Dừa (Cocos nucifera L.)
Tên nước ngoài: Coconut palm, coconut tree, cocopalm (Anh); cocotier (Pháp).
Họ: Dừa (Palmaceae).
Mô tả:
Cây thân trụ, thẳng đứng, có thể cao đến 20m. Thân nhẵn, không phân nhánh, có nhiều vết sẹo do bẹ lá rụng. Lá to dạng lông chim, mọc tập trung ở ngọn thân, bẹ dày, lá chét hẹp dài, xếp thành hai dãy đều đặn, nhẵn bóng.
Cụm hoa là bông mo, mọc ở kẽ lá, hoa đơn tính; hoa đực ở trên, có 6 mảnh xếp thành hai vòng, 6 nhị; hoa cái ở dưới có bao hoa giống hoa đực, 3 lá noãn dính nhau
Quả hạch to, hình cầu, vỏ quả ngoài nhẵn, màu lục bóng, vỏ quả giữa có nhiều sợi (gọi là xơ) và vỏ quả trong cứng rắn (sọ dừa) có 3 lỗ ở phía gốc, trong chứa nước , hạt có nội nhũ đặc dần tại thành cùi màu trắng (cùi dừa)
Mùa hoa quả : tháng 5-10.
Bộ phận dùng:
Rễ và quả dừa. Quả gồm nước, sọ, cùi và dầu ép từ cùi.
Thành phần hoá học:
Cùi dừa loại tốt chứa 63 - 68% dầu, không quá 6% nước, dưới 1% acid béo.
Theo cuốn 'Thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam' (1995), 100g phần ăn được của cùi dừa non chứa protein toàn phần 3,5g, lipid 1,7g, glucid 2,6g, celulose 3,5g, vitamin B1 0,04mg, vitamin B2 0,03mg, vitamin PP 0,8mg, vitamin C 6mg. 100g phần ăn được của cùi dừa già chứa protein toàn phần 4,8g, lipid 3,6g, glucid 6,2g, cellulose 4,2g, vitamin B1 0,10mg, vitamin B2 0,01mg, vitamin PP 0,2mg, vitamin C 2mg, acid béo 28,2g, acid palmitic 3,6g, acid linoleic 9g.
Dầu dừa sản xuất ở các nước nhiệt đới là chất lỏng không màu đến màu vàng nâu nhạt. Ở các nước ôn đới, dầu dừa là chất mỡ, có thể đặc, màu trắng đến vàng nhạt.
Gốc acid béo gồm khoảng 48% acid lauric, 17% acid myristic, 8% acid palmitic, 7% acid capric, 5% acid oleic, 4% acid Stearic, 2,5% acid linoleic và 0,5% acid caproic.
Dầu dừa thương phẩm có D15 0,926, D25 0,9188, D30 0,9150, D60 1,4410 - 1,4420, chỉ số xà phòng 251 - 263. Dầu dừa hòa tan trong dung môi hữu cơ không có nhóm OH, tan trong 2 thể tích cồn tuyệt đối ở 32°, 2 thể tích cồn 90° ở 60°.
Dầu dừa nếu đem hydro hoá ở áp suất cao cho hỗn hợp các alcol béo từ các acid béo tương đương Các alcol này đem Sulfon hoá và trung hòa cho natri lauryl sulfonat là chất nhũ hoá, chất tạo bọt dùng trong ngành dược và các ngành khác
Nước dừa chứa nước 95,5%, protein 0,1%, mỡ 0,1%, chất vô cơ 0,4%, carbohydrat 4,0%, Ca 0,02%, P dưới 0,01%, sắt 0,5mg%, nhiều acid amin (arginin, alanin, cystein và serin), vitamin C 2,2 - 3,7mg%, nhiều vitamin trong nhóm B (acid nicotinic 0,61, acid pantothenic 0,52, biotin 0,02, riboflavin dưới 0,01, acid folic 0,003microg/ml và thiamin).
Sọ dừa (gáo dừa) chứa lignin 20,4%, pentosan 27,7% (các pentosan là xylosan), anhydrid uronic 3,5%, celulose 26,6%.
Tác dụng dược lý:
- Tác dụng lợi tiểu: Dịch quả dừa cho chuột cống trắng uống làm tăng lượng nước tiểu 80% so với lô đối chứng.
Lá dừa bánh tẻ chiết bằng cồn 50” rồi cô dưới áp lực giảm đến khô. Liều cao khô uống 200mg/kg có tác dụng lợi tiểu rõ khi thử cho chuột cống trắng.
-
Tác dụng chống độc trên gen: Một số chất độc trên gen như azaserin, benzopyren, dimethylnitrosamin, dimethylhydrazin, methylmethan-sulfonat, khi dùng cho chuột nhắt trắng sẽ làm cho hồng cầu đa sắc do tế bào tủy xương sản xuất ra vẫn còn các nhân nhỏ ở trong là biểu hiện của sự biến đổi gen. Khi dùng đồng thời dầu dừa với mỗi chất độc trên, sự tạo thành các nhân nhỏ trong hồng cầu mới sinh giảm đi. So với dầu đậu nành, dầu dừa có hoạt tính chống độc trên gen cao hơn. Cũng đã xác định được, trong số các triacylglycerol của dầu dừa, trilaurin là thành phần có tác dụng chống độc gen mạnh nhất.
-
Dùng thay dung dịch tiêm truyền và dung môi pha thuốc: Trong thời kỳ chiến tranh, Viện Quân y 108 đã nghiên cứu thành công việc sử dụng nước của quả dừa còn non, thêm glucose hoặc NaCl lượng thích hợp, thay cho các dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch. Ngoài ra, còn dùng làm dung môi để pha chế một số thuốc tiêm như novocain, streptomycin.
-
Thử lâm sàng chữa viêm xoang: Dùng xơ dừa, xé thành sợi, cuộn thành điếu như điếu thuốc lá. Hít khói vào miệng rồi thở ra qua mũi. Tiến hành liên tục trong 3 ngày, viêm xoang sẽ giảm.
Tính vị, công năng:
Nước dừa có vị ngọt, mát. tính bình, có tác dụng tiêu khát, lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, cầm máu. Cùi dừa vị ngọt, tính bình, có tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi tiểu. Sọ dừa vị đắng, tính bình, có tác dụng cầm chảy máu mũi, ngừng nôn. Xơ dừa có tác dụng giảm đau. Rễ dừa có tác dụng lợi tiểu, thanh can.
Công dụng:
Nước dừa có nhiều chất bổ dưỡng và giải khát. Chữa sốt nóng, sởi, tiêu chảy, kiết lỵ, đau dạ dày. Do có tác dụng kích thích sự phát triển của tế bào nên nước dừa được dùng trong nuôi cấy mô. Nước dừa cho lên men có thể cất được một loại rượu ngon. Ngoài ra nước dừa lấy trong điều kiện vô khuẩn thay dung dịch truyền và để pha chế thuốc, Dùng nước dừa chải tóc làm tóc mềm, bóng và đen, trộn với dịch ép tỏi tây rồi bôi lại là thuốc dưỡng da.
Cùi dừa chữa đau vùng thượng vị hoặc ép lấy dầu dừa chữa bỏng, mụn nhọt. Dầu dừa trung tính , tinh chế để làm thực phẩm thay mỡ động vật, là loại mỡ dễ tiêu hoá phòng ngừa xơ vữa động mạch. Hydrogen hoá dầu dừa sẽ được các loại tá dược dùng để chế thuốc đạn, thuốc mỡ. Dầu dừa còn được dùng trong công nghiệp xà phòng và làm bánh, kẹo dừa.
Sọ dừa chữa chảy máu cam, chống nôn. Than sọ dừa là chất hấp thụ rất tốt được dùng trong mặt nạ chống hơi độc. Xơ dừa chữa gân xương đau nhức, viêm xoang. Rễ dừa chữa chứng chảy máu, kinh nguyệt không đều. Nước hãm rễ tươi hoặc rễ dừa phơi khô là thuốc chữa lỵ, viêm gan.
Bài thuốc có dừa:
- Chữa đau dạ dày:
Nước dừa già 200ml trộn với hạt bí ngô 150g, đun nhỏ lửa cho cạn, rồi ăn.
2 . Chữa sốt:
Hoa dừa cái còn non, nghiền nát thành bột nhão, đắp vào trán. Rồi lấy vải sạch, thấm vào nước dừa đắp lên trán và mắt.
- Chữa đau dữ dội và đột ngột ở vùng thượng vị, vùng ngực:
Cùi dừa đốt tồn tính, tán bột. Uống 4g với rượu, (Nam dược thần hiệu);
- Chữa bỏng lửa, bỏng nước sôi:
Lấy một chén vôi bột hòa vào nước, khuấy đều, để lắng, chắt lấy 30ml nước trong rồi nấu với 80 - 100ml dầu dừa, khuấy đều đến khi thành keo. Để nguội, bôi vào vết bỏng. Hoặc dầu dừa nấu với lá rau diếp, để nguội, đắp.
- Chữa chảy máu cam, nôn mửa:
Sọ dừa dốt tồn tính, tán mịn, mỗi lần 4 - 10g uống với rượu hoặc nước ,
- Chữa gân xương đau nhức:
Xơ dừa đốt tồn tính, uống mỗi lần 4 - 10g với rượu. Cũng có thể dùng xơ dừa sống sắc uống.
- Chữa đái khó, đái rắt, vàng da:
Rễ dừa non 8g, hạt mã đề 8g, lá cối xay 8g, lá dâu tằm 8g, lá muồng trâu 8g sao, đọt non cây thài lài tía 8g, rau muống 12g, vỏ quýt 4g, gừng sống 4g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc uống.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam