Súp Lơ (Brassica oleracea L. var. botrytis L.)

Tên khác: Bông cải, cải hoa.
Tên nước ngoài: Cauliflower, broccoli (Anh); Chou - fleur (Pháp).
Họ: Cải (Brassicaceae).

Mô tả:

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành ngù; hoa màu trắng có cuống mập, áp sát nhau tạo thành một khối dày đặc.

Cây thân thảo, sống hằng năm hoặc hai năm, cao 30 - 40 cm. Thân ngắn, hình trụ, không phân nhánh. Lá dày, mọc so le rất sít nhau, hình thuôn dài, mép lượn sóng, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt.

Quả cải, thuôn hẹp và dài, có mỏ nhọn.

Bộ phận dùng:

Phần trên mặt đất.

Thành phần hoá học:

Súp lơ chứa nước 95%, protid 1,8%, carbohydrat 5,4%, cellulose 1,6%, tro 1,2%, phosphor 31 mg%, calci 4,8 mg%, sắt 1,1 mg%, magnesium 30 mg%. Hàm lượng vitamin c chỉ kém cà chua, cao hơn cà rốt 4,5 lần, hơn khoai tây, hành tây 3,6 lần (Võ Văn Chi, 1997),

Súp lơ chứa 3 - sophorosid - 7 - glucosid của kaempferol, quercetin và isorhamnetin (lá).

Ngoài ra, còn có cyanidin - 3 - sophorosid - 5 - glucosid, cyanidin - 3 - malonyl sophorosid - 5 - glucosid, cyanidin - 3 - p - coumaryl sophosid - 5 - glucosid, cyanidin - 3 - (di - p - coumaryl) - sophorosid - 5 - glucosid, cyanidin - 3 - ferulylsophorosid - 5 - glucosid, cyanidin - 3 - (diferulyl) I sophorosid - 5 - glucosid, cyanidin - 3 - sinapyl sophorosid - 5 - glucosid và cyanidin - 3 - disinapyl) - sophorosid - 5 - glucosid

(Compendium of Indian Medicinal Plants II (1970 -1979), 1999).

Tác dụng dược lý:

Súp lơ có tác dụng hạ đường máu. Chiết dầu cải hoa từ các lát cắt mỏng cải hoa tươi phơi khô và ngâm trong diethyl ether trong 2 ngày; dung dịch ngâm được chắt và cất, còn lại dầu. Sử dụng chuột cống trắng có đường máu trên 180mg/100ml và dùng insulin thường để so sánh. Ở chuột cống trắng tăng đường máu được điều trị với dầu súp lơ, glucose máu, cholesterol trong huyết thanh và gan, glycerid trong huyết thanh, gan và thận và lipid trong gan toàn phần đã giảm có ý nghĩa; tuy nhiên, thể trọng không tăng. Dầu súp lơ cũng có hiệu quả như liều cao insulin. Tác dụng giảm cholesterol máu được quy cho sự hiện diện của các hợp chất lưu huỳnh.

Đã nghiên cứu tác dụng của một đồ uống chế từ rau xanh đóng hộp, chứa súp lơ và cải bắp thứ capitata là nguyên liệu chinh, trên nồng độ lipid huyết thanh ở bệnh nhân tăng cholesterol máu. Có 31 đối tượng người lớn được cho 2 hộp đồ uống (160g/hộp) mỗi ngày trong 3 tuần. Các nồng độ cholesterol toàn phần và lipoprotein tỷ trọng thấp - cholesterol trong huyết thanh giảm xuống có ý nghĩa. Ở 9 tuần sau khi ngừng uống, các nồng độ này trở về mức trước khi dùng đồ uống. Bên cạnh đó, 14 đối tượng khác uống mỗi ngày một hộp trong 12 tuần cũng có sự giảm có ý nghĩa các nồng độ cholesterol toàn phần và lipoprotein tỷ trọng thấp - cholesterol trong huyết thanh.

Súp lơ chứa quercetin là một ftavonoid có khả năng chống sinh ung thư. Hàm lượng của quercetin trong súp lơ là 30 mg/kg. Đã phát hiện tác dụng giản phân của 2 thứ của loài Brassica oleracea: thứ capitata (cải bắp) và thứ acephala.

Glucoraphanin là glucosinolat chính trong súp lơ được thuỷ phân bởi enzyme thực vật nội sinh myrosinase để tạo nên chất chống ung thư mạnh là sulforaphan của sulforaphan nitril. Các hoạt tính sinh học của sulforaphan và sulforaphan nitril được so sánh trên tế bào u gan chuột cống trắng và chuột nhắt trắng. Cho chuột cống trắng Fischer đực 4 tuần tuổi uống sulforaphan hoặc sulforaphan nitril (200, 500 hoặc 1000 micromol/kg) bằng ống thông hàng ngày trong 5 ngày. Hoạt tính của quinon reductase và glutathion - s - transferase ở gan, niêm mạc ruột kết và tuyến tụy được cảm ứng bởi liều cao sulforaphan, nhưng không bị cảm ứng bởi sulforaphan nitril. Khi các tế bào 1 clc - 7 chịu tác động của các nồng độ tăng lên của mỗi hợp chất trong 24 giờ, quinon reductase có sự cảm ứng tối đa gấp 3 lần so với đối chứng ở 2,5 microM sulforaphan và sự cảm ứng tối đa gấp 3,5 lần so với đối chứng ở 2000 microM sulforaphan nitril, nồng độ cao nhất được thử nghiệm. Các kết quả này cho thấy sulforaphan nitril là một chất gây cảm ứng yếu hơn so với sulforaphan đối với các enzyme giải độc ở giai đoạn II. Do đó, sự thuỷ phân glucoraphanin hướng về sự sản sinh sulforaphan thay vì sulforaphan nitril, để có thể làm tăng tác dụng hoá dự phòng của súp lơ.

Gà con cho ăn thức ăn chứa ít các chất chống oxy hoá có sự giảm độ ổn định của hồng cầu đối với H2O2 hoặc chất 2,2 - azo - bis (2 - amidinopropan dihydroc(orid), nhưng tăng hoạt độ catalase trong gan và tăng oxy hoá lipid ở các mẫu gan được xử lý bằng nhiệt so với ở gà con cho thức ăn bình thường. Việc bổ sung vào thức ăn chứa ít chất chống oxy hoá này với 10% hỗn hợp súp lơ và táo tây chống lại các thay đổi nêu trên, trừ trường hợp sự tăng hoạt độ của catalase trong gan và sự tan hồng cầu gây bởi 2,2 - azo - bis (2 - amidinopropan dihydroclorid).

Cao methanol của súp lơ là loại rau thường dùng trong chế độ ăn ở Iran được thử về hoạt tính chống oxy hoá đối với sự peroxy - hoá của acid linoleic. Cao chiết từ súp lơ có hoạt tính chống oxy hoá có thể so sánh với hoạt tính của dl - a - tocopherol và quercetin.

Đã nghiên cứu hoạt tính kháng nấm của dịch ép nước súp lơ tươi đối với nấm Candida albicans và các nấm gây bệnh khác. Dịch ép súp lơ có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của nấm Candida albicans và một số nấm sợi gây bệnh.

Hoạt tính kháng Trypanosoma của cao nước súp lơ được nghiên cứu trên chủng Trypanosoma bracei brucei. Cao súp lơ có tác dụng gây bất động Trypanosoma trong khoảng thời gian ủ 3 giờ và sau đó làm cho ký sinh trùng không gây nhiễm cho chuột nhắt trắng.

Công dụng:

Súp lơ là loại rau ăn quen thuộc cùa nhân dân Việt Nam và cũng được dùng làm thuốc như cải bắp. Súp lơ được dùng đắp ngoài để trị nhiễm khuẩn và làm liền sẹo các vết thương, mụn nhọt, đồng thời là loại thuốc trừ sâu bọ đốt (ong, nhện). Còn làm dịu đau trong bệnh thấp khớp, thống phong, đau dây thần kinh hông, lấy cụm hoa của súp lơ thái mỏng, hơ nóng cho mềm rồi đắp trên các phần bị đau.

Dùng cụm hoa súp lơ sắc uống trị ho, lỵ, làm thuốc an thần, trị mất ngủ và chữa đau dạ dày, loét dạ dày. Súp lơ còn có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng và được dùng trị đái buốt, đái khó, táo bón.

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Next Post Previous Post