Mãng cầu xiêm (Annona muricata L.)
Tên nước ngoài: Muricate custard apple - tree, soursop (Anh); corossolier, annone muriquée (Pháp)
Họ: Na (Annonaceae).
Mô tả:
Cây nhỡ, cao 4 - 6m. cành có nhiều mẩu, nhẵn, màu xám nâu. Lá mọc so le, hình mũi mác - trái xoan hoặc trứng ngược, dài 10 - 12 cm, rộng 3 - 5cm, gốc thuôn, đầu tù, hai mặt nhẵn có gân nổi rõ, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt; cuống lá mập, gấp khúc và nhẵn.
Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu lục vàng; lá dài hình tam giác ngắn, có lông ở hai mặt; cánh hoa rộng và dày, gốc thắt hình tim, có lông; nhị nhiều, trung đới hình vuông, có lông; bầu thượng.
Quả hình cầu hoặc hình tim, hơi dẹt, vỏ ngoài có những nốt sần nhọn ứng với những múi ở trong, thịt màu trắng, vị ngọt chua; hạt màu đen.
Mùa quả: tháng 3-5.
Bộ phận dùng: Lá quả và hạt, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hoá học
Lá mãng cầu xiêm chứa ít tinh dầu. vỏ quả chứa 0,05% alcaloid, có 2 alcaloid kết tinh được là muricin và muricinin, đều thuộc nhóm aporphin.
Một số alcaloid khác có tác dụng sinh học cũng được tìm thấy trong một số cây họ na như diazafluoranthen, azaoxoaporphin, azafluoren, azaanthracen (CA. 117, 178152 y). Những năm gần đây nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu các hợp chất acetogenin trong họ na do hợp chất này có nhiều hoạt tính quan trọng như tác dụng chữa ung thư, chữa sốt rét, diệt ký sinh trùng, kháng khuẩn và suy giảm miễn dịch kể từ khi J. R. Cole và cộng sự phát hiện ra loại hợp chất này đến nay đã chiết xuất và phân lập trên 100 hợp chất acetogenin chủ yếu là trong các cây họ na. Cấu trúc của acetogenin là những dẫn xuất của axit béo mạch dài có chứa vòng tetra hydrofuran với nhiều nhóm chức khác như - OH, acetonyl, ceton dọc theo chuỗi hydrocarbon. Rupprech J. Kent; Shue Yu; CA. 119, 203444 t) (Phytochemistry. 1996 42 (2) 253.271; Phytoch. 1993, 34 (1) 281 - 5) có tác giả coi acetogenin là ngôi sao của thuốc chữa ung thư trong tương lai.
Một số acetogenin có trong mãng cầu xiêm như: Neoisoannonacin 10 on, (1) isoneoannonacin 10 on (2), muricatetrocin A (3), muricatetrocin (4) giganterrocin B (5) gigantetrocin A (6)
Ngoài ra còn annonacin, isoannonacin, annonacin 10 on, isoannonacin 10.on. gonithalamicin, gigantetrocin, diepomuricanin, epomuricenin A; epomuricenin B; muricatacin, corossolin, howiicin A, B. dexyhowiicin B; neoannonacin 10 on, howicin F, G annomuricin, annomurin, muricin, muricinin. (Trung dược từ hải n 712; Phytochemistry 1993, 34 (1) 281 - 5).
Thành phần chất béo có trong dầu hạt mãng cầu xiêm gồm 79 - 98,3% các triglycerid và một lượng nhỏ các acid béo. Cả các acid béo và glycerid đều gồm các acid palmitic, oleic, và linoleic (Budiman, Catur, Putra Hasri CA. 118,56214v) Trong lá còn chứa 1 lượng khá cao chlorua kali, và tanin.
Tác dụng dược lý
Đã nghiên cứu thấy 2 acetogenin là corossolon và corossolin phân lập từ hạt mãng cầu xiêm có tác dụng độc hại tế bào trong nuôi cấy tế bào với tôm nước lợ Artemia salina, có triển vọng là thuốc trị ung thư.
Công dụng
Lá mãng cầu xiêm được dùng chữa sốt rét. Lấy 50g lá tươi rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống với ít đường. Lá còn có tác dụng chữa ho.
Quả mãng cầu xiêm còn xanh, thái mỏng, phơi khô, tán bột, uống mỗi lần 4 - 8g chữa kiết lỵ, ngày 2 lần
Ở Ấn Độ và Indonesia, thịt quả hoặc quả mãng cầu xiêm còn non có tác dụng chữa bệnh scorbut. Hạt giã nhỏ để duốc cá và hòa với nước để trừ sâu. Ở Haiti, người dân địa phương dùng lá mãng cầu xiêm sắc uống trị cúm, ho, và suy nhược (có thể dùng dịch ép quả). Ở Peru, hạt hoặc lá giã nát trị ký sinh trùng, nước sắc lá uống trị lỵ.
Bài thuốc có mãng cầu xiêm
- Chữa sốt rét :
a. Lá mãng cầu xiêm khô 20 g, vỏ rộp cây ổi l0g. Sao vàng, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày.
b. Lá mãng cầu xiêm, lá na, lá trầu không, rau má, đọt ớt, đọt tre, mỗi vị 7 lá hoặc đọt đối với nam, 9 đối với nữ; cỏ mần trầu một bụi sấy khô; gừng một miếng gọt vỏ nướng chín; trà ngon một ấm; đường thẻ một miếng; ổ tò vò 4 - 5 ổ; phèn chua phi đổ vào vỉ sắt nướng đỏ, rồi đổ vào các vị thuốc, sắc uống.
- Chữa ho:
Lá mãng cầu xiêm, lá sả, mỗi vị 20g. sắc uống.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam