Ve Sầu (Cryptotympana japonica Kate)

Tên nước ngoài: Cicada (Anh), cigale (Pháp)
Họ: Ve sầu (Cicadidae)

Mô tả:

Loài côn trùng có vỏ cứng và có cánh với kích thước 3 - 4 cm chiều dài. Đầu to có mắt kép lớn, râu ngắn. Ngực và lưng hơi gồ lên. Bụng có mút nhọn chia 5 - 6 đốt, ở đốt thứ nhất của ve sầu đực, hai bên có cơ quan phát tiếng kêu màu vàng. Cánh dạng màng xếp úp hình mái nhà. Toàn thân màu nâu vàng.

Nhiều loài khác như Cryptotympana pustulata Fabricius, C. atrata Fabricius (ve sầu đen) cũng được sử dụng.

Bộ phận dùng:

Xác ve sầu, tên thuốc trong y học cổ truyền là thuyền thoái, thiền thoái, thuyền y hay thiền thuế, thu nhặt vào tháng 6 - 7. Xác ve rừng hay ve sống ở thành phố, làng mạc, xác lột còn bám trên thân cây to, trên mặt đất hay trôi theo các dòng sông, suối đều dùng được. khi lấy xác, cần gỡ nhẹ tay và đựng trong những lọ rộng, tránh ép mạnh hay lèn chặt làm xác bẹp, vụn nát. Rửa sạch, phơi khô.

Dược liệu có dáng cong, chân quặp lại, dài khoảng 3 cm hoặc hơn. Ở lưng có một vết rạch dọc, mép cuộn vào trong. Đầu thót lại, hai mắt lồi ra, miệng rộng, môi trên ngắn, môi dưới kéo dài thành vòi. Các đôi chân quặp lại, chan trước to khoẻ, có răng đều, có lông nhỏ màu nâu vàng. Bụng phồng tròn, có nhiều đốt, đuôi thuôn tù hoặc hơi nhọn. Thể nhẹ, rỗng, chất mỏng mềm, màu vàng nâu bóng, sạch đất cát, dễ vụn nát.

Khi dùng cho xác ve sầu vào nước sôi, khoả nhẹ và ngắt bỏ đầu và chân.

Thành phần hóa học:

Xác ve sầu chứa chất kitin

Tính vị, công năng:

Xác ve sầu có vị mặn, ngọt, không mùi, tính lạnh, vào 2 kinh can và phế, có tác dụng thanh nhiệt, tán phong, chống viêm, tiêu thũng, thúc sởi.

Công dụng:

Theo kinh nghiệm dân gian, xác ve sầu được dùng chữa sốt, ho, cảm, mất tiếng, viêm tai giữa. Ngày 3 - 6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.

Dùng ngoài, xác ve sầu chữa phù thũng, sang lở.

Phụ nữ có thai không được dùng.

Bài thuốc có ve sầu:

Dùng ở Việt Nam:

Theo Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu):

  1. Chữa chứng hay đau đầu, chóng mặt:

Xác ve sầu sao qua, tán nhỏ, mỗi lần uống 4g với rượu hoặc nước ấm.

  1. Chữa mắt có màng mộng:

Xác ve sầu và cúc hoa với lượng bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8 - 12g với nước có hoà ít mật ong.

  1. Chữa da khô, nóng ngứa:

Xác ve sầu, tổ ong (nướng lên), lượng bằng nhau, sao vàng, tán bột. Mỗi lần uống 4g với rượu. Ngày 3 lần.

  1. Chữa trẻ ho, thở gấp:

Xác ve sầu và củ nghệ, lượng bằng nhau, tán nhỏ, rây bột mịn. Mỗi lần uống 8 - 16g với sữa hay sắc uống.

Theo kinh nghiệm dân gian:

  1. Chữa nóng sốt, co giật ở trẻ em:

Xác ve sầu (3g), câu đằng (6g), tán nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, thêm đường, uống làm 1 - 2 lần trong ngày. Dùng cho trẻ lớn tuổi. Đối với trẻ còn đang bú, tán các vị thuốc thành bột mịn rồi hoà ít một vào sữa, cho uống làm nhiều lần trong ngày, hoặc bôi thuốc vào núm vú cho trẻ bú.

  1. Chữa phù toàn thân:

Xác ve sầu, rễ vây vương tùng, vỏ cây thông, cành tía tô, lượng bằng nhau. Nấu nước tắm hàng ngày.

Dùng ở Trung Quốc:

  1. Chữa sốt cao:

Xác ve sầu 12g, con tằm 10g, tán nhỏ, rây bột mịn, uống với nước ấm.

  1. Chữa chứng đau thắt tim:

Xác ve sầu 5 - 10g, sắc uống trong ngày.

  1. Chữa trẻ em hay khóc đêm:

Xác ve sầu 3 - 6g, lá bạc hà 10g, hãm hoặc sắc uống.

  1. Chữa viêm da dị ứng:

Xác ve sầu 5g, bạc hà 5g, sắc uống.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post