Dâu Tây (Fragaria vesca L.)

Tên nước ngoài: Strawberry (Anh), fraisier (Pháp).
Họ: Hoa hồng (Rosaceae).

Mô tả:

Cây thảo, sống nhiều năm. Thân mảnh, mọc bò lan trên mặt đất, màu lục, bén rễ ở những mấu. Lá kép, mọc so le, có 3 lá chét khía răng; lá kèm nhỏ; cuống lá rất dài.

Hoa màu trắng; tiểu đài có 5 móng hẹp; đài 5 răng nhỏ màu trắng; tràng 5 cánh mỏng; nhị nhiều; bao hoa và nhị mọc ở mép đế hoa hình chén. Giữa đế có một trục lồi mang nhiều lá noãn rời, mỗi lá noãn chứa 1 noãn.

Quả bế tụ tập trên trục đế hoa phình to và mọng nước, màu đỏ.

Mùa hoa: tháng 2 - 4; mùa quả: tháng 5-7.

Bộ phận dùng:

Toàn cây và quả.

Thành phần hóa học:

Dâu tây chứa nước 90,6 g%, protein 0,8 g%, chất béo 0,5 g%, carbohydrat 7,6 g%, chất xơ 1,7 g%, vitamin C 53 mg% (Prosea 2,1992).

Bằng ủ men dịch chiết tanin từ rễ dâu tây, Vennat Brigitte và cs, 1988 đã phân lập được 3 dimer procyanidin B1, B2 và B5 và 2 monomer (+) - catechin và (-) - epicatechin (CA 108:198.374 q).

Theo Wintoch Herbert và cs, 1991, quả dâu tây có acid (S) - 2 - methylbutanoic, alcol benzylic, 2,5 - dimethyl - 4 - hydroxy - 2H - furan - 3 - on, acid benzoic và acid E - cinamic (CA 116:150.389 m).

Lá chứa d - catechin, kaemferol, quercetin, cyanidin và leucocyanidin (Compendium of Indian Medicinal Plants, vol-1 (1960 -1969,1999).

Tính vị, công năng:

Toàn cây và quả dâu tây có vị ngọt, chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, bổ phế, lợi hầu.

Công dụng:

Toàn cây và quả dâu tây dược dùng chữa cảm sốt, ho, họng sưng đau, viêm tuyến mang tai, sỏi tiết niệu, bệnh thiếu vitamin C. Ngày 10 - 15 g sắc uống. Nước hãm lá được dùng trị tiêu chảy, bệnh đường tiết niệu.

Trong nhân dân, quả dâu tây được dùng để ăn tươi, làm mát, hoặc chế rượu xi rô để uống. Ỏ vùng Kashmia (Ấn Độ), thân rễ dâu tây được dùng thay thế cà phê.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post