Tam Thất Nam (Stahlianthus thorelli Gagnep.)

Tên khác: Tam thất gừng, khương tam thất.
Họ: Gừng (Zingiberaceae).

Mô tả:

Cây thảo, cao 10 - 20 cm. Thân rễ phân nhánh mang nhiều củ nhỏ bằng quả trứng chim xếp thành chuỗi, có nhiều ngấn ngang. Rễ con dạng chỉ. Lá mọc thẳng từ thân rễ sau khi cây ra hoa, gồm 3 - 5 cái có cuống dài và bẹ phát triển, phiến lá nguyên, hình mác thuôn dài, đầu nhọn, màu lục hoặc pha nâu tím.

Cụm hoa mọc ở gốc gồm một lá bắc hình ống dài 3 - 3, 5 cm, thắt lại ở đầu rồi phân thành 2 thùy rộng, trong đó có 4 - 5 hoa màu trắng, họng vàng; lá bắc và lá bắc con dạng màng; đài hình ống nhẵn, có 3 răng; tràng hình ống có thùy thuôn, thùy sau có mũi nhọn ngắn; nhị không có chỉ nhị, trung đới kéo dài thành bản mỏng, nhị lép dạng cánh, cánh môi lõm chia 2 thùy; bầu nhẵn, 3 ô.

Quả chưa gặp.

Mùa hoa: tháng 4-5.

Bộ phận dùng:

Rễ củ, thu hái vào mùa đông - xuân, phơi khô.

Tính vị, công năng:

Tam thất nam có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng thông kinh, hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, chỉ thống.

Công dụng:

Tam thất nam được dùng theo kinh nghiệm dân gian, chữa đau nhức xương, kinh nguyệt quá nhiều, chảy máu cam, đau bụng khi hành kinh hoặc ăn uống kém tiêu, nôn mửa. Ngày dùng 6 - 10g, dưới dạng thuốc sắc, bột mịn hoặc ngâm rượu uống.

Bài thuốc có tam thất nam:

Chữa kinh nguyệt không đều, vòng kinh thay đổi dài ngắn không chừng, người gầy da xanh xạm hoặc sau khi đẻ rong huyết kéo dài, kém ăn, chóng mặt, đau đầu mệt mỏi:

Tam thất nam, hồi đầu (lượng bằng nhau) tán nhỏ, mỗi lần uống 2 - 3g với nước đun sôi dể nguội ngày 2 - 3 lần. Dùng 5 - 7 ngày.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post