Dưa Chuột (Cucumis sativus L.)
Tên khác: Dưa leo, hồ qua.
Tên nước ngoài: Common cucumber (Anh), concombre (Pháp).
Họ: Bí (Cucurbitaceae).
Mô tả:
Dây leo, sống hàng năm, mọc bò hoặc leo, có tua cuốn mảnh. Thân hình trụ, có lông dày. Lá mọc so le, thuôn dài, xẻ thùy 3-5 không đều, gốc hình tim, đầu tù, mép khía răng, thùy tận cùng nhọn đầu, hai mặt đều có lông mềm; cuống lá dài 5-10cm.
Hoa đơn tính, cùng gốc, màu vàng; hoa đực thường mọc tụ tập, lá đài thuôn dài, nhị rời đính ở ống tràng, chỉ nhị rất ngắn; hoa cái mọc riêng lẻ, dài hình chuông, bầu thuôn, nhiều lá noãn.
Quả thịt, hình trụ dài, có nhiều u lồỉ; hạt nhiều, hình bầu dục dẹt, màu trắng.
Mùa hoa: tháng 2-3; mùa quả : tháng 4-6.
Bộ phận dùng:
Quả, lá.
Thành phần hoá học:
Quả dựa chuột chín có 85% phần ăn được. 100g phần này chứa nước 96g, protein 0,6g, mỡ 0,1g, carbohydrat 2,2g, Ca 12mg, Fe 0,3mg, Mg 15mg, P 24mg, vitamin A 45 đơn vị quốc tế, vitamin B1 0,03mg, vitamin B2 0,02mg, niacin 0,3mg, vitamin C 12mg. Nhân hạt chứa khoảng 42% dầu béo và 42% protein.
Hạt còn chứa một saponin và một alcaloid hơi độc là hypoxanthin.
Dưa chuột còn có cucurbitacin.
Tính vị, công năng:
Quả dưa chuột có vị ngọt, tính lạnh, hơi có độc, không nên dùng nhiều, có tác đụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu tiện, tiêu phù. Lá dưa chuột vị đắng, tính bình, hơi có độc, có tác dụng gây nôn.
Công dụng:
Dưa chuột là món ăn mát và giải nhiệt được dùng trong những trường hợp sau
Chữa phù thũng, bụng trướng, tay chân phù: Lấy một quả dưa chuột to bổ ra, để cả hạt, nấu với giấm cho đến chín nửa chừng, ăn vào lúc sáng sớm khi bụng đói, ăn hết cả cái lẫn nước.
Chữa hội chứng lỵ ở trẻ em : Dưa chuột 10 quả non, nấu với mật, cho ăn dần trong vài ngày.
Chữa mèo cào, sưng đau: Rễ dưa chuột giã nhỏ đắp.
Chữa ngộ độc: Lá dưa chuột giã nhỏ, vắt lấy nước cốt uống sẽ gây nôn.
Chữa những vết nhăn, da xù xì, mẩn đỏ, vết tàn nhang: cắt quả dưa chuột thành từng lát mỏng đắp lên da mặt, nếu sát vào môi lại trị nẻ môi.
Kiêng kỵ : Ăn nhiều dưa chuột thì sinh đái luôn, vãi đái và có thể dẫn đến liệt dương. Người da lạnh và thận hư không ăn dưa chuột.
Ở Ấn Độ, hạt dưa chuột được coi là chất làm mát, bổ và lợi tiểu. Nhân hạt ăn được và được dùng trong sản xuất bánh kẹo. Hạt dưa chuột tán nhỏ, trộn với nước sắc vỏ cây Terminalia arjuna, được uống cùng với ít muối để trị chứng tiểu tiện đau. Một bài thuốc gồm hạt dưa chuột, thân rễ chuối tiêu, thân cây thần thông, măng tre, tro của toàn bộ cây vừng và một số dược liệu khác chữa sỏi niệu và tiểu tiện đau.
Ở Nepal, người ta thường nhai 10-15 hạt dưa chuột già trước bữa ăn sáng trong 3-4 ngày để làm ăn ngon cơm. Ở Indonesia, dịch ép quả dưa chuột chín già trộn với nhục đậu khấu trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Trong y học dân gian Italia, nước sắc hạt dưa chuột dùng uống trị giun sán.
Bài thuốc có dưa chuột:
- Chữa cổ họng sưng đau:
Lấy 1 quả dưa chuột già, bỏ hết hạt, thêm măng tiêu (natri sulfat thiên nhiên tinh chế) vào cho đầy quả, trộn đều, phơi trong râm cho đến khô. Ngậm từng ít một (Y lâm tập yếu).
- Chữa bỏng lửa chưa phồng da:
Ba quả dưa chuột hái vào mùa hè, bỏ vào bình trát kín với một ít rượu. Khi bị bỏng, lấy nước trong bình đựng dưa chuột bôi vào chỗ bỏng.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam