Đu Đủ (Carica papaya L.)
Tên khác: Phiên qua thụ, phiên mộc, mác rẩu, mác vá, cà lào (Tày), má hống (Thái).
Tên nước ngoài: Papaya tree, papaw tree, melon tree (Anh); papayer, arbre à melon (Pháp).
Họ: Đu đủ (Papayaceae).
Mô tả:
Cây nhỏ hoặc cây nhỡ, cao 2 - 4m. Thân thẳng, không phân nhánh, mang nhiều vết sẹo do cuống lá rụng để lại. Lá to, mọc so le, tập trung ở ngọn, cuống rất dài, xẻ 5 - 7 thuỳ sâu, gốc hình tim, đầu nhọn, mỗi thuỳ lại chia tiếp thành những thuỳ nhỏ không đều, gân lá hình chân vịt, hai mặt nhẵn
Hoa màu vàng lục nhạt, mọc ở kẽ lá; hoa đực và hoa cái cùng gốc hoặc khác gốc; cụm hoa đực dài, phân nhánh thành chuỳ xim, đài hợp có 5 răng ngắn, tràng 5 cánh hàn liền hình phễu, nhị xếp thành 2 vòng trên ống tràng, nhụy tiêu giảm; cụm hoa cái có 2 - 3 hoa, dài và tràng gồm những bộ phận hơi dính nhau ở gốc, không có nhị lép, bầu 1 ô, nhiều lá noãn.
Quả mọng to, hình trứng ngược hoặc thuôn dài, khi chín màu vàng đỏ; hạt nhiều màu đen
Mùa hoa quả: tháng 5 - 10.
Bộ phận dùng:
Quả, nhựa từ quả, lá, rễ, hoa.
Thành phần hoá học:
Quả đu đủ xanh có papain, saccharose, nhiều nhựa, acid hữu cơ (acid tartric, acid malic), các vitamin B1, B2, C, carotenoid (β - caroten, γ - caroten), 5,6 - monoepoxycryptoxanthin, mutatochrom, violaxanthin, antheraxanthin, neoxanthin, cryptoxanthin.
Papain là chất bột màu trắng hoặc trắng - xám nhạt, dễ chảy nước nhẹ, không hoàn toàn tan trong nước, glycerin, không tan trong đa số các dung môi hữu cơ. Đó là protease mang nhóm -SH, mang 212 gốc acid amin, không có nửa phần là carbohydrat. Trọng lượng phân tử: 21000 - 27000.
Papain có ở lá, thân và quả, loại thương phẩm thu được từ quả xanh. Papain tinh khiết chỉ được dùng trong mục đích nghiên cứu. Papain thương phẩm hoạt động ở pH 3 - 11, thường ổn định ở pH trung tính, chịu được nhiệt độ 70° trong 30 phút. Nó chứa chymopapain, lysozym và một lượng nhỏ papaya peptidase A, lipase...
Papain dược hoạt hoá bởi các tác nhân khử (thioglycolat, glutathion, cystein, sulfid, bisulfid, thiosulfat và cyanid) và bị ức chế bởi các tác nhân oxy hoá (iodoacetat, iodoacetamid, methylbromid, N - ethylmaleimid), các ion kim loại nặng (Zn, Fe, Cu, Pb và Hg) vì các muối thuỷ ngân hữu cơ. Nến bị ức chế hoạt động do kim loại nặng, papain có thể được phục hồi do EDTA và các nhân tố khử (cystein).
Nhựa từ quả và hạt có carpain. Hạt có gluco - tropaeolin. Khi thuỷ phân, chất này cho benzyl - isothiocynat và carpasamin.
Lá chứa các alcaloid carpain, poeudocarpain và một lượng lớn cholin. Ngoài ra, còn có saponin, carposid và một số alcaloid khác (nicotin, cotinin, myosmin) ở mức độ vi lượng.
Tác dụng dược lý:
Đã thử nghiệm bài thuốc sắc gồm rễ đu đủ và 5 dược liệu khác trên chuột nhắt trắng và gà gây nhiễm Plasmodium berghei và p. gallinaceum, và thấy thuốc có tác dụng kìm hãm ký sinh trùng nhưng gây tiêu chảy nên vật chủ chết trước thời hạn. Cao lá đu đủ có tác dụng kháng khuẩn đối với Typhimurium mentagrophytes, T. rubrum và Staphylococcus aureus. Cao chiết từ vỏ quả và hạt có tác dụng kháng khuẩn đối với Staph, aureus, Bacillus cereus, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa và Shigella flexneri. Benzyl isothiocyanat là aglycon của glycotropaeolin phân lập từ đu đủ, ức chế sự sinh sôi của nhiều vi khuẩn gram âm và gram dương như E. coli, Penicillium notatum và Shigella. Lá và rễ có tác dụng kháng khuẩn yếu. Cao chiết từ đu đủ có tác dụng hơi kéo dài thời gian sống sót của phôi gà gây nhiễm virus, và ức chế sự phát triển của u vú chuột nhắt nuôi cấy.
Đã chứng minh hạt đu đủ có tác dụng diệt giun như piperazin và có thể là thuốc thích hợp để trị giun đũa và giun kim; có tác dụng đối với Toxocara transfuga, Ascaridia lumbricoides, var. suis và , Pheretima, giun kim, Aspienlaris tetraptera và A. galli. Hoạt tính diệt giun của hạt đu đủ chủ yếu do benzylisothiocyanat. Hợp chất không gây tác dụng độc (trừ tác dụng kích ứng tại chỗ). Đã chứng minh cơ chế tác dụng diệt giun của benzylisothiocyanat là do ức chế chuyển hoá năng lượng và tác động đến hoạt tính chuyển động của ký sinh trùng in vitro. Khi cho papain tác động tại chỗ tại vết rắn cắn, papain có tác dụng huỷ nọc rắn nhanh chóng.
Cao cồn của hạt đu đủ, cho thỏ uống với liều 100mg/ kg, đã có tác dạng ức chế sự rụng trứng gây bằng tiêm tĩnh mạch một liều acetat đồng 4 mg/ kg ở 20% thỏ thí nghiệm. Cao thô hạt đu đủ cho mỗi chuột cống trắng uống hàng ngày 5 mg, đã có tác dụng ức chế khả năng sinh sản ở 100% chuột đực thử nghiệm sau 40 - 60 ngày điều trị. Thuốc làm mất khả năng di động của tinh trùng ở đuôi mào tinh, gây những thay đổi về hình thái và làm giảm số lượng tinh trùng. Không thấy có thay đổi về thông số lâm sàng. Tác dụng chống sinh sản của cao hạt đu đủ có tính chất chủ yếu sau tinh hoàn, không ảnh hưởng về mặt độc chất học và về tình dục. Những tác dụng có tính thuận nghịch hoàn toàn.
Một chất xúc tác sinh học là chế phẩm thiên nhiên của Nhật Bản được sản xuất bằng cách lên men đu đủ cùng với 2 dược liệu khác và glucose. Chất xúc tác sinh học này đã có tác dụng chống oxy - hoá, thu nhặt 95% gốc hydroxyl, gốc 1,1 - diphenyl - 2 - picrylhydrazyl. Cho chuột cống trắng uống 1g / kg thể trọng chất xúc tác sinh học này đã làm giảm có ý nghĩa nồng độ những chất phản ứng với acid thiobarbituric, một chỉ số của sự peroxy - hoá lipid ở những ổ động kinh gây bởi sắt ở chuột. Chất xúc tác sinh học này có thể là một thực phẩm thuốc có ích chống peroxy - hoá lipid ở tế bào thần kinh, trong động kinh sau chấn thương và lão hoá.
Cao chiết với cồn từ lá đu đủ được nghiên cứu trong một số mô hình ung thư thực nghiệm và được chứng minh có các tác dụng ức chế sự phát triển u báng gây bởi tế bào ung thư Sarcoma TG. 180 ở chuột nhắt trắng làm giảm thể tích u báng, giảm mật độ tế bào ung thư, giảm sự sinh khối u.
Tính vị, công năng:
Quả đu đủ có vị ngọt, mùi hơi hắc, tính mát, có tác dụng làm mát gan, nhuận tràng, tiêu đờm, giải độc, tiêu thũng.
Công dụng:
Quả đu đủ chín được coi là bổ, có tác dụng giúp tiêu hoá, nhuận tràng. Trẻ em ăn đu đủ chín trong 7 - 10 ngày hoặc lâu hơn, sau khi ăn cơm chiều, thấy giun kim ra nhiều. Quả đu đủ xanh còn non, bổ đôi, hơ lửa cho nóng, rồi áp vào chỗ sưng tấy, day di day lại khi nào nguội lại hơ nóng. Quả đu đủ xanh già nấu thật nhuyễn, ngày ăn 2 lần trước mỗi bữa ăn, hoặc nạo thành sợi nhỏ, sấy khô, tán bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 - 2 thìa cà phê, để chữa đầy bụng khó tiêu, còn ăn quả non hầm với chân giò lợn để lợi sữa.
Lá đu đủ tươi giã nát, gói vào miếng gạc, đắp vào 2 bên thái dương chữa đau đầu. Nước sắc đặc lá đu đủ khô, có tác dụng sát khuẩn, dùng rửa vết thương, lở loét, và tẩy được vết máu trên vải, quần áo. Lá đu đủ tươi gói loại thịt cứng và dai trong vài giờ thì khi nấu chín, thịt sẽ chóng mềm và dừ. Nhân dân còn dùng lá đu đủ chữa ung thư. Mỗi lần hái 3 - 7 lá bánh tẻ tươi, tước nhỏ, cả cuống lá (không dùng dao thái), rồi sắc với nước, còn lại 1/3 lượng nước, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liên tục thời gian dài. Nhựa mủ từ lá và quả đu đủ dùng bôi chữa chai chân, hột cơm, nốt tàn nhang, hắc lào mới phát, eczema, vẩy nến. Còn dùng lá đu đủ đắp trị mụn nhọt, tiêu sưng tấy.
Hoa đu đủ đực tươi 10 - 20 g, trộn với đường, đường phèn hoặc mật ong, hấp cơm rồi nghiền nát, uống làm 2 - 3 lần trong ngày, để trị ho trẻ em. Rễ đu đủ chữa băng huyết, sỏi thận (sắc uống), chữa rắn cắn (giã nát vắt lấy nước uống, bã đắp vết cắn); Ngày dùng 8 -12 g.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, người viêm loét dạ dày kiêng dùng nhựa và quả đu đủ xanh.
Trong y học dân gian Ấn Độ, quả đu đủ chín làm dễ tiêu, lợi tiểu, trị đầy hơi. Sirô và rượu vang chế từ quả đu đủ có tác dụng long đờm, an thần và bổ. Nhựa mủ từ quả xanh có tác dụng trị giun sán, đặc biệt có hiệu quả trục giun đũa; đôi khi được dùng làm thuốc mỹ phẩm để chữa đốt tàn nhang và những vết khác ở da. Quả xanh có tác dụng nhuận tràng và lợi tiểu nhẹ, và có tính chất thúc đẻ. Hạt có tác dụng làm đỡ khát và diệt giun. Lá được dùng đắp trị đau thần kinh và giảm phát triển dạng phù voi. Rễ trị ghẻ cóc, trĩ và làm thuốc bổ toàn thân. Nhiều tác dụng điều trị được quy cho papain, tập trung phần lớn ở nhựa mủ của quả. Còn dùng dịch ép vỏ rễ, uống 2 thìa cà phê một lần một ngày trong 5 ngày liền để lợi sữa. Phụ nữ mang thai kiêng ăn đu đủ vì dễ bị sảy thai hoặc đẻ non.
Y học cổ truyền Indonesia dùng dịch ép lá đu đủ uống chữa sốt rét và những bệnh sốt khác; có thể phối hợp với lá đại bi. Lá đu đủ cũng có trong bài thuốc sắc uống chữa lao. nhựa mủ và rễ được dùng trị giun, đặc biệt giun kim. Rễ giã nát, trộn với hạt tiêu, đắp lên trán trị cảm sốt vì cúm. Rễ đu đủ còn chữa viêm màng bụng.
Ở Nepal, nhựa mủ đu đủ bôi trị bọ cạp cắn. Ở Nigiêria, nước sắc lá đu đủ trị sốt rét cho người và làm thuốc tẩy cho ngựa. Nước sắc lá trị ghẻ cóc, trĩ; nước hãm rễ lại trị giang mai. Quả non cắt làm đôi, đắp trên lách to để làm nhỏ lại. Nhựa mủ của quả có tác dụng rút mủ ở các nhọt. Hạt đu đủ là thuốc trị đầy hơi và chống kích thích. Ở Peru, quả đu đủ băm nhỏ dùng
ngoài chữa vết thương, chống nhiễm khuẩn tại chỗ, làm lột da. Uống nước ngâm quả để trị giun và chữa viêm ruột trẻ em. Nước hãm lá uống gây hạ huyết áp, làm dễ tiêu. Ở Haiti, nhân dân uống dịch ép quả để trị tăng huyết áp, uống nước ngâm rễ trị viêm niệu đạo, đắp lá nấu chín trị thấp khớp, chấn thương, bong gân. Bôi nhựa mủ vào răng hoặc súc miệng bằng nước sắc lá trị đau răng.
Bài thuốc có đu đủ:
- Chữa sai khớp, bong gân:
Đu đủ xanh, lá na, mỗi vị 10 g; muối ăn, vôi tôi, mỗi vị 5 g. Giã nhỏ cho vào gạc đắp lên chỗ sưng đau và băng lại, sau khi đã nắn chỉnh hình khớp.
- Chữa rắn độc cắn:
a. Lá đu đủ, ré chỉ thiên, lá hoặc quả ớt, mỗi vị 50g. Rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp vào vết rắn cắn.
b. Rễ đu đủ đực 20 g, lá xuyên tiêu 10 g, hồng bì 5 hạt. Tất cả giã nhỏ, thêm nước, gạo uống, bã đắp.
- Chữa ho, viêm họng:
Hoa đu đủ đực 15 g; xạ can, củ mạch môn, lá húng chanh, mỗi vị 10g. Cho dược liệu vào một bát nhỏ,
thêm ít muối, hấp cơm rồi nghiền nát, ngày ngậm 2 - 3 lần, nuốt nước dần dần.
- Chữa ho gà:
Hoa đu đủ đực, vỏ quýt lâu năm, vỏ rễ dâu, mỗi vị 20 g; bách bộ, phèn phi, mỗi vị 12 g. Hoa đu đủ sao vàng, rễ dâu tẩm mật sao. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3 lần. Trẻ em 1 - 5 tuổi, mỗi lần 1 - 4 g; 5 -10 tuổi, 5 - 8 g.
- Chữa áp xe, sưng tấy, ứ máu:
Quả đu đủ non to bằng quả trứng, rửa sạch bằng nước muối, giã nhỏ với một củ tỏi, đắp lên chỗ áp xe và băng lại. Ngày làm 2 lần. 6. Chữa lở mặt, lở đầu:
Nhựa quả đu đủ xanh 1 g, trộn với bột hàn the và nước, bôi hàng ngày chữa lở mặt, lở đầu.
- Thuốc lợi sữa:
Đu đủ xanh, lá sung, mỗi vị 50 g, chân giò lợn 1 cái, gạo nếp 100 g. Chân giò lợn cạo lông, rửa sạch, chặt thành miếng nhỏ. Đu đủ gọt vỏ, bỏ hột, thái nhỏ. Lá sung rửa sạch, băm nát. Tất cả hầm nhừ với gạo nếp, dùng ăn trong một ngày, chia 2 lần. Dùng vài ngày.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam