Sả (Cymbopogon spp.)

Tên khác: Cỏ sả, hương mao, sả chanh, cà phéc (Tày), phắc châu (Thái), chà gụn (Dao), mờ b'lạng (K'Ho).
Tên nước ngoài: Lemon grass, ginger grass, citronella grass, citron-grass (Anh); citronelle, herbe de citron, verveine des Indes occidentales (Pháp).
Họ: Lúa (Poaceae).

Mô tả:

Sả có nhiều chủng loại khác nhau. Một số loài đang được trồng phổ biến và sử dụng nhiều ở Việt Nam

  1. Cymbopogon nardus (L.) Rendl. Sả thân xoè, sả chanh.

Cây thảo, sống lâu năm, cao đến 2 m. Thân ngắn có đốt. Lá hình dải, ngắn hơn dóng thân, phẳng, gốc hẹp, đầu nhọn, dài 55 - 75 cm, rộng 2,2 - 2,5 cm, mép sắc, không lông hoặc có ít lông ở phần gốc; bẹ lá thuôn dài.

Cụm hoa mọc thành chùy dài 60 - 80 cm hoặc hơn; bông giả hình chùm không đều, xếp từng đôi một, có một gié dài, một gié ngắn, có đốt ngắn; hoa màu tím hoặc nâu hồng, hoa lưỡng tính hình mác nhọn, không có râu gai; hoa đực có cuống, hình ellip hoặc hình mác, đỉnh có hai răng ngắn, mép có lông, nhị 3, bao phấn 2 ô, xếp song song, bầu nhẵn, khi khô màu nâu sẫm.

Mùa hoa : tháng 12 -1.

  1. Cymbopogon pendulus Stapf.

Cây thảo, mọc thành bụi, cao 2m hoặc hơn. Lá có bẹ dài ôm thân, có khía dọc màu hồng hoặc màu lục; lưỡi bẹ mỏng, dễ gãy, phiến lá hình dải dài 0,7 -1 m, gân giữa màu trắng, không lông, hai mặt ráp, mép sắc.

Cụm hoa mọc thành chùy dài hơn 50 cm, chia nhánh đều nhau, mảnh và có đốt; hoa lưỡng tính không cuống, màu nâu hồng, có râu gai; hoa đực có cuống dạng máng nông, có lông, màu tím hồng, đỉnh có 2 răng nhọn, mép mỏng cong, nhị 3, bao phấn 2 ô xếp song song, bầu nhẵn. Mùa hoa : tháng 1 - 2.

  1. Cymbopogon tortilis A. Camus. Sả chanh Ấn Độ

Cây thảo, sống lâu năm, cao 0,5 - 1 m, khi có hoa cao 1,5 - 1,6 m. Thân có lông trắng ở các mấu, màu vàng hay phớt hồng. Lá hình dải, dài 30 - 50 cm, rộng 0,6 - 1,2 cm; bẹ lá màu tím, không lông, có sọc, lưỡi bẹ dạng vảy mỏng.

Cụm hoa mọc thành chùy to, dày, dài 50 - 60 cm hay hơn, bông giả xếp đôi một, lúc non mọc thẳng đứng, sau hơi choãi ra, màu tím hoặc nâu hồng, có đốt. hoa màu hồng nhạt hay tím nhạt; hoa lưỡng tính không cuống, hình mác nhọn, có râu gai cong, hoa đực có cuống hình máng, có lông trắng, không có râu gai, nhị 3, bao phấn 2 ô xếp song song; bầu nhẵn. Mùa hoa : tháng 10 -12.

  1. Cymbopogon flexuosus Stapf.

Cây thảo, dạng bụi, cao 1,6 m (chưa có hoa), 2 - 2,5 m (khi có hoa), có dóng dài. Lá hình dải, dài 0,6 - 1,2 m, rộng 1,5-2 cm, ráp ở hai mặt, bóng, mép sắc, không lông, bẹ lá màu tím, có sọc, lưỡi bẹ mỏng, màu tím.

Cụm hoa mọc thành chùy, dài 60 - 70 cm, chia nhiều nhánh nhỏ, dài và cong; gié dài 1,5 - 1,6 cm; hoa màu tím hồng; hoa lưỡng tính không cuống, hình mác nhọn, có râu gai; hoa đực có cuống dạng máng, hình mác; nhị 3, bao phấn 2 ô xếp song song, bầu nhẵn. Mùa hoa : tháng 11 -12.

  1. Cymbopogon martinii Stapf.

Cây thảo, cao 1,5 - 2 m, có dóng dài. Lá hình dải, dài 20 - 30 cm, rộng 0,5 - 1 cm, ráp ở hai mặt, mép sắc, không lông; bẹ lá ôm thân, không lông.

Cụm hoa là một chùy, chia nhiều nhánh mảnh, dài; hoa dài, hình mác nhọn, màu hồng đỏ, trắng hoặc nâu.

Loài sả này có mùi thơm như hoa hồng, nên được gọi là sả hoa hồng hay sả Palmarosa

Thứ Cymbopogon martinii var. sofia được nhập từ Ấn Độ đã phân chia thành nhiều dạng: dạng thân lá tím, dạng thân lá trắng; cây mang hoa phấn trắng, cây mang hoa phấn đỏ, phấn hồng; dạng có cụm hoa hình bông đơn, dạng có cụm hoa bông kép...

Bộ phận dùng:

Toàn cây sả dùng tươi hoặc phơi khô. Riêng đối với rễ, rửa sạch, cắt thành đoạn 3 - 5 cm (rễ con) hoặc thái lát 2 - 3 mm (rễ to, thường gọi là củ) phơi âm can đến khô.

Thành phần hóa học:

  • Cymbopogon nardus : chứa 1 - 2% tinh dầu màu vàng nhạt, thơm mùi chanh với thành phần chủ yếu là citral (65 - 85%), geraniol (40%) (Võ Văn Chi - Từ điển cây thuốc Việt Nam - 1999).

Tinh dầu sả Ấn Độ có hàm lượng tinh dầu là 0,2%, tỷ trọng 0,865 - 0,961, [beta]D : 0o,10' - 2°40' thành phần chính là citral (54 - 87%); ngoài ra, còn citronellal, geraniol và myrcen. Tinh dầu sả Srilanca có 76 - 86% citral.

Tinh dầu sả không phải luôn luôn tan trong cồn 70%. Loại tinh dầu mới cất dễ tan hơn loại đã bảo quản lâu ngày. Sự có mặt của myrcen làm giảm độ tan của tinh dầu. Trên thị trường hương liệu, loại ít tan trong cồn 70% có giá rẻ hơn (The Wealth of India, Vol II, 412).

IL Idrissi, A, BellaKhdar J đã phân tích tinh dầu sả của morocco và tách được 34 thành phần, trong đó chủ yếu là geranial (39,8%) và neral (32%). (CA. 121, 1994,212612 t).

Torres Rosalind c, Ragadio Arlena G phân tích tinh dầu sả ở Philippin thấy thành phần chính là citral 69,39%; ngoài ra, còn có geraniol, myrcen, beta, (3 pinen, laurat ethyl, 1,8 cineol limonen, linalool, caryophylen, menthol terpineol và citronellol (CA. 126,1997, 334188 h).

De Matouschek. B. V. Stahl. Biskup E đã tách từ lá sả chanh các chất luteolin - 7 - o - neohesperosid, luteolin, homoorientin, luteolin 7 - o - β. glucosid; 2' - o - rhamnosylhomoorientin cùng với các chất acid chlorogenic, acid cafeic, acid p. coumeric, các đường fructose và sucrose, các alcol octacosanol, triacontanol, và dotriancontanol (CA. 116, 1992, 80441 W).

Chất myrcen trong sả chanh có tác dụng làm giảm đau ngoại biên (peripheral analgesic effect) (Lorenzetti, Berenice; CA. 116,1992, 504 d). Còn chất d. limonen có tác dụng phòng chống ung thư (CA. 118,1993,73224 r).

Ibrahim Darah đã chứng minh tinh dầu sả chanh ức chế sự phát triển của 42 loại vi khuẩn (CA. 120, 1994,212396 e).

  • Cymbopogon flexuosus: Lá chứa tinh dầu (0,4%) acid geranic, Citral, p cymen, myrcen, methylheptenon, salicylat geranyl. Tinh dầu này là nguồn chiết xuất citral (Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam 1999, tr. 1012).

Tinh dầu sả c. flexuosus của Ấn Độ có tỷ trọng 0,895 - 0,908; nD = 1,483 - 1,489; [beta]D +1°30' đến -5o, hàm lượng citral 65 - 85% tan trong 3 thể tích alcol 70% (The Wealth of India vol II, p. 413). Nath, Subthan c, đã phân tích tinh dầu loại sả này trồng ở Đông Bắc Ấn Độ bằng GC/M5 thấy có 25 thành phần đã được xác định, trong đó những thành phần chính là geraniol 30,5%, citronellol 24,1%, neral 10,3% và geranial 13,6% (CA. 121,1994, 78293 j).

Một chemotype của c. flexuosus var. GRL-1 rất giàu hàm lượng geraniol đã được Patra V. K, Crivastava R. K đưa vào sản xuất. Loại này được lai tạo từ sả hoa hồng c. martinii var. Sofia. Hàm lượng geraniol là 70,37%. (Planta medica 1990, 56 (2) 239- 40); CA. 113,1990, 947981).

  • Cymbopogon martinii Stapf. var Sofia cho tinh dầu mùi hoa hồng với tên gọi là tinh dầu palmarosa trên thị trường thế giới. Thành phần chính của tinh dầu là geraniol chiếm 70 - 95%. Ở Việt Nam, loại sả này được nhập từ loại sả ở Ấn Độ. Sả cho tinh dầu ở thời kỳ ra hoa là 1,22 -1,24%.

Tinh dầu có các chỉ số hóa lý : d24 : 0,889; nD24 = 1,4735; betaD24 +2°. Geraniol tổng số 95% geraniol tự do 71%, geranyl ester 24%. (Lê Tùng Châu và các tác giả - Công trình nghiên cứu khoa học, Viện Dược liệu, 1972 - 1986 trang 184).

Theo Võ Văn Chi, sả hoa hồng chứa 0,4 - 0,6% tinh dầu vói thành phần chủ yếu là geraniol 75 - 90%; ngoài ra, còn acetat, caproat geranyl, dipenten, methyl heptenon, farnesol. c. martinii var. Sofia có thành phần là geraniol kèm theo phelandren, limonen, dipenten, carvon, dihydrocuminic, carvon và một số aldehyd có mùi giống heptaldehyd và citronellol (Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam - 1999 - 1013).

Mathela CS; Lobani; Hema, Pande đã phân tích hệ thống hóa học các terpenoid trong sả hoa hồng var. Sofia thấy chứa các dạng cis và trans của các p. mentha - 1(7) 8 - dien zol, các piperitol p. mentha - 2.8 dien, carveol, carvon và limonen. Thành phần của p. menthadienol là tính chất đặc trưng của tinh dầu - (CA. 108.1988,201726 p)

Shoo - s. Kamingo s. p đã cải tiến một số giống sả palmarosa là IW. 31245; RRI (B) 77 và IW. 3630, đã thu được sản lượng tinh dầu cao là 104.618; 100,997 kg tinh dầu/ha/năm với hàm lượng geraniol là 93,352; 95,453 và 94,322% (Theo thứ tự kể trên) (CA. 109 1988, 167 425 y).

Bottini Albeit T. đã xác định cấu trúc một chất dihemiacetal bis monoterpenoid từ tinh dầu sả hoa hồng là [2R - (2beta, 4aβ, 5aβ, 7beta, 9aβ] octahydro - 2,7, bis (1 methyl ethenyl) - 5aH, 10aH, 4beta, 9beta ethanodibenzol (b, e) - (1-4] dioxin - 5beta - 10beta diol. (I: Cymbodiacetal). (CA. 107, 1987, 233081 v).

  • Cymbopogon pendulus: Đây cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng để lấy citral.

Sharma J. R; Zal. R. K đã cải tiến 1 giòng c. pendulus - 29 và thu được 127 lít tinh dầu/ha với hàm lượng 82% citral. Giống 29 là tetraploid với tỷ lệ lá/thân khá cao (CA. 190,1987,192727 u).

Tác dụng dược lý:

Tinh dầu sả có tác dụng kháng khuẩn in vitro trên các chủng vi khuẩn theo thứ tự hoạt tính giảm dần : Bacillus subtilis. Bacillus mycoides, Shigella dysenteriae, Proteus vulgaris, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lao (giảm độc). Shigella flexneri, liên cầu khuẩn tan máu, tụ cầu vàng, Salmonella typhi, E. coli. Citronellal và geraniol là 2 thành phần chính có tác dụng kháng khuẩn. Tinh dầu sả diệt Entamoeba moshkowskii với nồng độ ức chế tối thiểu 1:1.280. Geraniol có cùng nồng độ ức chế thấp nhất trên amip như tinh dầu sả.

Ở nồng độ 0,10 - 0,25%, sả có tác dụng rõ rệt kháng các nấm Aspergillus niger, A. flavus, A. oryzae, A. sp, Penicillium citriorum, p. coryliphilum, p. janthannellium, p. sp, Rhizopus sp, Mucor sp, Botrytis sp, Circinella sp. và Mycelia sterillia. Sả có tác dụng kháng khuẩn và kháng các men yếu.

Trong thử nghiệm in vitro đánh giá về hoạt tính kìm hãm nấm và diệt nấm, sả có tác dụng đáng kể đối với các chủng nấm Candida spp., Aspergillus fumigatus, Microsporum canis, M. gypseum, Trichophyton mentagrophytes, T. interdigitale, và T. rubrum. Tác dụng mạnh nhất trên Candida albicans và M. gypseum. Citral và citronellal có hoạt tính kháng nấm tốt trong khi dipenten và myrcen không có tác dụng. Ở chuột cống trắng được uống nước sắc lá sả trong 2 tháng, với liều lớn gấp 20 lần liều dùng cho người, không thấy biểu hiện độc, cả đối với chuột khi phối giống và trong thời kỳ thai nghén. Tinh dầu sả ở nồng độ thấp nhất 2% có tác dụng làm chết giun lợn sau 130 phút trong thử nghiệm in vitro. Tinh dầu sả hoa hồng có nồng độ ức chế thấp nhất trên Trichomonas vaginalis là 150 µg/ml trên 2 chủng phân lập từ bệnh nhân nhiễm Trichomonas.

Tinh dầu sả làm giảm co thắt cơ trơn ruột chuột lang cô lập gây bởi histamin, đồng thời làm giảm tỷ lệ vỡ của dưỡng bào màng treo ruột chuột lang, khi tiêm tĩnh mạch nọc rắn hổ mang hoặc nhỏ dung dịch nọc rắn hổ mang lên màng treo ruột chuột.

Sả có trong thành phần một bài thuốc được dùng để dập tắt những vụ dịch ho gà có kết quả tốt. Tại 6 xã có dịch, 1157 bệnh nhân đều được chữa khỏi. Nước sắc 10 - 20% lá sả được thử nghiệm trên huyết áp động mạch chuột cống trắng, hiệu suất tiết niệu và phù gáy bằng caragenin ở bàn chân chuột cống trắng; nước sắc tiêm tĩnh mạch có tác dụng hạ huyết áp có phần phụ thuộc vào liều, và khi cho uống có tác dụng lợi tiểu và chống viêm yếu. Nước hãm lá sả với liều gấp 40 lần liều tương đương dùng cho người, hoặc liều citral 200 mg/kg tiêm phúc mạc gây hạ thân nhiệt của chuột cống trắng bình thường hoặc chuột gây sốt bằng tiêm trước chất gây sốt. Nước hãm lá sả với liều gấp 20 - 100 lần liều tương đương dùng cho người, hoặc liều citral 200 mg/kg tiêm phúc mạc có tác dụng làm giảm sự vận chuyển than trong ruột chuột nhắt trắng và làm giảm đại tiện ở chuột cống trắng. Nước hãm lá sả và citral 50 - 100 mg/kg làm giảm hoạt động tự nhiên ở chuột nhắt trắng. Tiêm phúc mạc 100 mg/kg, citral có tác dụng hợp đồng kéo dài giấc ngủ gây bởi barbiturat

Cho chuột cống trắng ăn dài ngày với chế độ ăn có thêm các nồng độ khác nhau của tinh dầu sả tính theo thể trọng. Sau 60 ngày, các chuột thử thuốc tăng thể trọng rõ rệt hơn vì ăn thức ăn nhiều hơn so với đối chứng. Không thấy có sự khác biệt có ý nghĩa trong các thông số theo dõi : hemoglobin, phosphatase, kiềm, số lượng và công thức bạch cầu, glucose, protein, cholesterol, urê, các transaminase GOT, GPT trong máu giữa các lô chuột thử thuốc và đối chứng.

Sả không gây tác dụng độc hại khi cho chuột cống trắng đực uống nước hãm lá sả trong 2 tháng với liều gấp 20 lần liều tương đương dùng cho người. Không thấy có tác dụng độc hại khi cho chuột cống trắng đực và cái và các chuột con đẻ ra khi cho chuột bố mẹ uống nước sắc lá sả trước khi cho giao phối và trong thời kỳ mang thai.

Tính vị, công năng:

Sả có vị the cay, mùi thơm, tính ấm, vào phế, tỳ, vị, có tác dụng làm ra mồ hôi, thông tiểu, hạ khí tiêu đờm.

Công dụng:

Sả được dùng chữa cảm sốt, đau bụng, đi ngoài, đầy hơi, trướng bụng, nôn mửa, trẻ em kinh phong, ho, viêm phổi, thủy thũng, ngộ độc rượu. Ngày dùng 8 - 12g lá và rễ dưới dạng thuốc xông hay thuốc hãm uống. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Rễ sả giã nát, xát vào vết chàm chữa chàm mặt ở trẻ em. Lá sả nấu nước gội đầu làm sạch gầu, trơn tóc, tránh bệnh về da đầu. Tinh dầu sả dùng trừ muỗi, khử mùi hôi tanh, dùng xoa ngoài chống cúm, phòng bệnh truyền nhiễm. Có thể dùng tinh dầu sả uống dưới dạng giọt, mỗi lần 3 - 6 giọt pha trong sirô và nước thành nhũ tương để chữa đầy bụng, đau bụng, thông trung tiện, chống nôn, và trị tiêu chảy.

Ở một số nước châu Âu, nước sả có đường được dùng làm nước giải khát. Tinh dầu sả phối hợp với nhiều loại tinh dầu khác dùng xoa bóp làm giảm đau xương, đau mình, chữa tê thấp. Bôi trên da hoặc phun trong nhà, tinh dầu sả có tác dụng đuổi muỗi và các loại côn trùng khác như dĩn, ruồi, bọ chét. Ở Ấn Độ, sả được dùng để làm thơm thức ăn, nước hãm sả dùng để giải khát. Ở Pakistan, nước hãm lá sả là thuốc dễ tiêu, thông trung tiện và chống co thắt. Ở Braxin, sả làm dịu, lợi tiểu, để ổn định huyết áp, điều trị rối loạn tiêu hóa và hạ sốt; dưới dạng nước hãm lá tươi hoặc khô. Ở Peru nước hãm lá sả uống làm thuốc dễ tiêu, bổ, thông trung tiện, và thuốc sắc để ngừa thai. Ở Cu Ba, lá sả được dùng để hạ áp và chống viêm. Ở Nigiêria, để chữa sốt, nhân dân dùng nồi thuốc xông gồm 3 thứ lá : sả, đu đủ và ổi, để bổ sung cho việc điều trị bằng thuốc uống.

Ở Indonesia, sả được dùng uống để điều trị thiếu máu, trong bài thuốc gồm dịch ép sả trộn với nghệ và chỉ xác. Liều quá cao gây tác dụng phụ buồn ngủ. Rễ sả phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa bệnh vàng da, đau bụng dưới dạng thuốc sắc và làm thuốc súc miệng chữa đau răng. Nhân dân Haiti uống nước sắc lá để chữa đau dạ dày.

Bài thuốc có sả:

  1. Chữa bụng trướng to, chân tay gầy gò:

Cây sả, diêm tiêu, vỏ bưởi, xạ hương, quế, bồ hóng, hồi hương, trạch tả, mộc thông, cỏ bấc, sắc cách thủy mà uống. Kiêng ăn cơm nếp và muối mặn. Uống thuốc này thì tiêu nước, hết trướng. Nên ăn vài khúc mía trước khi uống thuốc, nhả bã, nuốt nước để đỡ khé cổ.

  1. Chữa cảm cúm, cảm lạnh, sốt gai rét không có mồ hôi:

Tinh dầu sả, 10 - 15 giọt, uống với một chén nước nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.

  1. Thuốc xông giải cảm:

a) Lá sả, lá bưởi, lá chanh, cúc tần, hương nhu hay lá bạch đàn, mỗi thứ một nắm, đậy kín nồi, đun sôi một lúc, trùm chăn xông hơi cho ra mồ hôi rồi lau khô, sau đó uống một bát nước thuốc, đắp chăn nằm ngủ, ra thêm ít mồ hôi nữa sẽ khỏi.

b) Lá sả, lá bưởi, tía tô, bạc hà, kinh giới, mỗi thứ một nắm, đun sôi, xông trong 5 -10 phút.

  1. Chữa tiêu chảy:

a) Rễ sả 6g, củ gấu 10g, vỏ rụt 8g, vỏ quýt 6g, hậu phác 6g. Sắc đặc uống làm nhiều lần trong ngày.

b) Rễ sả, củ gừng, mỗi thứ 10g. sắc đặc, uống làm 2 lần trong ngày.

  1. Chữa tiêu chảy nước nhiều:

Rễ sả 16g, búp ổi 8g, củ riềng 8g. Sao qua, sắc đặc uống. Phối hợp với truyền nước nếu mất nước nhiều, rối loạn điện giải.

  1. Chữa phù nề chân, đái ít, thấp thũng:

Lá sả 2 nắm, cỏ xước một nắm, rễ cỏ tranh hoặc bông mã đề một nắm, sắc uống 3 ấm.

  1. Chữa ho:

Bách bộ bỏ lõi thái nhỏ sao khô 500g, mạch môn bỏ lõi 300g, tang bạch bì tẩm mật sao vàng 200g (3 vị này sắc và cô thành 300 ml cao lỏng); rễ sả, trần bì, sinh khương, tô tử, mỗi vị 250g (4 vị này giã nát ngâm rượu 40° vừa đủ để được 200 ml rượu thuốc. Trộn lẫn cao lỏng và rượu thuốc. Mỗi lần uống 10 ml, ngày 2 - 3 lần.

  1. Chữa đau dạ dày:

Rễ sả già sao 6g, cám gạo (rang cháy khét) 12g; hương phụ sao 10g; hậu phác (tẩm gừng sao) 6g; thạch xương bồ, củ riềng (nướng lùi), mỗi vị 4g; dạ dày lợn 1 cái (sấy khô giòn, tán chung với các vị thuốc). Ngày uống 12g bột thuốc.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post