Rau Má (Centella asiatica (L.) Urban)

Tên khác : Liên tiền thảo, tích tuyết thảo, phjăc chèn (Tày), tằng chán mía (Dao).
Tên đồng nghĩa : Hydrocotyle asiatica L.
Tên nước ngoài: Indian pennywort (Anh); centelle, bévilacque (Pháp).
Họ: Hoa tán (Apiaceae).

Mô tả:

Cây thảo nhỏ, cao 7-10 cm. Thân mảnh, mọc bò, có lông khi còn non, bén rẽ ở các mấu. Lá mọc so le, nhưng thường tụ họp 2 - 5 cái ở một mấu, phiến lá nhẵn, hình thận hoặc gần tròn, mép khía tai bèo; cuống lá mảnh, dài 3 - 5 cm, có khi đến 7 - 8 cm.

Cụm hoa gồm những tán đơn mọc riêng lẻ hoặc 2 - 5 cái ở kẽ lá, mỗi tán mang 1 - 5 hoa (thường là 3) màu trắng hoặc phớt đỏ, hoa giữa không có cuống; tổng bao có 2 - 3 mảnh hình trái xoan, lõm, dạng màng; cánh hoa hình tam giác hoặc trái xoan; nhị có chỉ nhị ngắn, bao phấn hình mắt chim; bầu hình cầu.

Quả màu nâu đen, đỉnh lõm, có 7 - 9 cạnh lồi, nhẵn hoặc có lông nhỏ, có vân mạng.

Mùa hoa quả : tháng 4-6.

Bộ phận dùng:

Toàn cây, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

Thành phần hóa học:

Rau má chứa những hợp chất thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau

  1. Triterpen : Saponin triterpenic; asiaticosid (madecassol), madecassosid, irahmosid, brahminosid.

Ngoài ra, còn có thankunisid và isothankunisid. Khi thủy phân, thankunisid cho acid thankunic, glucose và rhamnose.

Isothankunisid đem thủy phân sẽ cho acid isothankunic, glucose và rhamnose.

Các acid triterpenic trong rau má là acid asiatic, acid brahmic, acid isobrahmic. (Trung thảo dược học II. 1976).

Rau má không được chứa dưới 2% triterpen ester glucosid (asiaticosid và madecassosid (WHO monographs on selected medicinal plants, vol. 1, 1999).

  1. Tinh dầu : Phần trên mặt đất của cây rau má mọc ở Malaysia có 41 thành phần, trong dó 80% là các sesquiterpen (thành phần chính) và 10% germacren - D (thành phần có nhiều).

Cây rau má mọc ở Srilanca chứa tinh dầu; trong đó có beta - copaen 14%, β-caryophylen 12%, trans- β- famesen 53% và beta -humulen 9%. (Prosea 12 (1), 1991).

  1. Các hợp chất polyacetylen: Rau má có 14 chất polyacetylen, trong dó 5 chất đã được nhận dạng là pentadeca -2,9- dien - 4,6 - diyn - 1 -ol acetat; 3, 8 - diacetoxypentadeca - 1,9 - dien - 4, 6 - diyn ; 3 - hydroxy - 8 - acetoxy - pentadeca - 1,9 - dien - 4,6 - diyn ; 3 - hydroxy - 10 - acetoxy - pentadeca - 1,8 - dien - 4,6 - diyn và pentadeca -1,8 - dien - 4,6 - diyn - 3,10 - diol (W. Tang và cs, 1992).

  2. Flavonoid: Các Flavonoid gồm kaempferol, quercetin, 3 - glucosyl quercetin, 3 - glucosyl - kaempferol (Trung dược từ hải I, 1993 ; vv. Tang và cs, 1992).

  3. Steroid: Các hợp chất steroid gồm β-sitosterol, stigmasterol và campestrol.

  4. Dầu béo: Các glycerid của các acid oleic, linoleic, lignoceric, palmitic, stearic, linolenic, elaidic.

  5. Acid amin: Acid glutamic, serin, alanin.

  6. Các nhóm thành phần khác: Tanin, carotenoid, vitamin c, alcaloid (hydro cotylin), oligosaccharid (centelose).

Tác dụng dược lý:

Hoạt chất asiaticosid của rau má đã được chứng minh có hiệu quả trong diều trị bệnh phong, do làm tan bao bằng chất giống sáp của trực khuẩn phong; trực khuẩn trở nên mỏng manh và dễ bị phá hủy. Khi tiêm dung dịch thuốc, các u nhỏ của bệnh nhân phong bị vỡ ra, những thâm nhiễm lan tỏa mất đi, những vết loét thủng và những thương tổn ở ngón tay lành lại, và đặc biệt những tổn thương ở mắt khỏi nhanh chóng, nếu tiến hành diều trị trước khi hốc sau của mắt bị tổn thương. Asiaticosid và oxy-asiaticosid (thu được do oxy hóa asiaticosid) dược dùng điều trị một số thể bệnh lao.

Rau má có tác dụng chống phù thực nghiệm do kaolin, tương đương với aspirin. Thuốc mỡ rau má có tác dụng kích thích tái tạo tổ chức tế bào và điều chỉnh quá trình lên sẹo của vết thương do gây bỏng thực nghiệm cho thỏ. Thuốc có hiệu lực tốt trong diều trị các tổn thương bỏng nông xen kẽ bỏng sâu. Ở vết bỏng, phát triển tổ chức hạt, lên da non và liền sẹo tốt. Thuốc không có tác dụng loại trừ tổ chức hoại tử bỏng và không có tác dụng kháng khuẩn với dạng thuốc đã dùng.

Rau má có tác dụng làm giảm nhẹ cơn dị ứng khó thở ở chuột Lang đã được tiêm kháng nguyên để gây mẩn cảm, sau đó gây cơn dị ứng khó thở bằng cách đưa kháng nguyên vào đường hô hấp trong buồng khí dung (kéo dài thời gian an toàn hoặc hạ thấp tỳ lệ chuột chết); có tác dụng chống co thắt phế quản chuột lang, kéo dài thời gian an toàn, làm chậm xuất hiện triệu chứng khó thở ở chuột đặt trong buồng khí dung histamin; kháng lại độc lực của nọc rắn, nâng cao tỷ lệ sống, kéo dài thời gian cầm cự của chuột đã tiêm nọc rắn hổ mang.

Nước sắc rau má, qua phân tích bằng sắc ký lớp mỏng, thấy có một số vết chất có tác dụng chống oxy hóa trong ống kính.

Nước sắc có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn mủ xanh và tụ cầu khuẩn vàng. Rau má có tác dụng kháng Entamoeba histolytica trong ống kính và trên cơ thể sống, chống co thắt hồi tràng cô lập chuột lang gây bởi acetylcholin và histamin

Các hợp chất triterpen được coi là hoạt chất có tác dụng dược lý. Nhiều thử nghiệm trên động vật và nghiên cứu lâm sàng đã xác nhận cao rau má có tác dụng làm lành vết thương.

Bệnh nhân bị bỏng, viêm mô tế bào, bị bệnh phong và loét da đã được điều trị trong những nghiên cứu có kiểm chứng. Acid asiatic, acid madecassic và asiaticosid được thử riêng rẽ và hỗn hợp trên sự tổng hợp colagen I ở các nguyên bào sợi của da người in vitro. Hỗn hợp cũng như từng thành phần riêng rẽ kích thích sự tổng hợp colagen I với mức độ tương đương. Colagen I góp phần làm lành vết thương.

Hỗn hợp brahmosid và brahminosid có hoạt tính chống co thắt, hạ sốt, ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần và hạ áp. Rau má có tác dụng gây ngủ, giảm đau trung gian qua các thụ thể đáp ứng với thuốc phiện. Cao cồn ethylic có hoạt tính chống stress, trong đó có stress gây bởi sự tạo loét dạ dày ở chuột cống trắng, giống như hoạt tính của diazepam.

Trong một nghiên cứu lâm sàng ở Italia, bệnh nhân có thiểu năng tĩnh mạch cấp do những nguyên nhân khác nhau được điều trị với cao rau má với liều 60 mg/ngày trong 4 tháng. Với đa số bệnh nhân, thuốc có tác dụng chống các triệu chứng chủ quan, nhưng không gây thay đổi đáng kể về soi mao mạch kết mạc.

Trong một nghiên cứu đa trung tâm, mù kép, có kiểm tra với placebo ở Pháp với những bệnh nhân có thiểu năng tĩnh mạch các chi dưới, có sự khác biệt có ý nghĩa trong tác dụng của cao rau má làm giảm sự nặng ở các chi dưới và phù, và làm tăng sức căng của tĩnh mạch. Phân đoạn triterpen của rau má có tác dụng trên chuyển hóa của mô liên kết ở thành mạch và trên vi tuần hoàn. Điều trị với phân đoạn triterpen trong 3 tuần gây giảm có ý nghĩa số lượng tế bào nội mô lưu thông ở bệnh nhân có hội chứng sau viêm tĩnh mạch.

Một cao rau má có hoạt tính chống virus herpes II Asiaticosid có tác dụng thúc đẩy nhanh sự hồi phục của chuột lang có bệnh lao gây thực nghiệm. Hợp chất này làm lành bệnh do hoạt tính kìm vi khuẩn và kích thích mô lưới - nội mô. Tác dụng chống khối u của cao thô rau má và của những phân đoạn tinh chế một phần đã được nghiên cứu trong thử nghiệm in vitro thời gian ngắn và thời gian dài về tính hóa cảm thụ.

Sự tăng sinh của những dòng tế bào biến đổi bị ức chế nhiều hơn bởi những phân đoạn tinh chế một phần s0 với cao thô. Những liều có tác dụng 50% khi cho tác động 3 giờ của các phân đoạn là 17 µg/ml đối với tế bào u báng Ehrlich và 22 µg/ml đối với tế bào u báng của u bạch huyết Dalton. Hầu như không phát hiện thấy tác dụng độc hại với tế bào lympho bình thường của người. Ở nồng độ 8 µg/ml, những phân đoạn tinh chế một phần cũng ngăn chặn đáng kể sự nhân lên của những nguyên bào sợi của phổi chuột nhắt trắng. Các cao làm chậm sự phát triển các u rắn và u báng và làm tăng thời gian sống của các chuột nhắt trắng mang u.

Nghiên cứu trên chuột lang cho thấy rau má và các thành phần asiaticosid, acid asiatic, madecassosid và acid madecassic có tác dụng gây mẫn cảm rất yếu; mặc dù bôi thường xuyên trên da bị tổn thương, khả năng gây mẫn cảm do tiếp xúc rất thấp. Liều độc của asiaticosid khi tiêm bắp cho chuột nhắt trắng và thỏ là 40 - 50 mg/kg thể trọng. Khi cho uống 1g asiaticosid cho 1 kg thể trọng không gây độc trên chuột cống trắng.

Rau má có tác dụng độc khi dùng liều rất lớn hoặc dùng thời gian dài. Nó có thể gây mê, nhức đầu, chóng mặt, và đôi khi ở người mẫn cảm, có thể dẫn tới hôn mê. Phản chỉ định đối với người có bệnh tim mạch và chảy máu bên trong. Khả năng gây ung thư của rau má chưa được nghiên cứu kỹ, tuy rau má có tác dụng gây ung thư nhẹ ở động vật thí nghiệm. Asiaticosid cũng làm giảm khả năng sinh sản ở chuột nhắt trắng cái.

Tính vị, công năng:

Rau má có vị đắng hơi ngọt, mùi thơm, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, sát trùng, cầm máu, nhuận gan.

Công dụng:

Rau má được dùng chữa sốt, đan độc, mụn nhọt, bệnh gan vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón, tả lỵ, tiểu tiện rắt buốt, khí hư bạch đới, mất sữa. Rau má sắc với thân cây mào gà uống chữa vàng da.

Ngày dùng 30 - 40g cây tươi, vò nát, vắt lấy nước hoặc phơi khô sắc uống. Còn dùng đắp ngoài chữa các vết thương do ngã, gãy xương, bong gân và làm tan ung nhọt. Giã rau má với nhọ nồi đắp làm thuốc cầm máu.

Gần đây, rau má đã dược nghiên cứu tác dụng chữa phong và lao. Ở các tỉnh phía nam, rau má được dùng làm nước giải khát.

Ở Trung Quốc, rau má được dùng chữa các chứng bệnh cảm mạo, đau đầu, viêm amidan, mắt đỏ, đau răng. Viêm gan siêu vi khuẩn truyền nhiễm, viêm đường tiết niệu, đái khó, vết thương do đụng giập, eczema, mẩn ngứa, ho gà.

Trong y học Ấn Độ, rau má là thuốc lợi tiếu, tăng dinh dưỡng và bổ. Nước hãm rau má được dùng ở Ấn Độ và Madagascar để điều trị bệnh phong, các triệu chứng của bệnh và tăng cường sức khỏe chung của bệnh nhân. Thường dùng lá, và cũng có thể dùng toàn cây. Với liều quá cao, rau má là một chất gây mê, gây choáng váng và đôi khi gây hôn mê. Ở Nepal, rau má được dùng làm thuốc bổ thần kinh và đắp lá tươi điều trị vết đứt và vết thương. Ở Thái Lan, rau má là thuốc bổ và trị lỵ.

Ở Madagascar, rau má có tác dụng chữa loét đường tiêu hóa, làm liền sẹo bên trong và bên ngoài. Trong y học dân gian Srilanca, rau má được dùng làm thuốc lợi sữa.

Rau má có trong thành phần một bài thuốc ở Indonesia chữa sởi và nhiễm trùng đường tiết niệu, và trong một sirô chống động kinh ở Ấn Độ; sirô này có hoạt tính chống động kinh rõ rệt trong thử nghiệm trên chuột cống trắng.

Trong y học cổ truyền Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc, rau má còn được dùng làm thuốc mát. Công dụng quan trọng nhất của toàn cây là chữa bệnh về da. Dùng lá tươi giã nát, dịch ép tươi, nước sắc hoặc cao, tùy theo bệnh. Nhiều chế phẩm bán không cần đơn được dùng để chăm sóc da (dưỡng da) chứa cao rau má hoặc asiaticosid. Cao được dùng tại chỗ làm thuốc hỗ trợ trị vết thương và bỏng nhẹ, trị sẹo lồi, loét chân, viêm tĩnh mạch, vết thương lâu lành, bệnh cứng bì, luput, bệnh phong, tổn thương ngoại khoa, viêm mô tế bào và bệnh áp tơ. Cao tinh chế của rau má thúc đẩy nhanh sự lên sẹo và ghép da. Cao rau má uống làm giảm các triệu chứng thiểu năng tĩnh mạch và mạch bạch huyết.

Trong y học hiện đại, rau má ít được dùng trực tiếp, mà thường ở dạng cao đã được tiêu chuẩn hóa bằng đường uống, tiêm bắp hoặc dưới da. Một pomat đặc chứa 1 - 2% cao rau má điều trị có kết quả những vết thương nhiễm bẩn. Cao rau má điều trị bỏng độ hai và độ ba có tác dụng dự phòng sự co rúm và sưng do nhiễm khuẩn và ức chế tạo sẹo lồi. Kem chứa 1% cao rau má điều trị loét da nhiễm khuẩn mạn tính. Một cao tiêu chuẩn hóa rau má điều trị có hiệu quả loét chân lâu lành.

Viên nang chứa cao rau má hoặc asiaticosid và kali clorid có hiệu quả như dapson trong điều trị bệnh nhân phong. Cao rau má tiêu chuẩn hóa được dùng điều trị loét dạ dày tá tràng có tác dụng tốt cải thiện các triệu chứng chủ quan và làm lành các vết loét ở 73% bệnh nhân qua xét nghiệm bằng nội soi và chụp tia rơngen

Ở nhiều nước Đông Nam Á, nhân dân dùng rau má làm rau ăn. Ở Thái Lan, việt Nam, Campuchia và Lào, dịch ép rau má pha với nước và cho thêm ít đường làm nước giải khát.

Bài thuốc có rau má:

  1. Chè giải nhiệt:

Rau má 15,3%, vỏ dậu xanh 15,3%, bạch biển đậu 15,3%, mạch môn đông 15,3%, sinh địa 9,18%, sa sâm 7,65%, lá tre 7,65%, cát căn 7,65%, cam thảo 4,6%, bạch chỉ 2,29%. Hãm uống trong ngày.

  1. Chữa bệnh ngoài da thể phong nhiệt: chàm khô, tổ đỉa khô, á sừng, viêm da thần kinh, viêm nang lông và vảy nến thể khô:

a) Rau má 16g; chi tử, huyền sâm, thiên môn, đậu đen, ngưu tất, thạch cao, mỗi vị 20g; hoài sơn, lá dâu, mỗi vị 16g; hoàng liên 8g; thiền thoái 6g. sắc uống ngày một thang.

b) Thuốc xông, ngâm, bôi, chườm : Rau má 16g; khổ sâm nam, quyết minh tử, hoàng đằng, mỗi vị 20g; hà thủ ô, cỏ mực, mỗi vị 16g; kinh giới, phèn chua, mỗi vị 12g.

  1. Chữa tiêu chảy cấp tính:

Rau má sao vàng 10g; biển đậu 12g; hoắc hương, hương phụ, hạt mã đề, mỗi vị 8g; sa nhân 3g; gừng 2g. Sắc uống ngày một thang.

  1. Chữa viêm loét dạ dày tá tràng:

Rao má 12g; đảng sâm 16g; hoài sơn, ý dĩ, hà thủ ô, huyết dụ, kê huyết đằng, cam thảo dây, đỗ đen sao, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

  1. Chữa viêm bàng quang cấp tính:

Rau má 12g; bồ công anh 20g; mã đề 16g; thài lài tía, chi tử, râu ngô, cam thảo dây, mộc thông, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

  1. Chữa vàng da:

Rau má 100g; nhân trần hoặc bồ bồ, chi tử, mỗi vị 30g; vàng đắng 3g. Sắc uống ngày một thang.

  1. Chữa thiếu máu:

Rau má, đảng sâm, ngải cứu, củ mài, mạch nha, cỏ nhọ nồi, huyết dụ, hoàng tinh, mỗi vị 20g; gừng 4g

sắc uống ngày một thang, hoặc làm viên uống mỗi ngày 20g.

  1. Chữa đau bụng, tiêu chảy, lỵ, tiểu tiện đục, sỏi thận, sỏi bàng quang:

Rau má (cả dây và lá) rửa sạch, giã nhỏ, lọc lấy nước hòa thêm ít đường mà uống. Có thể nhai sống rau với ít muối hoặc luộc ăn như rau. Ngày 30 - 40g.

  1. Chữa đau bụng kinh, đau lưng:

a) Rau má hái lúc ra hoa, phơi khô tán nhỏ. Ngày uống một lần, 2 thìa cà phê vào buổi sáng.

b) Rau má khô (200g), nhân hạt đào (200 hạt, bỏ vỏ và đầu nhọn), đều tán nhỏ, viên với mật như hạt ngô. Mỗi sáng uống 30 viên với rượu. Ngày uống 2 lần, kiêng xoa bóp.

  1. Chữa rôm sảy, mẩn ngứa:

Hàng ngày ăn rau má trộn dầu giấm, hoặc rau má giã nát vắt lấy nước thêm đường để uống.

  1. Chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, đái đỏ; trẻ em gầy khô, da nóng, không chịu ăn, hoặc nổi mẩn ngứa, đơn sưng; phụ nữ có thai kém ăn, đau bụng, táo bón:

a) Rau má, rau sam, mỗi thứ 50g, giã nhỏ, thêm một chén nước nguội, chắt lấy nước cốt uống.

b) Rau má, rau sam, sắn dây, mỗi vị 30g, sắc uống.

  1. Chữa liệt nửa người và câm sau khi bị sốt ở trẻ em:

Rau má 10g, đảng sâm 8g, thổ phục linh 8g, bạch giới tử 8g, bạch truật 6g, bạch biển đậu 6g, đương quy 6g, bạch thược 6g, cam thảo 4g, sa nhân 4g, trần bì 4g, thạch xương bồ 4g. sắc uống.

  1. Bài thuốc chống lão suy:

Rau má 500g; lá dâu non, mật ong, mỗi vị 250g; vừng đen (rang thơm), rễ ngưu tất, rễ ba kích, mỗi vị 150g; rễ hà thủ ô trắng 100g; đường 100g. Các dược liệu phơi khô, tán nhỏ cùng với vừng đen, rây bột mịn, trộn với đường và mật ong, làm thành 100 viên. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 1 - 2 viên.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post