Thạch tằm (Ludisia discolor (Ker. I Gawl.) A. Rich.)
Tên đồng nghĩa: Haemaria discolor (Ker. - Gawl.) Lindl.
Tên khác: Sơn tiên, lan cùi dìa, lá gấm, lan gấm.
Tên nước ngoài: Jewel orchid.
Họ: Lan (Orchidaceae).
Mô tả:
Cây thảo ký sinh. Thân mềm mọng nước, hình dạng giống con tằm, phần dưới mọc bò, bén rễ ở các mấu, phần trên mọc đứng, cao 15 - 25 cm, hơi có lông. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 4-7 cm, rộng 2,5 - 3 cm, gốc tròn, đầu tù hơi nhọn, mặt trên màu xanh lọc, đôi khi màu tía, mặt dưới màu hồng tím, gân chính 3-5, hình cung; cuống lá dài có bẹ ở gốc.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông dài 3 - 8cm, có lông dày đặc; lá bắc màu nâu vàng; hoa màu trắng; lá đài lưng dính liền với cánh hoa thành mũ có 3 răng, lá đài bên rời nhau; cánh môi màu vàng hình chữ T, cột dài bằng bao phấn; bầu có lông.
Quả nang.
Mùa hoa quả: tháng 3-4.
Bộ phận dùng: Toàn cây thu hái quanh năm, phơi khô.
Tính vị, công năng
Thạch tằm có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng tư âm, an thần, nhuận phế, làm mát phổi, mát máu, sinh tân dịch, tiêu viêm.
Công dụng
Thạch tằm dược dùng chữa háo phổi, lao phổi, khạc ra máu, thần kinh suy nhược, chán ăn, đau dạ dày. Ngày 3 - 10g sắc uống. Dùng tươi ngày 10 - 15g.
Bài thuốc có thạch tằm
- Chữa phổi kết hạch, khạc ra máu, thần kinh suy nhược, kém ăn, ít ngủ:
Thạch tằm, mạch môn, huyền sâm, ngưu tất, hạt thảo quyết minh (sao), hoài sơn, mỗi vị 20g, sắc uống.
- Chữa viêm phế quản, ho:
Thạch tằm, mạch hộc (Bulbophyllum concinnum Hook. f.), ngọc trúc, bách bộ (lượng bằng nhau 20 - 40g). Sắc uống.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam