Dâu Tằm (Morus acidosa Griff.)

Tên khác: Dâu, dâu ta, tang, dâu cang (H'Mông), mạy mọn, mạy bơ (Tày), co mọn(Thái), nằn phong (Dao).
Tên nước ngoài: Mulberry-tree (Anh), mu­rier du ver à soie (Pháp).
Họ: Dâu Tằm (Moraceae)

Mô tả:

Cây nhỏ, cao 6m hay hơn ở trạng thái hoang dại, thường giảm xuống 1,5-2m ở cây trồng. Cành mềm, lúc non có lông, sau nhẵn và có màu xám trắng. Lá moc so le, hình bầu dục, hình tim hoặc hình trứng rộng, có mũi nhọn ở đầu, phiến mỏng, mềm, dài 3-7cm, mép có răng cưa nhỏ đều, đôi khi chia 3-5 thùy, 3 gân ở gốc, hai mặt có màu lục sáng; cuống 2 mảnh, hơi có lông, lá kèm nhìn dải nhọn.

Hoa đơn tính, không có cánh hoa; cụm hoa đục là đui sóc dài 1,5-2cm, hoa đực có 4 lá đài tù, hơi có lông, nhị 4, xếp đối diện với lá đài và dài gấp đôi, chỉ nhị mảnh, bao phấn gần hình cầu; cụm hoa cái là bông ngắn hình trứng hoặc gần hình cầu dài 1cm, hoa có 4 lá đài, bầu có 1 noãn.

Quả bế bao bọc trong các lá đài mọng nước tụ họp thành một quả phức, khi chín màu đỏ hay đỏ hồng, sau đen.

Mùa hoa quả: Tháng 5-7

“Cây có công dụng tương tự: Cây dâu tàu (Morus alba L.), White mulberry, murier blanc cùng họ với những điểm khác là cành mập, lá cũng đôi khi chia thùy; quả màu trắng hay hồng. Cây rất đa dạng”

Bộ phận dùng:

Dược liệu dâu tằm bao gôm nhiều bộ phận của cây.

  • Lá (tang diệp), dùng loại lá bánh tẻ ( lá cho tằm ăn), loại bỏ lá vàng úa, tạp chất, rồi phơi hay sấy nhẹ.

  • Cành (tang chi), thu hái quang năm, chọn cành non có đường kính 0,5-1,5cm, bỏ hết lá, chặt ngắn khoản 1cm, thái mỏng, phơi khô. Trước khi dùng có thể sao vàng hoặc tẩm rượu sao.

  • Quả (tang thẩm), thu hái quả chín, dài 2cm, đường kính 1cm

  • Vỏ rễ (tang bạch bì). Chọn lấy rễ ngầm dười đất, rửa sạch, cạo bỏ hết lớp vỏ ngoài màu vàng nâu, lấy phần trong màu trắng ngà, chặt thành từng đoạn dài 20-50cm, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Mặt ngoài màu trắng nhạt, hơi nhăn, có khi xơ lên thành sợi, những chổ chưa cạo kỹ có màu vàng nâu hay vàng cam. Mặt trong màu trắng vàng. Dùng sống hoặc tẩm mật sao vàng.

  • Tầm gửi cây dâu (tang ký sinh) là cây mọc ký sinh trên cây dâu. Thu hái quanh năm, không được lẫn với các loại tầm gủi trên các cây khác.

  • Tổ trứng bọ ngựa trên cây (tang phiêu tiêu) có hình trứng dài, nhẹ, màu nâu vàng hoặc nâu đen, bên trong có nhiều xếp, mỗi xếp có nhiều ngăn, mỗi ngăn có một trứng. Dùng tổ trứng chưa nở. Trướng khi dùng phải đồ chín, rồi sấy khô

  • Sâu dâu là ấu trùng của một loài xén tóc, sống và lớn dần trong thân cây dâu, dài 3-7cm, có màu trắng sữa, mêm nục.

Thành phần hóa học:

Loài Morus alba được tập trung nghiên cứu về thành phần hóa học của lá, vỏ rễ, quả.

Lá chứa: Các thành phần bay hơi như tinh dầu (0,0035%) bao gồm các phân đoạn trung tính (32%), acid (26%), phenol (28%), carbonyl (11%), base. Phân đoạn trung tính chứa isobutanol, alcol isoamylic, isoamyl acetat và acetophenol. Phân đoạn acid chưa acid acetic, acid propionic, acid putyric, acid isobutyric…Phân đoạn carbonyl chưa benxaldehyd và phenylacetaldehyd. Các thành phần không bay hơi gồm nhiều hợp chất thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau như protein, carbohydrat, flavonoid, coumarin, vitamin và một số thành phần khác.

  • Các protein ( lá già chứa nhiều protein hơn lá non ): phenylalanin, valin, arginin, acid glutamic, prolin…

  • Các carbohydrat có nhiều ở lá non hơn lá già.

  • Các Flavonoid: rutin, quercetin, moracetin..

  • Các dẫn chất coumarin: umbeliferon, scopoletin, scopolin.

  • Các vitamin: vitamin B và vitamin C ( có tài liệu cho biết hàm lượng vitamin C là 200-300mg/100g), caroten, vitamin D.

  • Các acid hữu cơ: acid oxalic, acid malic, acid citric..

Cành chứa các Flavonoid.

Vỏ thân nhiễm bệnh do Fusarium solani F chứa các moracin A-H

Vỏ rễ chứa những chất thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau: mulberincyclomulberin, kuwanon A, kuwanon G, …..albanol. Các hợp chất prenyl flavon được nhiều nhà khoa học quan tâm.

Quả chứa 63% lipid 27% acid hữu cơ, 1,6% alcol và tinh dầu.

Bọ ngựa chứa albumin 58,5%, chất béo 11,95%, đường 1,6%, chất xơ 20,16%, nước 2,81%, Ca 0,4%, Fe.

Trứng chứa glycoprotein và lipoprotein.

Túi trứng chứa 0,432% acid amin toàn phần.

Tác dụng dược lý:

Cao nước và cao kiềm của lá và thần cây dâu có tác dụng ức chế các vi khuẩn gram dương và các men. Đã nghiên cứu và chứng minh lá dâu có tác dụng gây trấn tĩnh kiểu meprobamat.

Lá dâu có tác dụng hạ huyết áp yếu, tác dụng này bị đảo ngược bởi atropin. Đồng thời, nó có tác dụng giãn mạch. Chế phẩm an thần Passerynum gồm lá dâu, lạc tiên, vông nem, lá sen, thảo quyết minh, hạt tơ hồng, hạt keo giậu, củ sâm đại hành, đã thể hiện độc tính thấp, giảm được trạng thái hưng phấn ở chuột nhắt bị kích thích bởi cafein, gây hạ huyết áp, tăng tầng số và biên độ hô hấp của thỏ, có khuynh hướng làm giảm nhịp tim và sức co bóp của sợi cơ tim. Áp dụng điều trị trên lâm sàng, Passerynum có tác dụng gây hạ thân nhiệt của bệnh nhân, không làm thay đổi huyết áp, không gây trạng thái buồn nôn hoặc ngủ gà, chỉ làm bệnh nhân ngủ dễ dàng và ngon giấc. Thuốc có tác dụng an thần trên bệnh nhân với tỷ lệ 16/25 người, so với placebo tỷ lệ 6/15 người, chứng tỏ yếu tố tâm lý có vai trò quan trọng trong giấc ngủ.

Vỏ trong của rễ dâu có tác dụng gây hạ huyết áp, tác dụng này hoàn toàn bị đối kháng bởi atropin. Ức chế tim ếch cô lập, giãn mạch ngoại biên trên tai thỏ cô lập, co mạch nội tạng trên hệ mạch chi sau của ếch, kích thích cơ tử cung và ruột thỏ cô lập và gây co cơ thẳng bụng ếch, tác dụng sau này được tăng cường bởi physostigmin. Như vậy, vỏ rễ dâu có những tác dụng tương tự như acerylcholin. Ngoài ra, nó còn có tác dụng gây trấn tĩnh trên chuột nhắt trắng.

Các hoạt chất tinh khiết như moracenin A, moracenin B và moracenin D phân lập từ vỏ rễ cây dâu đã thể hiện tác dụng chống tăng huyết áp trên thỏ gây mê với liều tiêm tĩnh mạch 1mg/kg mỗi chất trong 3 chất trên.

Cao chiết với methanol và nước từ vỏ rễ dâu làm giảm khá nhiều mức đường huyết ở chuột nhắt. Sự phân đoạn hướng dẫn bởi việc thử hoạt tính sinh học của cao đã cho một glucoprotein là moran A. Chất này thể hiện tác dụng hạ đường huyết rõ rệt ở chuột nhắt bình thường và chuột nhắt được đã gây tăng đường huyết với aloxan. Cao chiết với methanol của cây dâu còn có tác dụng ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn Klebsiella pneumoniae, Staphylococcus aureus, Candida albicans, Mycobacterium phlei, nồng độ của cao tối thiểu quy ra trọng lượng cây dâu khô gây ức chế mỗi loài vi khuẩn theo thứ tự tương ứng là: > 11, > 11, > 11 và 11g cây dâu khô trong 1 lít môi trường.

Tính vị, công năng.

Vỏ rễ dâu có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi thũng, giảm ho, trừ đờm, hạ suyễn.

Lá dâu có vị đắng, ngọt, tính lạnh, có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, sáng mắt.

Cành dâu có vị đắng nhạt, tình bình, có tác dụng trừ phong thấp, lợi các khớp, thông kinh lạc, tiêu viêm.

Quả dâu có vị ngọt, chua, tính mát, có tác dụng bổ gan thận, bổ huyết trừ phong.

Tầm gửi cây dâu có vị đắng, tính bình, có tác dụng mạnh gân cốt, lợi huyết mạch, an thai, xuống sữa.

Nấm dâu (Mộc nhĩ cây dâu) có vị ngọt, tính bình, hơi độc.

Tang phiêu tiêu có vị ngọt, mặn, tính bình, có tác dụng ích thận, cố tinh.

Công dụng:

Vỏ rễ dâu chữa phế nhiệt, ho có đờm, hen, khái huyết, trẻ con ho gà, phù thũng, bụng chướng to, tiểu tiện không thông, băng huyết, sốt, cao huyết áp. Ngày dùng 4-12g, có khi đến 20-40g dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Lá dâu chữa cảm mạo, phong nhiệt, sốt nóng, ho, viêm họng, đau răng, nhức đầu, mắt đỏ, chảy nước mắt, đậu lào, phát ban, cao huyết áp, mất ngủ. Ngày dùng 4-12g dạng thuốc sắc.

Cành dâu chữa phong thấp đau nhức các đầu xương, cước khí, sưng lỡ, chân tay co quắp. Ngày dùng 6-12g, có khi đến 20-60g, dưới dạng thuốc sắc.

Quả dâu chữa đắi tháo đường, tràng nhạc (lao hạch), mắt mờ, ù tai, thiếu máu, đau khớp xương, kém ngủ, râu tóc bạc sớm, táo bón. Uống lâu khỏe người, ngủ ngon giấc, thính tay, sáng mắt, trẻ lâu. Quả dâu vắt lấy nước cô thành cao mềm, ngày uống 12-20g. Sirô quả chín bôi chữa đau họng, loét mồm, lở lưỡi.

Tang ký sinh chữa đau lưng, đau mình, chân tay tê bại, động thai, sau đẻ ít sữa. Liều dùng 12-20g dạng sắc thuốc.

Tang phiêu tiêu chữa đi đái nhiều lần, di tinh, liệt dương, bạch đới, trẻ con đái dầm. Liều dùng 6-12g.

Nấm dâu chữa kinh nguyệt không đều, khí hư, bạch đới.

Sâu dâu chữa bệnh trẻ con bị đau mắt, nhiều dử, nhiều nước mắt. Cả con sâu nướng ăn hoặc hấp chín với mật ong.

Ở Trung Quốc, người ta dùng vỏ rễ dâu làm thuốc long đờm, chống viêm, lợi tiểu, chữa cao huyết áp, (phối hợp với một số dược liệu khác), ho, hen phế quản và viêm phế quản. Lá dâu làm thuốc giảm sốt trong bệnh cảm lạnh. Vỏ thân cây dâu lợi tiểu và long đờm. Tất cả đều dùng dưới dạng nước sắc với liều 1 lần là 5-10g.

Ở Ấn Độ, lá dâu được dùng làm thuốc ra mồ hôi và làm dịu. Nước sắc lá dùng súc miệng trị sưng họng. Quả có tác dụng làm mát, nhuận tràng, trị viêm họng, khó tiêu và bệnh u sầu. Rễ trị giun sán và lam săn. Vỏ thân la thuốc tẩy và trị giun.

Nhân dân ở vùng Địa Trung Hải, Tây Ban Nha dùng cây dâu lam thuốc hạ đường huyết và lam săn.

Bài thuốc có dâu tằm:

  1. Chữa khóe mắt bị mộng thịt che lấp tròng ( Hải Thượng Lãn Ông):

Lá dâu, cỏ mực đều bằng nhau, cho vào nồi đất, đổ nước vào đun, rồi cho vào một ít vôi bột đã để lâu năm, bịt miệng nồi lại nấu thêm vài dạo, bắc xuống, xông 2-3 lần.

  1. Chữa chứng cứng sần không có mủ ( Hải Thượng Lãn Ông):

Vỏ rễ dâu phơi trong râm, tán nhỏ, nấu thành cao rồi hòa với nước, bôi.

  1. Chữa trẻ con đau họng, ho khan, bạch hầu:

Lá dâu 20g, tằm vôi (bạch cương tàm) 10g, bạc hà 5g. Sắc uống.

  1. Chữa sưng phổi, sốt, trẻ ho gà, đờm suyễn:

Vỏ rễ dâu (phần non ở dưới đất, bỏ lớp vỏ ngoài, lấy lớp vỏ trắng ở trong, tẩm mật sao qua), mạch môn, ngưu tất, mỗi vị 10g, xuyên tâm liên 5g. Sắc uống.

  1. Chữa ho lâu năm:

Vỏ rễ dâu 10g, vỏ rễ chanh 10g. Sắc uống trong ngày.

  1. Chữa ho, viêm họng:

Vỏ trắng rễ dâu 10g, bách bộ (bỏ lõi sao vàng) 10g, mạch môn 10g, vỏ quít 5g, xạ căn 5g, cam thảo dây 5g. Làm dạng thuốc phiến, mỗi phiến 3g, ngày ngậm 3-4 lần, mỗi lần 1 phiến. Hoặc dạng cao lỏng, mỗi lần uống 1 thìa cà phê.

  1. Chữa phong nhiệt, sốt, ho nhiều, tức ngực, khạc đờm vàng:

Lá dâu 12g, kim ngân 12g, bạc hà 10g, cúc hoa 10g, lá ngải cứu 10g, xạ căn 8g. Sắc uống ngày một thang trong 5 ngày liền.

  1. Chữa viêm phế quản mạn tính:

Vỏ rễ dâu 16g, mạch môn 16g, rau má 16g, bách bộ 10g, trần bì 6g, bán hạ chế 6g. Sắc uống ngày một thang, uống trong thời gian dài.

  1. Chữa ho ra máu:

Vỏ rễ dâu 12g, thiên môn 12g, cúc hoa 12g, cỏ nhọ nồi 12g, mạch môn 12g, quả dành dành 12g, sinh địa 12g, trắc bá diệp 12g. Sắc uống ngày một thang.

  1. Chữa nôn ra máu:

Lá dâu cuối mùa, sao vàng. Sắc uống mỗi ngày 12-16g.

  1. Chữa ho gà:

Vỏ rễ dâu 12g, mạch môn 12g, bách bộ 10g, rau sam 10g, húng chanh 10g. Sắc uống ngày một thang, uống liên tục 15-30 ngày. Hoặc chế thành sirô ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa canh, trẻ em giảm ½ liều.

hoặc thuốc ho gà Mỹ Đức gồm các vị chính là vỏ rễ dâu, bách bộ, củ sả, quả hồng bì, lá táo, lạc tiên.

  1. Chữa phong thấp, tay chân co quắp, đau nhức:

Cành dâu sao 20g, huyết dụ 12g. Sắc uống.

  1. Chữa viêm đa khớp mạn tính dạng thấp:

Cành dâu 16g, thổ phục linh 16g, mã đề sao 16g, ngưu tất 16g, sinh địa 16g, ý dĩ 16g, cà gai leo 10g, đỗ đen sao 16g, rễ lá lốt 12g. Sắc uống ngày một thang.

  1. Chữa đau dây thần kinh tọa:

Cành dâu 12g, thổ phục linh 12g, thiên niên kiện 12g, ngưu tất 12g, sinh địa 12g, cà gai leo 10g, đỗ đen sao 10g, lá lốt 10g. Sắc uống ngày một thang, uống thời gian dài.

  1. Chữa mụn nhọt lâu ngày không liền miệng:

Lá dâu sao vàng tán nhỏ, rắc vào mụn đã rửa sạch.

  1. Chữa rụng tóc:

Vỏ rễ dâu giã giập, ngâm nước rồi đun sôi nửa giờ, lọc, để nguội gội đầu.

  1. Chữa động thai, đau bụng:

Tang ký sinh 60g, cao ban long (hoặc cao xương) nướng thơm 20g, ngải diệp 20g, nước 600ml. Sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.

  1. Chữa động thai, bí tiểu tiện:

Tang phiêu tiêu, nướng vàng tán nhỏ. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g.

  1. Phòng sốt xuất huyết:

Lá dâu 12g, lá khế 16g, sắn dây 12g, mã đề 12g, sinh địa 12g, lá tre 12g. Sắc uống ngày một thang. Uống hàng ngày trong thời gian có dịch.

  1. Thuốc bổ huyết, dùng sao khi sốt xuất huyết:

Quả dâu chín 12g, sinh địa 12g, củ mài 12g, đỗ đen sao 12g, y dĩ 12g, bố chính sâm 12g. Sắc uống ngày một thang.

Một số đơn thuốc sử dụng ở Trung Quốc:

  1. Chữa cao huyết áp mức độ nhẹ ở bệnh nhân có nhiều triệu chứng chủ quan:

Vỏ cành dâu 15.5g, sinh địa 9g, sơn dược 15.5g, phục linh 6g, mẫu đơn bì 9g, tri mẫu 15.5g, bắc sa sâm 15.5g, quả táo ta 10g, mai rùa 10g, thạch xương bồ 6g, huyền sâm 15.5g, đương quy 6g, hà thủ ô đỏ 10g, hoàng cầm 6g. Sắc uống trong một ngày. Dùng trong thời gian 2-4 tháng.

  1. Chữa ho gà trẻ em:

Vỏ rễ dâu 3g, ma hoàng 2.4g, hạt mơ 3g, rễ cỏ chanh 9g, thiên nam tinh 1.2g, vỏ quít 3g, thiên môn đông 4.5g, cam thảo 1.5g, triết bối mẫu 3g, bách bộ 2.1g, hoàng liên 2.1g, tiền hồ 3g, bán hạ bắc 2.1g, qua lâu căn 4.5g, hạt đình lịch 2.1g, thanh cao 4.5g, hoàng cầm 3g, nước 800ml. Sắc trong 30 phút. Cho uống mỗi lần 10-60ml, mỗi ngày 2-3 lần, tùy theo tuổi của trẻ em. Đợt điều trị kéo dài từ 4 ngày đến 6 tuần. Không có biểu hiện của tác dụng phụ nào.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post