Cải Canh (Brassica juncea (L.) Czern. et Cosson)
Tên khác: Rau cải, cải bẹ xanh.
Tên nước ngoài: Common indian mustard, common brown mustard, potherb mustard (Anh).
Họ: Cải (Brassicaceae).
Mô tả:
Cây thảo, sống hàng năm, cao khoảng 50 cm. Thân hình trụ, nhẵn. Lá mọc so le, hình trái xoan, phiến ở phía cuống dài khoảng 14 cm, rộng 7cm, chia thành nhiều tai nhỏ, phía trên chia ít hơn, mép khía răng không đều, lá ở gần ngọn hình mác, dài 5 cm, rộng 5-10 mm.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chùm ngù; hoa vàng; đài có răng nhọn, màu vàng; tràng có cánh dài hơn lá đài; nhị 6, trong đó, 4 cái rất to; bầu hình chi.
Quả thuôn dài, đầu có mũi nhọn; hạt nhỏ hình cầu, màu đen.
Mùa hoa quả: tháng 1-5.
Bộ phận dùng:
Lá và hạt
Thành phần hóa học:
Hạt cải canh chứa dầu béo 30 - 38%, tinh dầu 2 - 9%, chất nhầy.
Dầu béo có tỷ trọng 0,995, nD 1,5185, alphaD + 0° 12', chứa nhiều acid béo như acid erucic. acid eicosenoic, acid behenic, acid sinapic, acid arachidic, ít sinapin (ester của cholin và acid sinapic hoặc acid hydroxydimethoxycinamic), protid có trọng lượng phân tử 22900, 13000, brassicasterol, 22 - dehydrocampesterol, nhiều enzym (thioglucosidase, sulfatase, isomerase mà hỗn hợp gọi là myrosinase).
Hoạt chất là sinigrosid 0,5 - 2%. nếu đem thủy phân bằng enzym (myrosinase) sẽ cho glucose, sulfat acid của K và alyl isothiacyanat (còn gọi là 'tinh dầu' rnù - tạc). Đây là chất lỏng dạng dầu, dễ bay hơi, không màu, gây chảy nước mắt, tạo ra alylihiourê với amoni hydroxyd.
Ngoài alyl isothiocyanat, hạt còn có crotonyl isothicyanat. (The Wealth of India I, 1948, Trung dược tử hải II, 1996, Trung dược đại từ điển I, 1997, Abrégé de matière médicale, 1981.)
Cải canh dùng để muối dưa trong đó có protid, lipid, đường, celulose, caroten, acid nicotinic, vitamin C, các nguyên tố Ca, P, Fe (Trung dược từ hải II, 1996).
Lá chứa 4 - decanol có tính chất kháng đột biến (CA 121: 124. 701 r).
Lá còn có acid amin 8%, chủ yếu là acid glutamic và acid aspartic (CA 119: 137.967 r).
Tác dụng dược lý:
Tác dụng kích thích. Chất sinigrin không có tác dụng kích thích, nhưng sau khi gặp nước dưới tác dụng của men myrosin (sẵn có trong hạt) cho tinh dầu mà thành phần chủ yếu là allyl isothiocyanat, chát này có tác dụng kích thích mạnh. Dùng trực tiếp lên da gây cảm giác nóng, làm cho da đỏ, gây phồng rộp da, phỏng mụn nước. Thông thường, bột hạt cải được loại bỏ thành phần dầu béo, chế thành cao dán dùng ngoài làm thuốc kích thích cục bộ. Còn trong thực phẩm, bột hạt cải canh được chế thành mù tạc dùng làm chất điều vị. Với liều vừa phải, mù tạc có tác dụng tăng cường sự phân tiết dịch vị và hoạt tính của men amylase, làm giảm nhịp tim và có tác dụng chống nấc. Liều lớn mù tạc lại kích thích mạnh dạ dày - ruột, gây nôn mửa.
Các tác dụng khác. Thí nghiệm trên chuột lang, cho chuột chế độ ăn có hạt cải canh thì xuất hiện tác dụng ức chế tuyến giáp trạng thu nạp I131 và làm cho SCN trong máu tăng cao. Cũng có báo cáo cho rằng động vật được nuôi dài ngày bằng hạt cải canh thì tuyến giáp trạng phình to có thể là do thyrotropin phân tiết quá nhiều. Trên thỏ tiêm tĩnh mạch dịch ngâm hạt cải canh, ban đầu xuất hiện huyết áp tăng nhẹ, sau đó hạ thấp đồng thời tăng biên độ hô hấp. Cho chuột cống ăn lá cải canh thấy có tác dụng hạ đường huyết, nồng độ glycogen ở gan tăng.
Độc tính: Dầu hạt cải canh hoặc cao dán của hạt dùng trực tiếp với da. nếu để thời gian quá dài hoặc dùng nồng độ quá cao thì gây phồng mụn nước thậm chí mạn mủ và ngay lúc đó ngừng dùng thuốc thì mụn mủ vẫn lành rất chậm vì khi đó dầu hạt cải đã ngấm qua da và tác dụng của thuốc vẫn tiếp tục. Đối với niêm mạc, dầu hạt cải canh kích thích rất mạnh, dùng dung dịch 15% nhỏ vào mắt thỏ, thì lập tức niêm mạc bị sưng phù.
Tính vị, công năng:
Hạt cải canh có vị cay, tính nóng, vào kinh thủ thái âm, có tác dụng ôn trung tán hàn, lợi khí, hóa đờm thông kinh lạc, tiêu thũng độc. Thân và lá cải canh có tác dụng tuyên phế hóa đờm, ôn trung lợi khí.
Công dụng:
Ở Việt Nam, cải canh được trồng làm rau ăn, nấu canh hoặc muối dưa. Hiện nay, ta chưa thu hoạch hạt cải canh để đùng làm thuốc và ép dầu, nên vẫn phải nhập vị giới tử của Trung Quốc. Hạt lấy ở những quả chín, phơi hay sấy khô ở nhiệt độ dưới 50°c để bảo vệ hoạt tính của men có trong hạt. Hạt cải canh được dùng làm thuốc chữa ho, viêm khí phế quản, làm ra mồ hôi. Liều 3 - 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Trên lâm sàng dùng dịch tiêm từ hạt cải 10% hoặc 20% tiêm vào các huyệt trong điều trị viêm phế quản mạn tính có tác dụng cắt cơn hen khá tốt. Dùng ngoài, dạng cao dán của hạt cải canh gây đỏ da và kích thích da tại chổ, để chữa đau giây thần kinh, thấp khớp. Khi dùng cao dán, tẩm thêm một ít nước để tăng cường tác dụng của men. Do có tác dụng kích thích mạnh, nên thời gian dán cao không quá 15-20 phút, ở những người có da mẫn cảm, chỉ nên dán cao trong vòng 5-10 phút.
Ở Trung Quốc, giới tử còn được dòng chữa chứng dạ dày lạnh đau, nôn ra thức ăn, đau quặn bụng, phổi lạnh, ho lưu đờm, đau họng, lao hạch, đau khớp.
Ngoài ra, dầu béo ép từ hạt cải sau khi tinh luyện dược dùng làm dấu ăn và sản xuất xà phòng.
Ở Trung Quốc, ngoài cây Brassira juncea (L), người ta còn dùng cây Brassica nigra Koch cho vị hắc giới tử và cây Brassica alba Boiss cho vị bạch giới tử có cùng công dụng như giới tử.
Ở Lào, Campuchia, hạt cải canh phối hợp với gạo tẻ, mật ong và đường mía được dùng chữa kiết lỵ, phân có máu mũi. Dầu hạt cải bôi chữa bệnh ngoài da.
Bài thuốc có cải canh:
- Chữa lao hạch:
Hạt cải canh nghiền thành bột trộn với hành đã giã nát, 2 vị lượng bằng nhau, đắp tại chỗ, mỗi ngày thay một lần.
- Chữa dạ dày lạnh đau, nôn ra thức ân:
Bột hạt cải canh 3,5g uống với rượu hâm nóng. Ngày 2 lần.
- Chữa đơn độc sưng tấy:
Hạt cải canh giã nhỏ, trộn với giấm chế thành cao dán đắp ngoài.
- Chữa đau khớp:
Hạt cải canh nghiền thành bột, cho thêm bột mì trộn đều, đắp vào chỗ đau đến khi có cảm giác tê là được.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam