Hương phụ (Cyperus rotundus L.)

Tên khác: Củ Gấu, cỏ cú, sa thảo, cỏ gắm, nhả chông mu (Tày), tùng gáy thật mía (Dao)
Tên nước ngoài: Nut - grass, coo - grass (Anh); souchet arrondi (Pháp)
Họ: Cói (Cyperaceae)

Mô tả:

Cỏ sống dai, cao 20 - 30 cm. Thân rễ hình chỉ, nằm bò dưới mặt đất, từng đoạn phình thành củ hình trứng, từ củ mọc lên thân khí sinh. Thân nhẵn, hình ba cạnh. Lá nhỏ, hẹp và dài, gốc có bẹ ôm thân, đầu lá thuôn nhọn, gân chính rõ.

Cụm hoa ở đỉnh, phân nhánh nhiều thành những bông xếp dạng ngù, bông kép hay cờ không đều; mỗi bông có trục nhẵn mang 3 - 20 bông nhỏ, các bông nhỏ gồm nhiều hoa, trục bông nhỏ có cánh; mỗi hoa mọc ở kẽ một lá bắc con gọi là vảy, các vảy có màu nâu đỏ xếp thành dãy ở trên trục, hình trái xoan tù; hoa không có đài và tràng; nhị 3, bao phấn hình dải thuôn; bầu thượng, có một ô, một noãn, vòi nhuỵ hình chỉ, đầu nhuỵ dài.

Quả bế có 3 cạnh, màu đen nhạt, chứa 1 hạt.

Mùa hoa quả: tháng 3 - 7

Loài củ gấu sống ở bãi cát ven biển, có tên là củ gấu biển hay hải hương phụ (Cyperus, stoloniferus Vahl. với tên đồng nghĩa là Cyperus littoralis R.Br., C.bulbosus var. elatus Camus), cũng được dùng nhưng có chất lượng tốt hơn.

Bộ phận dùng:

Thân rễ củ gấu, thường thu hái vào mùa xuân. Đào vào mùa thu, củ chắc hơn. Sau khi thu hái, vun củ thành đống để đốt, lá và rễ con sẽ cháy hết, lấy những củ còn lại, phơi hay sấy khô. Ở Trung Quốc, có khi người ta lấy củ nấu qua với nước sôi hoặc đồ, rồi mới phơi hay sấy.

Thân rễ hình thoi, mặt ngoài nâu sẫm hay nâu đen, có nhiều nếp nhăn dọc và đốt ngang. Trên mỗi đốt, có lông cứng nâu hay đrn và vết của rễ con. Vỏ và lông tơ còn sót lại màu nâu đen hoặc đen. Mặt cắt ngang màu nâu xám, lõi giữa nâu sẫm. Dược liệu có mùi thơm, vị đắng cay nhẹ.

Thân rễ củ gấu biển to, dài và rộng hơn, ít nếp nhăn dọc, vỏ và lông tơ còn sót lại màu nâu hung, mặt cắt ngang màu nâu hồng.

Theo y học cổ truyền, trước khi sử dụng, củ gấu cần được chế biến. Có thể chế biến theo lối tứ chế (tẩm sao lần lượt bằng 4 phụ liệu khác nhau) hoặc thất chế (tẩm sao bằng 7 phụ liệu khác nhau). Hiện nay mỗi cơ sở chế biến một khác. Phương pháp tứ chế được dùng phổ biến hơn. Phương pháp thất chế tốt hơn nhưng do chế biến phức tạp, nên ít được dùng.

Củ gấu đã chế biến mang tên hương phụ.

Thành phần hoá học:

Củ gấu chứa tinh dầu 0,3 - 2,8%, flavonoid 1,25%, tanin 1,66%, các acid phenol, alcaloid 0,21 - 0,24%, glycosid tim 0,62 - 0,74%.

Ngoài ra củ gấu còn có chất đắng, pectin 8,7%, tinh bột 9,2%, chất béo 2,98% mg, acid hữu cơ 3,25%, protein, vitamin C 8,8% mg, nhiều nguyên tố vi lượng.

Củ gấu mọc ở Việt Nam chứa tinh dầu 0,54%, alcaloid 0,104%, glycosid tim 0,750%, saponin 0,041%, flavonoid 0,720%.

Tinh dầu thân rễ củ gấu chứa hơn 30 cấu tử, trong đó có cyperen 3,67%, b - caryophylen 1,85%, selien 3,17%, cyperotundon 1,83%, cyperolon 4,58%, caryophylen oxyd 11,14%, cyperenol 1,54%, cyclolongifolen 10,57%, patchoulenon 2,92%, patchoulenol 1,24%, isopatchoul, a - cyperon 8,96%, a - cyperol 16,74%, đồng phân của cyperon 12,26%.

Củ gấu biển chứa tinh dầu 0,620%, alcaloid 0,128%, glycosid tim 0,77%, saponin 0,05%, flavonoid 0,78%, đồng phân của cyperon là 14,00%.

Sau khi chế biến theo y học cổ truyền, hàm lượng tinh dầu của 2 loại củ gấu giảm 40 - 50%, một số thành phần mất đi, chủ yếu là hydrocacbon monoterpen.

Tác dụng dược lý:

  1. Đối với tử cung: Cao lỏng củ gấu 5%, thí nghiệm trên tử cung cô lập chuột lang, thỏ, mèo và chó đều có tác dụng ức chế co bóp tử cung, đồng thời làm giảm trương lực. Trên tử cung có chửa cũng như trên tử cung bình thường, cao củ gấu đều có tác dụng ức chế. So sánh với đương quy, tác dụng ức chế co bóp tử cung của gủ gấu yếu hơn. Thành phần dầu chiết từ củ gấu có tác dụng kiểu estrogen, nhưng không mạnh.

  2. Tác dụng giảm đau: Dịch chiết bằng cồn từ củ gấu, thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây đau bằng kích thích điện, bằng đường tiêm dưới da với liều 0,5ml/20g thân trọng, dung dịch 20%, có tác dụng tăng cao ngưỡng kích thích gây đau.

  3. Tác dụng ức chế thần kinh trung ương: tinh dầu củ gấu, thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm phúc mạc với liều 0,03ml/chuột, có tác dụng kéo dài thời gian gây ngủ của pentobarbital. Trên thỏ thí nghiệm, tinh dầu củ gấu tăng cường tác dụng gây mê của scopolamin. Về cơ chế tác dụng, qua thí nghiệm chứng tỏ củ gấu ức chế chủ yếu quá trình dẫn truyền các xung thần kinh qua synap của tế bào vùng hải mã và bó tháp, còn đối với dẫn truyền qua sợi trục thần kinh thì không có tác dụng ức chế.

  4. Các tác dụng khác: Dạng chiết bằng ether dầu hoả từ củ gấu có tác dụng chống viêm, hoạt chất chống viêm chủ yếu là a - cyperen có tác dụng ức chế mạnh sự hình thành prostaglandin E2. Theo tài liệu Ấn Độ, củ gấu có mùi thơm, có tác dụng làm ra mồ hôi và lợi tiểu.

Tính vị, công năng:

Củ gấu có vị cay, hơi đắng, tính bình, vào các kinh can, tam tiều. Có tác dụng lý khí, điều kinh, thư can, chỉ thống.

Vị củ gấu qua những phương pháp sao tẩm khác nhau, có tính năng công dụng không giống nhau. Củ gấu sống (chưa qua chế biến) có tác dụng giải cảm. Củ gấu sao đen có tác dụng cầm máu dùng trong trường hợp rong kinh, củ gấu tẩm nước muối sao chữa bệnh về huyết, tẩm đồng tiện (nước tiểu trẻ em) sao có tác dụng giáng hoả trong chứng bốc nóng, tẩm giấm sao có tác dụng tiêu tích tụ chữa các trường hợp huyết ứ, u báng, và tẩm rượu sao có tác dụng tiêu đờm.

Hương phụ tứ chế (tẩm muối, đồng tiện, giấm, rượu) được dùng chữa các chứng bệnh của phụ nữ.

Công dụng:

Củ gấu là một vị thuốc được dùng khá phổ biến trong y học cổ truyền, với nhận định: 'nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ' có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu trần bì và chữa bệnh cho nữ giới không thể thiếu hương phụ.

Củ gấu được dùng làm thuốc điều kinh, giảm đau, chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm tử cung mạn tính, băng lậu đới hạ, còn là thuốc kiện tỳ vị, chữa can vị bất hoà, đau dạ dày, ăn không ngon, tiêu hoá kém, nôn mửa.

Liều dùng hàng ngày: 6 - 12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc cao hoặc thuốc viên. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc có củ gấu:

  1. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, huyết áp cao:

Củ gấu 3g, ích mẫu 3g, ngải cứu 3, bạch đồng nữ 3g. Sắc với nước, chia làm 3 lần uống trong ngày. Muốn cho kinh nguỵệt đều, uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh (thuốc hương ngải).

  1. Chữa kinh nguyệt không đều, kinh đến muộn, bụng dưới tức đau, lúc hành kinh có máu cục tím:

Củ gấu 5g, đương quy 10g, thược dược 10g, xuyên khung 5g, ô dược 7g, ngải diệp 3g. Sắc nước uống.

  1. Chữa kinh nguyệt không đều và các chứng bệnh của phụ nữ:

Củ gấu 1kg chia thành 4 phần, mỗi phần tẩm riêng rượu, giấm, nước muối và nước tiểu. Về mùa xuân để 3 ngày, mùa hè 1 ngày, mùa thu 5 ngày, mùa đông 7 ngày. Sau đó rửa sạch, sấy khô, tán nhỏ, nấu giấm với hồ trộn đều bột mà viên bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 10 -12g.

  1. Chữa băng huyết, rong kinh:

Củ gấu sao đen tán bột, mỗi lần uống 6g; ngày 2 lần. Nếu có kèm theo mê man, gia thêm bẹ móc đốt thành than tán bộ uống với nước cơm.

  1. Chữa kinh nguyệt không đều do huyết nhiệt, kinh thường thấy trước kỳ, lượng huyết nhiều màu sẫm, mùi hôi, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ:

Củ gấu (tứ chế) 12g, cỏ nhọ nồi 30g, sinh địa 16g, cỏ roi ngựa 25g, ích mẫu 16g, rau má tươi 30g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

  1. Chữa dạ dày lạnh đau, nôn, ợ ra nước trong:

Củ gấu 5g, can khương 3g, mộc hương 3g, khương bán hạ 10g. Sắc nước uống.

  1. Chữa hội chứng dạ dày:

Củ gấu 6g, sài hồ 12g, thanh bì 8g, rau má 12g, chỉ xác 6g, trần bì 6. Sắc nước, chia 3 lần uống, uống trước bữa ăn, vào sáng trưa chiều (theo phép chữa lý khí, thư can).

Củ gấu 12g, thanh bì 12g, bồ công anh 12g, rau má 16, lá khôi 16g, chỉ xác 12g, khổ sâm 12g, ngải cứu 8g. Sắc nước uống, chia làm 3 lần trong ngày (theo phép chữa thanh can, giáng hoả).

Củ gấu 12g, ngải cứu 12g, ô dược 12g, tô mộc 12g, uất kim 6g, hồng hoa 6g, bồ công anh 12g. Sắc nước uống (theo phép chữa hành khí hoạt huyết).

  1. Chữa tiêu hoá kém:

Củ gấu (sao) 12g, vỏ quýt (sao) 12g, vỏ vối (sao) 12g, vỏ rụt (sao) 16g, chỉ xác 12g. Sắc nước uống, nếu có kèm tiêu chảy thêm củ riềng 8g, búp ổi 12g.

  1. Chữa đau bụng, nôn mửa:

Củ gấu, riềng, gừng khô, mỗi vị lượng bằng nhau, tán thành bột nhỏ, mỗi lần dùng 6g. Ngày 3 lần.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post