Rau Ngót (Sauropus androgynus (L.) Merr.)

Tên khác : Bồ ngót, chùm ngọt, hắc diện thần, phjăc ót (Tày), phiéc bón (Thái), lày can ton (Dao).
Họ : Thầu dầu (Euphorbiaceae)

Mô tả:

Cây nhỏ dạng bụi, mọc đứng, luôn xanh, cao 0,8 - 1,2 m. Cành nhiều, mảnh, khóc khuỷu, màu lục xám. Lá mọc so le, lúc đầu hình vảy, sau phát triển to thành hình bầu dục hoặc hình trứng, phiến mỏng xếp thành hai dãy, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới rất nhạt; lá kèm nhỏ, hình tam giác nhọn đầu; cuống lá rất ngắn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim, gồm hoa đực và hoa cái hoặc chỉ có hoa cái; hoa đực có đài màu vàng điểm chấm đỏ, 6 thùy nông, không có cánh hoa, nhị 3 tập hợp thành cột rất ngắn, bao phấn không cuống; hoa cái có đài màu vàng hoặc đỏ tía, có 6 thùy sâu tồn tại khi thành quả. không có cánh hoa, bầu hình trứng, 3 ô.

Quả nang, hình cầu, hơi dẹt, màu trắng, mang dài tồn tại, hạt màu đen, có 3 cạnh.

Mùa hoa quả : tháng 9 -11.

Bộ phận dùng:

Lá, rễ.

Thành phần hóa học:

Rau ngót giàu chất dinh dưỡng với hàm lượng protein cao; 100g phần ăn được chứa nước 79,8g, protein 7,6g, chất béo 1,8g, carbohydrat 6,9g, chất xơ l,9g, vitamin A 10.000 đơn vị quốc tế, vitamin B1 0,23 mg, vitamin B2 0,15 mg, vitamin C 136 mg, Ca 234 mg, P 64 mg, Fe 3,1 mg (PROSEA 8, Vegetables, 1994).

Theo tài liệu khác, 100g phần ăn được của rau ngót chứa nước 86,4g, protein toàn phần 5,3g, carbohydrat 3,4g, Na 28 mg, K 503 mg, Ca 169 mg, P 64,5 mg, Fe 2,7 mg, vitamin A 1037 mcg, (β-caroten 6220 mcg, vitamin B1 0,07 mg, vitamin B2 0,39 mg, vitamin PP 2,2 mg, vitamin c 185 mg, lysin 160 mg, methionin 130 mg, tryptophan 50 mg, phenylalanin 260 mg, threonin 340 mg, valin 170 mg, leucin 240mg, isoleucin 170 mg (Thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam, 1995).

Tính vị, công năng:

Lá rau ngót có vị ngọt, tính mát. Rễ có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lương huyết, hoạt huyết, giải độc, lợi tiểu.

Công dụng:

Rau ngót một loại rau ăn bổ, mát. Ở Ấn Độ, rau ngót được coi là một cây rau đa sinh tố (multivitamin green). Ở Việt Nam, theo kinh nghiệm dân gian, lá rau ngót được dùng chữa bệnh như sau :

  • Chữa sót rau : Lá rau ngót tươi 40g, rửa sạch, giã nát, thêm nước đun sôi để nguội, gạn lấy 100 ml nước chia làm 2 lần, uống cách nhau 10 phút. Sau khoảng 15 - 30 phút phần rau còn sót lại sẽ bị tống ra. Cũng có thể dùng lá tươi giã nát đắp vào 2 gan bàn chân.

  • Chữa tưa lưỡi: Lá rau ngót tươi 5 - 10g, giã nát vắt lấy nước, thấm vào bông hay vải gạc đánh lên lưỡi, lợi và vòm miệng. Chỉ sau 2 lần trẻ lại bú được.

  • Chữa đái dầm : Lá rau ngót tươi 50g, rửa sạch, vò vào nước đã đun sôi để nguội, mỗi lần uống một bát. Uống vài lần sẽ có kết quả.

Ngoài ra, rau ngót 30g, phối hợp với nõn cây dứa ăn quả 20g, rệp 7 - 9 con, giã nát, thêm nước gạn uống, bã đắp chữa rắn độc cắn.

Ở Ấn Độ, nước sắc rễ rau ngót, chữa sốt, tiểu tiện khó, chẹt bàng quang, lá và rễ tươi giã nát đắp ngoài chữa chứng viêm loét mũi.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post