa ở lô dùng oxykin. Các tế bào phản ứng miễn dịch 8 - OHdG trong cầu thận ở lô chuột đái tháo đường không điều trị nhiều hơn ở lô chuột dùng oxykin. Như vậy, oxykin cải thiện được tiến triển và tốc độ của bệnh thận do đái tháo đường đối với mô hình chuột nhắt trắng bị đái tháo đường tip 2, làm giảm Stress oxy hoá do đái tháo đường và giảm tổn thương tế bào cuộn mao mạch thận (Naito et al., 2005).
- Độc tính cấp
LD50 của cucurbitacin B ở chuột nhắt trắng dùng đường uống là 14.0 ± 3,0 mg/kg, còn đường tiêm dưới da là 1,00 ± 0,07 mg/kg. Như vậy, cucurbitacin là một chất rất độc [Kee, 1999; 245].
Tính vị, công năng:
Hạt dưa bở vị ngọt, tính hàn, có công năng tán kết, tiêu ứ, thanh phế, nhuận tràng: quả dưa bở có vị ngọt, tính trơn lạnh, hơi độc, có công năng giải khát, trừ phiền nhiệt, thông khí, lợi tiểu tiện, phòng tránh nóng vào mùa hè; cuống quả dưa bở vị đắng, tính hàn, có độc có công năng gây nôn và thông đại tiện. Tài liệu Trung Quốc cũng ghi: Cuống quả dưa bở vị đắng, tính hàn, có tiểu độc, nhưng còn ghi thêm qui kinh là vào kinh vị [TDTH, 1997, III; 399].
Công dụng:
Nhiều bộ phận của cây dưa bở được dùng làm thuốc:
Hạt dưa bở được dùng chữa kết tụ ở trường vị, ho khan, viêm ruột thừa, đại tiện táo bón. Mỗi lần ăn 10 nhân hạt, ngày 2 lần.
Cuống quà dưa bở được dùng để làm nôn các chất đờm dãi hoặc thức ăn bị ứ đọng. Ngoài ra
còn để trừ thấp nhuận tràng, các bệnh gan, vàng da và sốt rét. Liều mỗi lần 4 - 8g. sắc kỹ chia làm 2 lần uống trong ngày. Có thể tán thành bột uống, mỗi lần 0,5 - 1,5g. Để chữa đại tiện bí, lấy 7 cuống dưa bở tươi, giã thật nát; nếu là cuống dưa khô thì tán thành bột, bọc vào một lần vải phin, rồi nhét vào hậu môn.
Quả dưa còn non hoặc đã chín được dùng phối hợp để làm tăng tác dụng của thuốc khi điều trị lao, nước tiểu ít, thống phong, thấp khớp, mất ngủ, táo bón, trĩ, sỏi tiết niệu. Quả dưa cắt lát, đắp lên mặt có tác dụng bảo vệ da, dưỡng da mặt. Để làm dịu các vết bỏng nhẹ, chỗ bị viêm tấy hoặc bị đau mắt đỏ, lấy thịt quả, đắp lên chỗ bị tổn thương.
Hoa dưa bở được dùng chữa đau tim, nấc hoặc ho. Mỗi lần dùng 5 - 10g, sắc nước uống.
Lá dưa bở được dùng làm tan máu ứ, chữa đòn ngã tổn thương, sưng khớp. Ngày 20g sắc uống, nếu uống được rượu thì uống với rượu. Có thể dùng tươi, rửa sạch, giã nát, rồi đắp lên chỗ đau. Tua dưa bở được dùng khi con gái mất kinh, ngày 3 - 6g, tán bột rồi uống.
Quả dưa bở, lúc còn non được dùng làm rau ăn sống như dưa chuột, dưa gang. Còn được nấu canh, muối dua, ngâm giấm. Giá trị dinh dưỡng của quả dưa bở không cao, nhưng để ăn sống như rau thì mát, gây ăn ngon miệng lại nhuận tràng, lợi tiểu. Quả dưa bở chín được dùng ăn với đường hoặc mật để tráng miệng.
'Bản thảo cương mục' (Trung Quốc) ghi: Cuống quả dưa bở có thể gây nôn và tiết nhiều đờm dãi được dùng trong y học cổ truyền để gây nôn trong điều trị ngộ độc thuốc. Cũng được dùng để điều trị nhiễm độc gan, viêm gan cấp tính hoặc mạn tính và xơ gan (Kee, 1999: 245]. Gần đây, Trung Quốc đã sản xuất ra chế phẩm có 5% cao cuống quả dưa bở để chữa bệnh gan, với liều mỗi lần cho người lớn 3 - 5ml. Cũng đã chiết ra cucurbitacin 8 và E từ cao ethanol của cuống quả dưa bở, với liều dùng mỗi lần 0,2 - 0,3g, ngày 3 lần [Kee, 1999: 245].
Ở Indonesia, quả dưa bở được dùng làm thức ăn, cuống quả để chữa phù, làm mạnh dạ dày và gây nôn [Med herb index, 1995: 49].
Ở Ấn Độ, quả được dùng để ăn, đặc biệt là thịt quả và dịch quả là nguồn dinh dưỡng, có tác dụng làm lợi tiểu, nhuận tràng và làm đồ uống lạnh, chống khát. Dạng thuốc rửa (lotion) để điều trị eczema cấp tính, mạn tính, cũng như làm mất tàn nhang và được dùng trong trường hợp khó tiêu [Nadkarni, 1999: 402; Kirtikar et al., 1998. H: 1140].
Hạt dưa bỡ ép được một loại dầu ăn được, vị ngọt, là nguồn dinh dưỡng và có tác dụng lợi tiểu, có ích khi bị khó đái, đau khi đái. Tác dụng này thường là của tất cả hạt chi Cucumis. Rễ để gây nôn và tẩy [Nadkarni, 1999: 402].
Bài thuốc có dưa bở:
- Làm nôn ra thức ăn bị lưu đọng trong dạ dày, gây trướng đầy bụng, để tống độc ra khi bị ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc:
Điềm qua đế (cuống quả dưa bở), xích tiểu đậu, lượng bằng nhau, tán bột. Lấy đậu sị (hạt đậu đen đã chế biến làm cho mốc vàng rồi phơi hoặc sấy khô) 20 - 30g, nấu thật nhừ, bỏ bã, lấy nước làm thang để uống với thuốc bột. Thuốc bột mỗi lần 3g chiêu với nước thang uống cho đến khi nôn ra.
- Làm khạc ra đờm khi đờm dãi tắc trở ngại hô hấp:
Điềm qua đế, uất kim, hai vị lượng bằng nhau, tán thành bột, mỗi lần uống 3g với nước.
- Chữa con gái bị mất kinh:
Tua cuốn cây dưa bở, sử quân tử, cam thảo, các vị lượng bằng nhau, tán thành bột, mỗi lần uống 8g với rượu.
- Để dưỡng da mặt, bảo vệ chống da mặt bị khô:
Quả dưa bở tươi 200g, cạo bỏ vỏ và ruột, giã nát, vắt lấy dịch. Lá bạc hà tươi một nắm (50g), giã nát, vắt lấy dịch. Hòa hai dịch với nước cất hoặc nước sôi để nguội, thoa lên mặt vào buổi tối.
- Làm dễ tiêu hoá và nhuận tràng:
Quả dưa bở tươi, gọt bỏ vỏ, thái lát, trộn với một ít muối và hạt tiêu bột, ăn trước bữa ăn.
- Làm đồ ăn mát chống khát trong mùa nắng:
Thịt quả dưa bở, trộn với hạt thìa là rồi ăn [Nadkarni, 1999: 402].
Ghi chú:
-
Người bị ho khạc ra máu, người bị đái tháo đường hoặc viêm ruột, không được dùng dưa bở.
-
Trường hợp ăn dưa bở mà bị phản ứng hoặc dị ứng, lấy vỏ quả dưa vừa ăn (tốt nhất) hoặc lấy vỏ quả dưa cùng loại, sắc uống sẽ khỏi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam