Cây Một Lá (Nervilia fordii (Hance) Schltr.)
Tên khác: Lan cờ, thanh thiên quỳ, trân châu diệp, slam lài, bẩu thoọc (Tày).
Họ: Lan (Orchidaceae).
Mô tả:
Cây thảo nhỏ, địa sinh, sống lâu năm, cao 10 - 20cm. Rễ củ hình tròn, mập, đường kính 1-2 cm, màu trắng đục, có nhiều ngấn. Thân cây rất ngắn, nhẵn bóng hoặc không có thân. Lá mọc thẳng từ củ và thường chỉ có một lá, đôi khi gặp cây có 2 lá, 1 lá to, 1 lá nhỏ; phiến lá nguyên, nhẵn, hơi lượn sóng, hình tim tròn, đầu hơi nhọn, màu xanh lục nhạt, dài 5 - 7cm, rộng 8-10 cm; gân lá nhỏ và rõ hình chân vịt tỏa đều từ cuống lá gồm 24 - 28 cái; cuống lá hình tròn, có vạch dọc, dài 8 - 15 cm, màu tím hồng ở phía dưới.
Cụm hoa mọc từ củ khi lá đã tàn lụi thành chùm trên một cán mảnh và dài 15-20 cm; hoa 4 - 5 cái màu trắng đốm tím hồng; lá đài và cánh hoa giống nhau, cánh môi 3 thùy hình tam giác, có nhiều gân, có lông ở quãng giữa.
Quả nang, hình thoi, có khía dọc.
Mùa hoa: tháng 3-4; mùa quả: tháng 5-8.
Còn có loài Nervilia tibetensis Rolfe, cây cao khoảng 2-3 cm, lá dài 2, 5 - 3, 5 cm, rộng 3-5 cm, phiến lá có nhiều lông và loài Nervilia crispata (Blume) Schltr. cây cao 5-6 cm, lá dài 1, 5 - 2 cm, rộng 2, 5 - 3 cm, phiến lá có cạnh. Những loài này chưa được nghiên cứu sử dụng.
Bộ phận dùng:
Lá hoặc toàn cây một lá, thu hái vào cuối xuân, đầu hè, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng chế biến theo hai cách
-
Phơi cho se, rồi luộc qua, vò hai lần mỗi ngày, lại phơi khô.
-
Đồ hay nhúng nước sôi, rồi vò và phơi.
Lá đã chế biến có màu tro sẫm hay lục đen, mùi thơm.
Trước đây, người ta chỉ dùng củ, sau dùng lá để giữ lại củ bảo vệ giống cho những năm sau và lâu dài.
Tính vị, công năng:
Lá và rễ củ cây một lá có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính bình, mát, có tác đụng thanh nhiệt, nhuận phế, giảm ho, tán ứ, giải độc, làm dịu đau.
Công dụng:
Lá hoặc toàn cây một lá được dùng làm thuốc giải độc, nhất là ngộ độc nấm, làm mát phổi, chữa ho lao, ho lâu năm, viêm phế quản. Nhai rễ củ tươi làm giảm khát, bồi dưỡng cơ thể. Trung Quốc còn dùng chữa viêm miệng, viêm họng cấp tính, rối loạn kinh nguyệt hoặc tổn thương do ngã, đau nhức, viêm mủ da, lở loét, mụn nhọn, tràng nhạc.
Ngày 10 - 20g dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hấp đường, hoặc chế thành cao lỏng uống. Dùng ngoài, lấy lá hoặc cây tươi giã đắp.
Bài thuốc liên quan:
- Chữa ngộ độc nấm:
Dùng 2 - 3 lá phơi khô, thái nhỏ, hãm với nước sôi trong vài phút, rồi lấy nước uống. Ngày 2-3 lần.
- Chữa viêm miệng, viêm họng cấp tính:
Dùng lá tươi, nhai, ngậm, nuốt nước dần dần.
- Chữa lao, ho lâu năm, ốm yếu:
Cây một lá 15g, nấu với thịt lợn nạc, làm canh ăn.
- Chữa vết thương, đau nhức hoặc mụn nhọt, lở loét, tràng nhạc:
Lấy lá hoặc toàn cây tươi, giã nát, đắp lên.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam